Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị

Thứ hai, 08/01/2024 16:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các trường chính trị cần đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý duy nhất ở cấp tỉnh.

Ngày 8/1, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao 9 địa phương đã rất nỗ lực chỉ đạo hoàn thành xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1, đang quyết liệt chỉ đạo triển khai chuẩn mức 2. Các trường đều xác định rõ nhiệm vụ chính trị quan trọng số 1 là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển động rõ nét, bước đầu cung cấp luận cứ, tư vấn cho các địa phương trong công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội...

Về nhiệm vụ năm 2024, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thường trực tỉnh ủy, thành ủy cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư. Những trường chưa có đề án chuẩn mức 1 hoặc trường đã đạt chuẩn mức 1 nhưng chưa xây dựng đề án chuẩn mức 2, cần khẩn trương ban hành đề án để trường có cơ sở triển khai thực hiện. 

"Chúng ta đánh gia trường chính trị không chỉ ở số lượng 6 nhóm tiêu chí, 55 chỉ tiêu, mà quan trọng là đánh giá chất lượng từng tiêu chí. Đối với các trường chính trị đăng ký chuẩn vào năm 2025 cũng cần rà soát để có thể thúc đẩy chuẩn sớm hơn. Thực tế 9 trường đã được công nhận chuẩn trong thời gian qua đều rút ngắn thời gian về đích từ 1 - 3 năm so với mục tiêu, lộ trình đề án", Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Các đại biểu dự Hội nghị 

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các trường chính trị cần đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý duy nhất ở cấp tỉnh. Chú trọng kỷ luật, kỷ cương; thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt, cần tăng cường lớp tập trung tại trường. "Thực tiễn học không tập trung thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề, còn tình trạng học đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong khi quản lý tại cơ sở đặt lớp không nghiêm", Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Cùng với đó, các trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với yêu cầu 100% cán bộ, giảng viên, học viên của các trường tham gia, có các bài viết tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có chất lượng cao. Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của các trường.

Năm 2023, triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức thẩm định và công nhận 8 trường chính trị đạt chuẩn mức 1, qua đó nâng tổng số trường đạt chuẩn đến nay là 9 trường bao gồm: Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang. 

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng trao Cờ thi đua của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng. Các trường đã tổ chức 3.417 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 243.346 học viên. Tỉ lệ lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung cao nhất từ trước tới nay, với 231 lớp tập trung/360 lớp không tập trung, đạt tỷ lệ 1/1,6 vượt chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW....

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị cấp tỉnh lần thứ VIII, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Số lượng các công trình khoa học trong năm cũng cao nhất từ trước đến nay. Các trường chính trị đã triển khai 01 đề tài khoa học cấp bộ, 63  đề tài khoa học cấp tỉnh; xuất bản 95 đầu sách chuyên khảo, tham kháo; 588 bài viết đăng trên tạp chí có chỉ số ISSN trong nước... 

Cùng với đó, số lượng cán bộ, giảng viên trường chính trị đi học nghiên cứu sinh tăng 155,93% so với năm 2022 với 151 đồng chí, cao nhất từ trước đến nay; 74/74 trường đều triển khai cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với hơn 5.000 bài viết.../.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực