Ngày 22/10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của công đoàn ngành trong tình hình mới”.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật nhận định, hiện, tổ chức và hoạt động của công đoàn ngành đang gặp nhiều khó khăn; những khó khăn này đến lúc buộc phải nghiên cứu để có những định hướng giải quyết.
|
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu khai mạc |
Cụ thể như: Trong một ngành nhưng có rất nhiều nghề; mô hình tổ chức của công đoàn cơ bản theo tổ chức bộ máy nhà nước nên phụ thuộc, bị động, thay đổi, lúng túng; Công đoàn ngành trung ương chỉ đạo công đoàn ngành địa phương còn gặp khó khăn, vì công đoàn ngành địa phương trực thuộc công đoàn địa phương, không trực thuộc công đoàn ngành trung ương…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nêu lên thực tế hoạt động của các công đoàn ngành hiện nay; đề xuất giải pháp, kiến nghị về đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của công đoàn ngành và công đoàn địa phương.
Mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn ngành tại Việt Nam hiện nay đa dạng, phong phú, có ngành theo hình thức đơn ngành, có ngành hỗn hợp đa ngành, nhưng được cho là tương đối phù hợp với sự phát triển kinh tế ngành tại Việt Nam.
Hoạt động công đoàn ngành thường gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo sự hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ, sự liên kết liên thông, chia sẻ thông tin nhanh và kịp thời, góp phần cùng chuyên môn định hướng rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, chính sách ngành chính xác hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế ngành mạnh mẽ và bền vững.
Bước đầu một số ngành, nhất là ở địa phương đã hình thành các thương lượng tập thể theo ngành hoặc định hướng thoả ước lao động tập thể theo nhóm doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động tại ngành…
Dù vậy, sự phối hợp giữa liên đoàn lao động địa phương với công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kết quả, hiệu quả trên thực tế là khá thấp…
|
Các ý kiến góp ý tại hội thảo |
Dẫn ra những lợi ích của mô hình công đoàn ngành như: giải quyết vấn đề theo ngành; Tiền lương tối thiểu được thương lượng theo ngành và quy định trong thỏa ước ngành; Thỏa ước ngành ở những lĩnh vực đông lao động được luật hóa mở rộng thành tiêu chuẩn cho người lao động trong cả nước; ở nhiều nước có thỏa ước tập thể ngành thậm chí không cần tới thỏa ước lao đông ̣tâp thể cấp doanh nghiệp..., Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho rằng, đã đến thời điểm Công đoàn Việt Nam cần đổi mới mô hình tổ chức để hoạt động công đoàn mang tính chuyên sâu, bao gồm cả hoạt động về xây dựng chính sách cũng như thương lượng tập thể.
Đầu tiên, các công đoàn địa phương cần cấu trúc lại các công đoàn thành viên của mình theo ngành nghề và hoạt động trọng tâm vào thúc đẩy thương lượng tập thể ngành địa phương. Chương trình hoạt động của công đoàn địa phương sẽ được xây dựng nên từ các công đoàn ngành thành viên. Sau đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đóng vai trò liên kết để các công đoàn ngành địa phương liên kết thành công đoàn ngành quốc gia và thúc đẩy thương lượng thỏa ước tập thể ngành toàn quốc. Thỏa ước ngành toàn quốc và thỏa ước ngành địa phương sẽ hỗ trợ cho công đoàn cơ sở thương lượng mức cao hơn phù hợp với tình hình đơn vị, bà Lan bày tỏ.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy kiến nghị, cần phải thiết kế được mô hình phát huy được hiệu quả của cả hệ thống công đoàn ngành và công đoàn địa phương để thực hiện nhiệm vụ chung của tổ chức công đoàn; phục vụ tốt cho đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở…
Kết quả của hội thảo là căn cứ khoa học để sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012./.