Đổi mới việc học tập lý luận chính trị ở Trường Đại học An Giang

Thứ bảy, 18/05/2024 22:13
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - 10 năm qua, Trường Đại học An Giang đã chủ động đổi mới việc học tập lý luận chính trị và thu được nhiều kết quả tích cực

PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường đã triển khai học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm nội dung Kết luận đến toàn thể đảng viên trong Đảng bộ.

Song song đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã giao cho Khoa Lý luận chính trị (sau này là Khoa Luật và Khoa học chính trị) phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng, vận dụng kết quả nghiên cứu lý luận tại đơn vị vào trong hoạt động giảng dạy và học tập.

Tiếp đó, Đảng ủy cùng Ban Giám hiệu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 67-KH/TU ngày 25/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trường Đại học An Giang (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) 

Trong 10 năm qua, căn cứ Kết luận số 94-KL/TW, Trường đã xây dựng, điều chỉnh và thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân; đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, phương pháp đánh giá kết thúc môn học đối với các môn lý luận chính trị nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được công tác giảng dạy cho sinh viên toàn trường, yêu cầu mỗi giảng viên phải nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học; tăng cường công tác tuyển dụng thêm giảng viên có trình độ cao, có tâm huyết, yêu nghề, có lý tưởng, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn; tăng cường các hoạt động ngoại khoá nhằm nâng cao nhận thức thực tiễn song song với học lý luận chính trị trên lớp; phát động các phong trào thi đua học tập, rèn luyện trong sinh viên, phấn đấu theo tiêu chí Sinh viên “5 tốt” giúp sinh viên phát triển một cách toàn diện; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, Trường còn chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhằm đổi mới mạnh mẽ chất lượng giáo dục đại học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.   

Trong mỗi năm học, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, giảng viên và họ sinh, sinh viên. Đặc biệt trong những năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” gắn với học tập 6 bài lý luận chính trị, Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2018 -  2022”.

PGS.TS. Võ Văn Thắng chia sẻ, ngoài các giải pháp trên, từ năm 2014 đến nay, Trường đã tổ chức 10 hội thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, 01 Hội nghị học tốt và 7 hội thảo khoa học các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Kêu gọi gần 2.000 đoàn viên sinh viên tham gia Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” qua các năm; đạt giải Nhì toàn quốc Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - “Ánh sáng soi đường”; đạt 02 giải nhất vào năm 2018, 2019 hội thi Olympic các môn Lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sinh viên các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Trường Đại học Cần Thơ và Tây Đô đăng cai tổ chức. Năm 2023, 10 sinh viên Trường Đại học An Giang tranh tài tại vòng chung kết hội thi ”Ánh sáng soi đường” cấp tỉnh, kết quả đạt 01 nhất, 01 nhì, 01 ba và 7 giải khuyến khích...

Tại buổi làm việc mới đây tại Trường Đại học An Giang, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và đánh giá rất cao những kết quả đạt được của Trường trong việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW.

Đồng chí Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác làm việc với Trường Đại học An Giang (Ảnh: Trường Giang) 

Theo đồng chí Đoàn Văn Báu và đồng chí Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Trường cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận 94 và các văn bản có liên quan, nhất là Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Trường cần đầu tư xứng tầm cho công tác đào tạo nghiên cứu lý luận chính trị với tính chất là đầu tư cho khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản trực tiếp liên quan đến sự sống còn của chế độ, sự tồn vong và phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng tính thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn phù hợp với sinh viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn cho giảng viên, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy để nâng tính hấp dẫn, lôi cuốn người học.

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính trị trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cấp, các ngành cần đa dạng hóa các giáo trình về lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng đào tạo, và tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo trực tiếp cùng biên soạn giáo trình và chịu sự thẩm định về chuyên môn theo quy định.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho giảng viên lý luận chính trị tham gia nhiều hơn các khoá tập huấn, bồi dưỡng hè các môn lý luận chính trị; đa dạng hoá các nội dung tập huấn, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực người học. Tổ chức các hội thảo khoa học cho giảng viên các môn lý luận chính trị trong toàn quốc để nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị; tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên lý luận chính trị tham gia nghiên cứu thực tế tại các địa phương trong và ngoài nước với những chủ đề cụ thể liên quan đến nội dung các môn lý luận chính trị.../.

Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực