Đồng chí Trần Duy Đông được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026

Thứ tư, 31/07/2024 11:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sáng 31/7, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Với số phiếu tán thành đạt 100% số đại biểu HĐND tỉnh có mặt, đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu sau khi được bầu, tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông bày tỏ: “Tôi nhận công tác tại tỉnh vào thời điểm giữa năm 2024, là năm gần cuối của nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và cũng là năm gần cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, là thời điểm có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch 5 năm đã đề ra. Đồng thời, đây cũng là năm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV”.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An tặng hoa chúc mừng đồng chí Trần Duy Đông được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh: Trà Hương) 

Theo đồng chí, trong những năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả toàn diện và nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh mặc dù phải đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức của tình hình trong nước, trên thế giới và dịch COVID-19.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,6%, trong đó 2022 đạt mức tăng trưởng trên 9,4%/năm, đứng thứ 5 trong Vùng ĐBSH; năm 2023 quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 158 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 130,5 triệu đồng/người đứng 5 của Vùng ĐBSH và thứ 9 của cả nước. Môi trường đầu tư kinh tế tiếp tục được cải thiện theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp: Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng thứ 16/63.

Đặc biệt là tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,26%, trong đó động lực tăng trưởng của tỉnh là công nghiệp – xây dựng đã tăng trở lại đạt 9,1%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 35,2% cao hơn mức bình quân cả nước (29%) và đứng thứ nhất Vùng Đồng bằng sông Hồng; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra.

Bỏ phiếu để bầu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Trà Hương)

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 tiếp tục 2 năm liên tiếp đứng đầu cả nước; tỷ lệ giảm nghèo vượt cao so với kế hoạch, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được giữ vững. Đây là những thuận lợi cơ bản và là tiền đề, động lực cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, qua theo dõi và nắm bắt, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, trong quá trình phát triển, tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn, thách thức như tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng tín dụng mặc dù tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn còn chậm và thấp so với kế hoạch và dự toán năm đề ra, cơ cấu nguồn thu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; thu hút vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước đạt thấp; thu hút FDI còn phụ thuộc vào một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy, chưa thu hút được nhiều các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, điện, điện tử, bán dẫn; sản xuất công nghiệp chưa phục hồi toàn diện; du lịch, dịch vụ chưa phát triển so với tiềm năng; quản lý nhà nước về đô thị còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các tồn tại vi phạm pháp luật về đất đai còn chậm và gặp nhiều khó khăn; công tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa đạt được kết quả đáng kể; công tác cải cách hành chính chưa duy trì thường xuyên và có dấu hiệu chậm lại…

“Trong thời gian tới, trên cương vị công tác của mình, tôi nhận thức rất rõ cần phải tận tâm, tận lực, đem hết khả năng, trí tuệ của mình, vận dụng các mối quan hệ từ Trung ương, để cùng tập thể lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh với tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời gian qua và khắc phục những hạn chế, khó khăn, tháo gỡ những nút thắt và điểm nghẽn cho phát triển; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh phúc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được giao. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển  kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh”, tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chia sẻ.

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu nhận nhiệm vụ (Ảnh: Trà Hương)  

Dịp này, tân Chủ tịch tỉnh cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng tâm, hiệp lực của các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn bộ hệ thống chính quyền của tỉnh trong từng hành động và việc làm với tinh thần nỗ lực, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm cao nhất để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới như lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Vĩnh Phúc: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Đồng chí Trần Duy Đông bắt đầu công việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2002 với vị trí chuyên viên, Vụ Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất (nay là Vụ Quản lý các khu kinh tế). Năm 2014, đồng chí Trần Duy Đông được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế. Tháng 11/2018, đồng chí được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ. Ngày 02/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm đồng chí Trần Duy Đông giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngày 22/7/2024, Ban Bí thư quyết định điều động, chỉ định đồng chí Trần Duy Đông tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực