Động lực và khí thế mới từ các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ năm, 01/10/2020 14:35
(ĐCSVN) – Trong 5 năm qua, từ các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo động lực thúc đẩy mọi hoạt động, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 -2020) của tỉnh đề ra.
leftcenterrightdel
Phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 

Thi đua từ những việc làm cụ thể

Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua giữa 16 khối thi đua trong toàn tỉnh với chủ đề "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội". Thông qua nội dung giao ước thi đua, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trọng tâm là phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng năm và các đề án, chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh ban hành để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XXI.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ, bưu chính viễn thông và phát triển doanh nghiệp đã có nhiều phong trào thi đua được phát động rộng rãi như: "Thi đua lao động giỏi", "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật", "Năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả", qua đó góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng lan tỏa các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả như: "Dạy tốt, học tốt", "Lương y như từ mẫu", "Nâng cao y đức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử"...

leftcenterrightdel
Mô hình trồng Lan tại huyện Hoa Lư cho thu nhập cao. 

Các phong trào thi đua do bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể  chính trị phát động tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tiêu biểu như các phong trào: "Dân vận khéo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Hiến máu tình nguyện", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Thanh niên lập nghiệp" và "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Cựu chiến binh gương mẫu", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"…

Lĩnh vực an ninh, quốc phòng thu được nhiều kết quả quan trọng thông qua các phong trào: "Thi đua Quyết thắng", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"...

Các phong trào thi đua yêu nước được phát động gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tạo nên sức mạnh tổng hợp, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác.

Đặc biệt, tỉnh cùng cả nước thực hiện hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động đó là các phong trào thi đua: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở".

Các phong trào thi đua của tỉnh được tổ chức theo chuyên đề, đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh. Tiêu biểu như các đợt thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh và hướng tới kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt năm 2018; thi đua chào mừng kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 60 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959 - 2019) và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020) và đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII. Các phong trào thi đua đã được nhân dân hưởng ứng tích cực, qua đó tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Đánh giá về kết quả thực hiện các phong trào thi đua, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐTĐ-KT tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua đã mang lại hiệu quả xã hội to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; đã thực hiện đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), trong đó 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức”.

Dấu ấn trên từng lĩnh vực

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn khu vực bình quân giai đoạn 2015-2020 ước đạt 2,02%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015, bình quân tăng 4,5%/năm. Toàn tỉnh có 100/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn) đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 52 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Công nghiệp, dịch vụ, du lịch tăng trưởng ổn định qua các năm. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) toàn ngành bình quân đạt 22,03%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.200 triệu USD, tăng bình quân 17,8%/năm. Du lịch từng bước khẳng định vị trí và thương hiệu trong nước và quốc tế, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2019 tỉnh Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước.

leftcenterrightdel
Mô hình đường hoa của Hội phụ nữ xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, làm sạch đẹp môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới.  

Các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,57%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,07%; dự kiến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lần lượt giảm xuống dưới 2,0% và 3,0%, đạt mục tiêu theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Số trường đạt chuẩn Quốc gia các cấp học là 451/474 trường, chiếm tỷ lệ 95,1%. Ninh Bình liên tục xếp trong tốp đầu toàn quốc về điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2017 đến nay xếp thứ 3 toàn quốc. Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, nhiều mặt được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường.

Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững mạnh. Các phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, chủ đề dân vận chính quyền, cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng và chính quyền được quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã tích cực triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO. Công nghệ thông tin- truyền thông hiện đại, đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng; kết nối liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu của tỉnh, doanh nghiệp.

Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện qua các năm, từ năm 2015 trở về đây, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh liên tục nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh nằm trong nhóm xếp hạng khá của cả nước, năm 2018 xếp thứ 29. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 xếp thứ 9 toàn quốc.

Thông qua các phong trào thi đua nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đã được phát hiện và tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông để biểu dương, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo. Các tấm gương người tốt, việc tốt đã được phát hiện, biểu dương, tôn vinh kịp thời.

Tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Về tập thể có Công ty Cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành công Việt Nam chi nhánh Ninh Bình; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Xuân Thành; Công ty TNHH Xây dựng Xuân Quyền...; về cá nhân có anh Nguyễn Đức Hạnh, công nhân Tổ Bảo trì, Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình; chị Đặng Thị Thơm, phố Khu Tây, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh...

Tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp có: mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ gia đình ông Trần Văn Chính, xóm 7, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn; mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao của anh Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn; mô hình chăn nuôi đa ngành (cá, bò, lợn...) của gia đình ông Phan Văn Miền, xóm 4, Đông Sơn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô...

Tiêu biểu trong lĩnh vực đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội có: phong trào "Xứ họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến", "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn", "Đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu du lịch, trường học, bệnh viện, cụm công nghiệp"...

Đặc biệt, công tác vận động hiến mô, tạng của tỉnh đã có sự lan tỏa mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã có 362 người hiến giác mạc, 2 người hiến đa tạng và có 14.730 người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời.

leftcenterrightdel
Một góc Tam Điệp hôm nay. 

Ghi nhận những thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân và lực lượng vũ trang tỉnh nhà, trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương các hạng cho 132 tập thể, cá nhân; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng 75 Cờ thi đua của Chính phủ, 2 danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc", 350 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân và Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã khen thưởng cho 15.074 tập thể, cá nhân, trong đó 4.817 cá nhân là người trực tiếp lao động sản xuất, chiếm 55,4%...

Riêng năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời động viên và tặng Bằng khen cho 53 tập thể, 129 cá nhân; đang đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đồng chí Đinh Văn Điến khẳng định, những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua rất đáng trân trọng, tự hào, là thành quả phấn đấu kiên trì của toàn Đảng, toàn quân, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, là nền tảng để có những bước phát triển nhanh và vững chắc hơn trong những năm tới đây. Những kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Ninh Bình trong 5 năm qua là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực