Thành phố Hà Nội trao tặng tỉnh Vĩnh Phúc 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Sáng 6/7 tại thành phố Vĩnh Yên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị Hợp tác – phát triển để đánh giá kết quả phối hợp trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian tới.
Dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Báo cáo kết quả hợp tác giữa hai địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, hai địa phương đã triển khai tốt việc phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thông qua các hoạt dộng giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm Ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền các quận, huyện của hai địa phương. Qua đó, đã tham mưu cấp ủy hai tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa hai Đảng bộ.
Cùng với đó, hai địa phương cũng đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực thực hiện cải cách các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của TP Hà Nội khi đầu tư vào tỉnh; thông báo về các ưu đãi đầu tư; cung ứng một số nguyên vật liệu; cung cấp đội ngũ công nhân, người lao động được đào tạo có tay nghề cho các doanh nghiệp của Hà Nội. Các doanh nghiệp hai bên đã tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, thiết kế mẫu sản phẩm… Tiếp tục phối hợp trong quản lý thị trường, lưu thông hàng hóa; đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái; buôn lậu, gian lận thương mại.…
Giai đoạn 2015-2018, tỉnh Vĩnh Phúc và Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển; tăng cường phối hợp quảng bá các tiềm năng, thế mạnh về du lịch; tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, phát triển hoạt động thương mại theo hướng gắn kết thị trường Vĩnh Phúc với thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hai tỉnh, thành luôn phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các dự án đầu tư của Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn hai địa phương đảm bảo đồng bộ, tạo kết nối liên vùng. Đặc biệt là phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công và đưa vào sử dụng dự án Đường trục trung tâm Khu đô thị Mê Linh, giúp rút ngắn thời gian lưu thông, tạo động lực liên kết giao thương giữa hai địa phương, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Vĩnh Phúc - Hà Nội và ngược lại…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.
Thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp: tích cực phối hợp trong kiểm soát, quản lý về giống cây trồng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư về sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, an toàn và hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm; trao đổi kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và quảng cách địa lý và thế mạnh của hai địa phương. Việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp chưa được nhiều. Các nội dung hợp tác về kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, tổng thể; còn hạn chế về các thế mạnh có thể phát huy như như khoa học công nghệ, quản lý và phát triển đô thị, văn hóa thể thao, bảo vệ môi trường…
Trên cơ sở đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thống nhất tăng cường hợp tác trên 9 lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp; đánh giá cán bộ; quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội.…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho rằng, Vĩnh Phúc gần Hà Nội là một lợi thế rất lớn, thực tế trong thời gian qua từ kết quả hợp tác với Hà Nội đã góp phần quan trọng giúp Vĩnh Phúc phát triển như hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Hà Nội và Vĩnh Phúc đẩy mạnh phối hợp trong triển khai đường vành đai 5; phối hợp trong quản lý, phát huy đường trục đô thị Mê Linh; hỗ trợ tỉnh trong xây dựng tuyến đường từ sân bay Nội Bài lên khu du lịch Đại Lải; xây dựng cầu Hồng Hà từ Đan Phượng sang Vĩnh Phúc... Đồng thời mong muốn TP Hà Nội tăng cường hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá văn hóa du lịch; tạo điều kiện cung ứng lao động; mở rộng thị trường tiêu thụ rau quả sạch cho tỉnh…
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, ngay sau Hội nghị này, hai địa phương có thể hợp tác ngay trên một số lĩnh vực như: xúc tiến đầu tư; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kết nối ngay tuyến xe buýt lên thị Trấn Vĩnh Yên, Thị xã Phúc Yên…Thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh phối hợp trong lĩnh vực quy hoạch; xây dựng một số tuyến đường, cầu; phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý tội phạm khai thác cát; phối hợp trong việc quản lý lao động…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ, Vĩnh Phúc có lợi thế về điều kiện tự nhiên tốt, vừa có đồng bằng, vừa có núi, nhiều hệ thống sông, ao hồ… tạo ra cảnh quan đẹp, gần gũi tự nhiên, nền tảng địa chất có lợi thế cho phát triển công nghiệp điện tử, điện lạnh. Với sự năng động, sáng tạo, 20 năm qua, từ một tỉnh nghèo thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước. Từ sự phát triển công nghiệp, tỉnh cũng đã đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân… Có được kết quả đó là do chọn được mục tiêu, phương thức phát triển, cách thức để làm và tạo được sự liên kết giữa các địa phương với nhau. Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục lấy công nghiệp làm nền tảng, ngoài ra, tỉnh cũng xác định phải có sự liên kết giữa các địa bàn, tránh tình trạng mỗi địa phương là một nền kinh tế. Vĩnh Phúc luôn xác định nhiệm vụ chính trị của tỉnh là phát triển nhưng nhiệm vụ rộng lớn hơn là giữ cửa ngõ cho Hà Nội…
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tin tưởng hội nghị chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hai địa phương, đưa việc hợp tác giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả; tạo động lực cho hai bên cùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô chúc mừng những kết quả mà tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã phát triển trở thanh trung tâm công nghiệp của cả vùng. Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Vĩnh Phúc và Hà Nội gắn bó với nhau trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, là “cửa ngõ”, “phên dậu” của Hà Nội, những kết quả hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian qua rất tích cực, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Chính vì vậy, Hội nghị lần này rất có ý nghĩa, đã đề ra nhiều nội dung tăng cường hợp tác giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Đồng tình 10 nội dung hợp tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh những nội dung đã được thống nhất, hai địa phương cần chú trọng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kết nối và quy hoạch. Đây sẽ là nội dung quan trọng tạo ra động lực, sự lan tỏa cho sự phát triển vùng. Cùng với đó tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, quốc phòng an ninh… Bí thư Thành ủy tin tưởng, các nội dung trên sẽ được 2 địa phương sớm cụ thể hóa, triển khai trên thực tiễn, góp phần thiết thực vào sự phát triển toàn diện của mỗi địa phương.
Nhân dịp này, Thành phố Hà Nội đã tặng tỉnh Vĩnh Phúc 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của tỉnh./.