Giảng viên lịch sử Đảng phải là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng

Thứ sáu, 28/10/2022 21:21
(ĐCSVN) - Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên làm công tác lịch sử Đảng phải là một chiến sĩ tiên phong trong lĩnh vực tư tưởng; kiên quyết và kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đó là yêu cầu của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Lịch sử Đảng (1962-2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì diễn ra ngày 28/10 tại Hà Nội. 

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Danh Tiên cho biết, nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục  Lịch sử Đảng, ngày 24-1-1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trực thuộc Trung ương Đảng và chỉ định đồng chí Trường-Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng Ban. Sự kiện quan trọng này đánh dấu sự ra đời và phát triển của một chuyên ngành khoa học mới ở Việt Nam - chuyên ngành khoa học Lịch sử Đảng.

 GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện Lịch sử Đảng

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với những thành tựu trong nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, ngành Lịch sử Đảng đã và đang đóng góp xứng đáng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng; khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

Phát biểu tại buổi lễ, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ghi nhận, trên chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, của Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; của các cấp uỷ Đảng và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, với trọng trách cao cả và trách nhiệm lớn lao của những người “phụ trách với cả quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ trách trước Đảng và nhân dân” - như lời đồng chí Trường Chinh, ngành Lịch sử Đảng đã không ngừng phát triển, từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng và nền khoa học nước nhà. Trong thời kỳ đổi mới, ngành Lịch sử Đảng tiếp tục thực hiện chỉ dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Trách nhiệm - Trung thực - Trí tuệ - Sáng tạo vì sự nghiệp cách mạng của Đảng”, làm cho lịch sử của Đảng thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. 

Để làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu thời gian tới, toàn ngành Lịch sử Đảng, trong đó có Viện Lịch sử Đảng tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng đối với công tác tư tưởng, lý luận và công tác xây dựng Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng. 

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cùng đại biểu và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên Viện Lịch sử Đảng 

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo hướng tập trung nghiên cứu làm rõ các “khoảng trống” cần bổ sung trong lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương; làm sâu sắc hơn lịch sử các ban, bộ, ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm hoàn thiện tổng thể các công trình lịch sử Đảng. Trong đó, cần đặc biệt tập trung vào nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kịp thời đúc kết những bài học kinh nghiệm, góp phần tiếp tục tổng kết những vấn đề lý luận – thực tiễn mới để bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy môn lịch sử Đảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hệ trung, cao cấp và sinh viên các trường cao đẳng, đại học đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trong các trường phổ thông nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các cơ sở đào tạo lịch sử Đảng - hạt nhân là Viện Lịch sử Đảng, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; đẩy mạnh việc áp dụng sâu rộng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng và đưa kết quả nghiên cứu mới về khoa học lý luận chính trị nói chung và khoa học lịch sử Đảng nói riêng vào giảng dạy để có những bài giảng thực sự chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, bao gồm cả lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, rộng khắp, phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, đưa lịch sử Đảng đi vào cuộc sống, góp phần vào xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Gắn công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, những luận điệu phản động, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực