Giúp tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới cơ sở

Thứ sáu, 10/07/2020 22:07
(ĐCSVN) - Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế là căn cứ, cơ sở quan trọng giúp tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới cơ sở.

Ngày 10/7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ

Phát biểu đề dẫn, Bí thư Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nêu rõ, ngày 08/2/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 289-QĐ/TW về Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Qua 10 năm, việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế là căn cứ, cơ sở quan trọng giúp tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới cơ sở.

Tỷ lệ cán bộ Đoàn quá tuổi theo quy định không còn phổ biến ở các địa phương, đơn vị mà thay vào đó là đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, sát với độ tuổi thanh niên, thể hiện được sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Quy chế cũng đã quy định rõ hơn các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của cán bộ Đoàn các cấp, số cán bộ Đoàn được đào tạo về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc đặt ra về công tác thanh niên.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn

Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đánh giá cán bộ được quan tâm, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Ban Tổ chức Trung ương. Các bước, quy trình rà soát, giới thiệu bổ sung nguồn nhân sự quy hoạch được tiến hành bảo đảm dân chủ, khách quan. Công tác bố trí, sử dụng ngày càng phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường và chiều hướng phát triển của cán bộ.

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ có trình độ, năng lực, trưởng thành từ cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn được thực hiện kịp thời, bổ sung cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, góp phần đảm bảo sự ổn định trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp bộ Đoàn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn được quan tâm thực hiện từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, từng bước thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể đối với công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đặc biệt là việc chăm lo chế độ, chính sách, quyền lợi chính trị cho cán bộ Đoàn đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi để cán bộ Đoàn phát huy khả năng, sở trường, cống hiến để trưởng thành.

Xem xét, đánh giá, điều chỉnh Quy chế phù hợp với tình hình mới

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng tác động không nhỏ đến đội ngũ cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, qua 10 năm triển khai thực hiện, với sự phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của tình hình mới, một số quy định của Quy chế cán bộ Đoàn cần được xem xét, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể là: việc thực hiện các tiêu chuẩn của cán bộ Đoàn quy định theo Quy chế ở một vài nơi còn chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là trong việc vận dụng các quy định về độ tuổi và trình độ lý luận chính trị, độ tuổi giữ chức vụ lần đầu của cán bộ Đoàn.

leftcenterrightdel
Đại biểu nêu các kiến nghị tại Hội nghị 

Một số nơi cấp ủy đã cụ thể hóa Quy chế cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị hoặc yêu cầu tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn khá cao (yêu cầu trẻ hơn, trình độ chuyên môn, lý luận nâng lên) nhưng cơ chế, chính sách đi kèm cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa được thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn trong thực hiện.

Công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn các cấp gặp một số khó khăn do tổ chức Đoàn là đơn vị có tính đặc thù, yêu cầu vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có kỹ năng công tác Đoàn - Hội - Đội trong khi công tác tuyển dụng công chức không có đặc thù. Công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn ở nhiều nơi thực hiện chưa thống nhất. Có nơi tổ chức thi tuyển, có nơi xét tuyển; có nơi tổ chức sơ tuyển đối với cán bộ làm công tác Đoàn, có nơi không; có nơi lập hội đồng thi tuyển công chức chung cho các cơ quan, đơn vị…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, các đợt thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức không thường xuyên, khoảng cách giữa các kỳ thi khá dài (có nhiều tỉnh 9 năm qua chưa tổ chức thi tuyển công chức khối Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể), dẫn đến thiếu hụt cán bộ trong cơ quan chuyên trách của Đoàn.

Công tác quy hoạch cán bộ cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do sự biến động thường xuyên của đoàn viên và cán bộ Đoàn. Việc tìm nguồn và tạo nguồn quy hoạch cán bộ Đoàn cho cơ sở thiếu, chất lượng chưa cao. Nhiều nơi cấp ủy áp dụng tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ Đoàn như cán bộ, công chức mà chưa chú ý đến tính đặc thù của tổ chức Đoàn.

Từ các điểm cầu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt đề xuất Trung ương Đoàn sửa đổi, bổ sung công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn, đảm bảo công tác luân chuyển và sự phát triển cán bộ từ cơ sở.

Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng Quy chế cán bộ Đoàn đối với Tổng phụ trách Đội; xem xét một số cơ chế đặc thù cho phép tuyển dụng cán bộ tại cơ quan chuyên trách quận, huyện đoàn; tạo cơ chế đặc thù về kinh phí để tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Đoàn - Hội - Đội cho đối tượng cán bộ chưa được hỗ trợ kinh phí do vướng các quy định của các cấp về sử dụng và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức…

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh Lê Hùng Sơn kiến nghị Trung ương Đoàn đề xuất chế độ đãi ngộ cho cán bộ Đoàn, chế độ phụ cấp cho cán bộ Đoàn ở cơ sở để đội ngũ cán bộ Đoàn yên tâm công tác như được hưởng chế độ trợ cấp và nhà ở công vụ theo quy định chung; được bảo lưu phụ cấp trong thời gian luân chuyển công tác...

Để đảm bảo độ tuổi cho cán bộ Đoàn từ cơ sở về công tác tại Đoàn cấp tỉnh, huyện, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Trần Thị Chúc Quỳnh kiến nghị cần điều chỉnh cho cán bộ Đoàn được ưu tiên hơn những cán bộ, công chức khác, giảm số năm công tác từ 60 tháng xuống còn 36 tháng cho phù hợp với Quy chế cán bộ Đoàn.

Ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành Đoàn, phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, những vấn đề được các tỉnh, thành Đoàn nêu ra là những vấn đề hết sức thực tế qua quá trình thực hiện triển khai quy chế cán bộ Đoàn tại địa phương. Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ tổng hợp, nghiên cứu để có đánh giá cụ thể trong việc thực hiện 10 năm Quy chế cán bộ Đoàn.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đề nghị các cơ sở Đoàn tiếp tục rà soát, gửi văn bản cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn trước ngày 20/7. Trong lúc chờ Quy chế cán bộ Đoàn sửa đổi, điều chỉnh, các tỉnh, thành Đoàn phải tiếp tục thực hiện, chủ động, sáng tạo trong cách thực hiện; báo cáo nhanh cho Trung ương Đoàn về công tác tuyển dụng cán bộ công chức; tích cực chủ động hơn, có những bước theo dõi, nắm bắt cơ hội để đảm bảo tỉ lệ cán bộ trẻ được bầu vào cấp uỷ.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực