|
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. |
Ngày 21/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; cùng đại diện các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo được xây dựng với mục tiêu xuyên suốt là văn hoá và con người vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô gồm 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực; 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã; cùng với đó là 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị…).
Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hoá, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số); các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị; các trục cao tốc).
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Đồng thời nghiên cứu hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế, xã hội phát triển, văn hoá, đặc sắc, có bản sắc riêng, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.
Các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: Văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến; Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, gợi ý đối với nội dung về kết nối vùng, làm tốt vai trò động lực phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của đất nước, khát vọng về một thành phố toàn cầu; những nội dung ưu tiên trong kỳ quy hoạch, như: Khai thác, phát huy vai trò sông Hồng; phát triển nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường đô thị; phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng số...
Bên cạnh đó, gợi ý các vấn đề lý luận trong công tác lập quy hoạch Thủ đô, trong đó, các vấn đề về triết lý phát triển Thủ đô, cụ thể hoá nội hàm “văn hiến – văn minh - hiện đại” và giải pháp vận dụng hiệu quả vào các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực, đô thị, nông thôn; các mô hình đô thị, không gian xanh, hành lang xanh… Ngoài ra, là các vấn đề quan trọng khác như phân cấp, phân quyền; các giải pháp huy động nguồn lực; sự phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành; các giải pháp hợp tác vùng, hợp tác quốc tế…
|
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận tại hội thảo.
|
Tham luận tại hội thảo và đưa ra một số ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. Trong đó, quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hoá mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại, thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam...
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải quán triệt sâu sắc và thống nhất thực hiện triết lý phát triển Thủ đô. Từ những phân tích nét đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu triết lý phát triển Thủ đô với 5 mệnh đề, 20 chữ: “Phát sáng nhân tài - Khai phóng trí tuệ - Lan toả nhân văn - Hoà điệu tự nhiên - Tiến cùng thời đại”. Triết lý này cần được thể hiện, quán triệt trong toàn bộ quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch Thủ đô.
|
GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại hội thảo. |
Nhận diện 5 "điểm nghẽn" trong phát triển Thủ đô hiện nay, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô chỉ ra là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ và năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ, dám làm trong thực thi công vụ.
Theo đó, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ sự trân trọng với những tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định đây là tình cảm, trách nhiệm mà các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự dành cho Thủ đô Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, quy hoạch Thủ đô là công việc lớn. Hiện, Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn để cụ thể Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và tiến hành nhiều cuộc hội thảo khác nhau, nhiều cuộc tư vấn của chuyên gia ở các góc độ khác nhau. Trước Hội thảo này, Hà Nội đã có cuộc hội thảo với gần 180 trường Đại học trên địa bàn và tranh thủ được nhiều ý kiến của chuyên gia, cơ quan chuyên môn hàng đầu.
Khẳng định những nội dung tại hội thảo đóng góp đa dạng, phong phú, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, nhiều bài viết có chất lượng tốt, đã gợi mở nhiều hướng tiếp cận cũng như vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu. Trên tinh thần đó, thành phố mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, hướng đến mục tiêu có được những bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi./.