Sáng 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện các bộ, ngành trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố (TP) nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng Ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.
|
Quang cảnh Hội nghị.
|
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị là dự thảo lần 2, phiên bản thứ tám và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Về lộ trình theo kế hoạch, Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP tại Hội nghị lần thứ 12 tư diễn ra vào tháng 7 tới. Thành ủy cũng sẽ xin ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân để từ đó định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển để có Dự thảo Văn kiện tốt nhất trình ra Đại hội, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Thông tin về nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020-2025. Trong đó, xác định 3 khâu đột phá đáng chú ý: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế.
Các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị, cùng nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản đã đánh giá cao dự thảo báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; nội dung báo cáo đã bao trùm trên các lĩnh vực, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra những giải pháp để khắc phục. Các đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí cao với kết cấu, bố cục, chủ đề, nội dung và phương châm Đại hội XVII Đảng bộ TP, trong đó, có nhiều điểm mới, điểm nhấn với văn phong sáng sủa, dễ hiểu...
Đề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch một cách có kế hoạch có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong đánh giá của văn kiện đã nói rất kỹ là có bao nhiêu quy hoạch phân khu, bao nhiêu quy hoạch chi tiết…, nhưng đánh giá đã có kế hoạch hay chưa thì chưa được đầy đủ. Các vấn nạn đang tồn tại như ùn tắc giao thông, thiếu trường học… đều do quy hoạch chưa thật sự tốt. Do đó, nhiệm kỳ tới cần đánh giá đúng để làm tốt hơn.
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị. |
Đề cập đến lĩnh vực nhà ở, thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, dự thảo văn kiện đã nêu ra nhưng cần xem xét các chỉ tiêu và định hướng cụ thể hơn. Ví dụ trong lĩnh vực nhà ở cần có các chỉ tiêu liên quan đến số lượng m2, số lượng nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vấn đề cải tạo chung cư cũ… Hay liên quan thị trường bất động sản, Hà Nội với vai trò Thủ đô và dự báo trong thời gian tới, thị trường này sẽ rất sôi động nên trong dự thảo cần có một mục đề cập đến các giải pháp, chương trình cụ thể bảo đảm công khai, minh bạch.
Về lĩnh vực tài chính ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tài chính ngân sách đặt ra, là địa phương đóng góp cao nhất cho sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia trong 5 năm qua. Về các nội dung định hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thành phố đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó nên bổ sung, cập nhật các nội dung liên quan đến vấn đề xã hội hóa, tinh giản bộ máy…
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, định hướng hướng phát triển của Thành phố trong 5 năm tới là phù hợp, có hàm lượng thông tin cao, thể hiện tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, với các định hướng như phát triển nhanh, bền vững, xây dựng đô thị xanh, thành phố thông minh... cần phải có các chỉ tiêu cụ thể đi kèm và đặt cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, thể hiện được khát vọng phát triển của Thủ đô.
Đề cập đến mối quan hệ với bộ, ngành Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị cần phân cấp mạnh hơn nữa cho Thủ đô. Việc nâng tầng của trường học mà Thủ đô phải đi xin ý kiến 4 bộ, ngành là điều hiếm có đối với các nơi trên thế giới. Đồng thời nâng cao tính chất phục vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp vì những thủ tục này còn khá vất vả trong thực tế triển khai.
|
Hội nghị đã nhận được 14 ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. |
Đánh giá cao mục tiêu tổng quát trong dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị cần xác định lộ trình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu, xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, xây dựng thành phố thông minh. Đặc biệt, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn thành phố. Xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, Hà Nội đánh giá kinh tế trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá, đây là một đánh giá khiêm tốn, bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. Về tín dụng, Hà Nội cũng là địa phương có mức tăng trưởng rất nhanh, chiếm hơn 34% tổng mức huy động tín dụng của cả nước. Cùng với huy động vốn thì tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước, vì thế trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững. Thực tế trong đại dịch COVID-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%...
Liên quan đến lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Thành phố cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4... Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.
Kết thúc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn và tiếp thu 14 ý kiến đại biểu tại hội nghị. Đồng chí đánh giá đây là những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm và tình cảm với Thủ đô; khẳng định những ý kiến này sẽ được tiếp thu và góp phần nâng cao chất lượng báo cáo chính trị của Đảng bộ TP Hà Nội. Ngoài các ý kiến đóng góp trực tiếp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn tiếp tục nhận được góp ý và sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương để Thủ đô thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển văn minh, hiện đại trong thời gian tới./.