(ĐCSVN) – Sau thời gian thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về Cuộc vận động và hơn một năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hà Nội rút ra kinh nghiệm: Yếu tố quyết định hiệu quả việc học và làm theo gương Bác chính là nhận thức và hành động của cấp ủy, người đứng đầu. Cùng với đó là mỗi cơ quan, đơn vị cần tìm một cách làm phù hợp, không dập khuôn, máy móc.
Gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyên môn
Trong những năm qua, Hà Nội luôn đi đầu trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những cách làm bài bản, sáng tạo, hiệu quả. Qua đó đã có rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình được phát hiện và tôn vinh trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, 31 công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh trong 3 năm vừa qua thực sự là những tấm gương tiêu biểu nhất.
|
Thông qua việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình Hà Nội được phát hiện và tôn vinh trên mọi mặt của đời sống xã hội. Ảnh: TH |
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cho biết, đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chương trình số 01-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XV về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015”.
Ngoài việc tổ chức học tập các chuyên đề, Hà Nội tập trung xây dựng tiêu chí làm theo, chuẩn mực sát thực, phù hợp với thực tiễn, với mục đích thống nhất triển khai thực hiện từ cấp thành phố xuống quận, huyện, thị xã đến cơ sở.... Điển hình như Quận ủy Long Biên đã chỉ đạo xây dựng chuẩn mực đạo đức của 52 chi, đảng bộ của các phường và khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức biểu dương các điển hình tiêu biểu từ các chi bộ đến cấp phường, quận.
Quận ủy Tây Hồ đã có hướng dẫn về xây dựng tiêu chí thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với 6 đối tượng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; đảng viên hưu trí; lực lượng công an nhân dân; lực lượng quân đội nhân dân; thanh niên; thiếu niên.
Cùng với đó, Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống tuyên giáo và hệ thống báo cáo viên. Nhiều quận, huyện, thị, các cơ quan, đơn vị đã chủ động tập trung các hoạt động tuyên truyền trực quan như xây dựng các cụm panô, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu, đồng thời xây dựng các chuyên mục, tin bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua, các cuộc vận động phù hợp với đặc điểm, thực tiễn của địa phương, đơn vị và đã đạt được kết quả thiết thực, tránh được tình trạng qua loa, hình thức.
Cụ thể, Quận ủy Ba Đình xây dựng chuyên đề “Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với thực hiện hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chống suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên”. Tòa án nhân dân Thành phố phát động thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân” và phong trào thi đua “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Công an Thành phố có phong trào “Công an nhân dân học tập 6 điều Bác Hồ dạy” và “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”...
Xuất hiện nhiều mô hình đáng để nhân rộng
Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Hà Nội bước đầu đã và đang tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ nạn tham nhũng, tiêu cực...
Về tìm hiểu thực tế tại xã Sơn Đông, một trong hai đơn vị được Thị ủy Sơn Tây chọn làm điểm triển khai Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, chúng tôi mới thấy thấm thía những kinh nghiệm mà Hà Nội đã rút ra. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông Nguyễn Văn Lực cho biết, triển khai Chỉ thị 03, Sơn Đông đã lựa chọn việc khó – Đó là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để tạo chuyển biến... “Trước đây, dù là gia đình có điều kiện, hay gia đình khó khăn, mỗi đám cưới trong xã đều phải làm hơn 100 mâm cỗ. Điều này vừa mất thời gian, vừa tốn kém, gây ra nợ nần cho các gia đình khó khăn” – Bí thư Nguyễn Văn Lực nhớ lại.
Triển khai Chỉ thị 03, Sơn Đông có Nghị quyết chuyên đề và đưa ra cách làm cụ thể là trước mỗi đám cưới cử cán bộ xuống gia đình phổ biến nghị quyết của Đảng ủy, đề nghị mọi người cùng hưởng ứng. Lúc đầu, nhiều hộ dân chưa hài lòng, có những hộ còn phản đối cho rằng cấp ủy, chính quyền can thiệp quá sâu vào việc riêng của họ.... Tuy nhiên, Đảng ủy vẫn kiên trì tuyên truyền và yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Từ đó giúp người dân thấy rõ tác dụng của việc "tiết kiệm" và “làm theo”. Đến nay, trung bình mỗi đám cưới đã giảm được một nửa chi phí và số mâm cỗ. Tương tự, việc tang đã giảm cỗ bàn, không còn trình trạng 150-200 mâm cỗ trong đám tang, các hủ tục lạc hậu cũng được dẹp bỏ. Cùng với việc loại bỏ các hủ tục lạc hậu, xã Sơn Đông còn vận động nhân dân hiến 6.237m2 đất để mở rộng đường ô tô có thể qua lại được, trong đó thôn Bình Sơn hiến hơn 1.100m2 đất, tạo điều kiện cho xã triển khai xây dựng nông thôn mới và trên hết là mở rộng được con đường mà trước kia chỉ đủ để xe cải tiến đi qua.
Quận ủy Cầu Giấy chọn nội dung tập trung chỉ đạo: "Giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị"... Tại phường Trung Hòa, trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị, nhân dân giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng đất công. UBND phường thông báo công khai toàn bộ diện tích đất công, đất xen kẹt để người dân giám sát việc khai thác, quản lý số đất này, không để đất công bị tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng trái phép. Nhân dân giám sát chặt chẽ hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng, nhờ đó đã hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tỷ lệ xây dựng có phép từ 60% năm 2007 tăng lên 98% năm 2011. Tất cả các trường hợp xây dựng sai phép đều bị xử lý theo đúng quy định. Trong công tác giải phóng mặt bằng, phường quán triệt phương châm thực hiện công dân, dân chủ, tuân thủ đúng pháp luật. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn phường trong những năm qua luôn đảm bảo tiến độ và không có vụ việc tiêu cực, không có đơn thư khiếu nại...
Ngoài hai đơn vị nói trên trên, nhiều quận, huyện, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có cách làm riêng và tạo ra những hiệu ứng tích cực. Ở một số xã của huyện Đan Phượng, người dân đã quyên góp trên 7 tỷ đồng xây dựng 3km đường làng và 21 km đường ngõ, xóm. Cán bộ, nhân dân phường Thượng Thanh, quận Long Biên, mỗi người tiết kiệm mỗi ngày 500 - 1.000 đồng để giúp đỡ các gia đình khó khăn. Nhân dân huyện Thanh Trì đóng góp trên 48 tỷ đồng, hiến 1.136m2 đất và hàng ngàn ngày công xây dựng 52 công trình công cộng...
Gắn việc “làm theo” với khắc phục hạn chế theo Nghị quyết Trung ương 4
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, bên cạnh những thành tích đạt được, Hà Nội cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Đó là một số địa phương, đơn vị chưa kết hợp, gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 với triển khai học tập các nghị quyết của Trung ương, của Thành phố và đơn vị.
|
Cán bộ xã Sơn Đông chỉ cho phóng viên con đường mà nhân dân thôn Bình Sơn đã tình nguyện hiến đất để mở rộng - Ảnh: TH |
Đó là chưa nói đến việc một số nơi lúng túng trong việc lựa chọn vấn đề bức xúc nhất, những vấn đề quần chúng nhân dân, cán bộ đảng viên đang mong đợi để tập trung giải quyết. Việc phát hiện các nhân tố điển hình để kịp thời biểu dương, nhân rộng còn chưa nhiều...
Để khắc phục những “lỗ hổng” còn tồn tại, tiếp tục nghiên cứu, tìm biện pháp nhằm chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy các cấp, các đảng bộ trực thuộc tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tiếp tục phát huy những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã đạt được từ việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong thời gian tới, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đưa việc học tập và làm theo Bác vào chiều sâu, có những nội dung cụ thể, thiết thực, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cán bộ, đảng viên. Từ những việc nhỏ, đơn giản như sử dụng điện, nước, xăng xe, tổ chức tiệc tùng; gương mẫu, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội cho đến những việc lớn, quan trọng như xây dựng các chủ trương, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; nâng cao trách nhiệm trong bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng lãng phí...
Đáng chú ý, Hà Nội tập trung làm chuyển biến đội ngũ cán bộ, đảng viên đương chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để Thủ đô ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên, công chức giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống...
Trước mắt, Hà Nội tập trung tuyên truyền, giáo dục về tấm gương đạo đức của Bác phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, ngành nghề… Tập trung giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, chỉ đạo tốt việc thực hiện chương trình giảng dạy và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, cán bộ từ năm học 2012-2013. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 03 gắn với thực hiện những việc cần làm ngay để khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).../.