|
|
Trong cuộc họp phản biện đề án, các đại biểu, thành viên MTTQ TP Hà Nội cho rằng, quá trình thực hiện phải được xem xét kỹ lưỡng, triển khai thận trọng, đặt vấn đề ổn định lên trên hết . (Ảnh:TA) |
Trong kỳ họp khai mạc hôm nay 3/12, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét tờ trình của UBND TP về việc kiện toàn các thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Theo đó, chính quyền TP Hà Nội đề xuất sáp nhập hơn 200 thôn và khoảng 3.900 tổ dân phố để thực hiện quy định của Bộ Nội vụ về quy mô số hộ gia đình ở các đơn vị này.
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 7.970 thôn, tổ dân phố (gồm 2.519 thôn và 5.145 tổ dân phố). Sau khi UBND TP ban hành Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố, có 22/30 quận huyện đã hoàn thiện các quy trình từ cơ sở, xây dựng hồ sơ báo cáo UBND TP để trình HĐND TP thông qua. Dự kiến tổng số thôn, tổ dân phố còn lại sau khi sáp nhập là trên 5.000 (giảm hơn 2.800 đơn vị). Với những thôn, tổ dân phố có quy mô hộ gia đình lớn, TP đề xuất căn cứ thực tế bổ sung thêm một cấp phó.
Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, TP Hà Nội khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn, tổ dân phố có quy mô lớn hơn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố.
Về tổ chức của thôn, tổ dân phố, quy chế nêu rõ, mỗi thôn có Trưởng thôn. Trong trường hợp cần thiết, thôn có trên 450 hộ gia đình trở lên thì có thể bố trí 1 Phó trưởng thôn. Mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng. Trong trường hợp cần thiết, Tổ dân phố có trên 600 hộ gia đình trở lên thì có thể bố trí 1 Phó Tổ trưởng tổ dân phố.
HĐND TP sẽ quyết định việc thành lập thôn, tổ dân phố mới (gồm cả việc chia tách); quyết định sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn, tổ dân phố có quy mô lớn hơn thuộc từng xã, phường, thị trấn; quyết định giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố.
Trong cuộc họp phản biện đề án nêu trên vào ngày 19/11, các đại biểu, thành viên MTTQ TP Hà Nội cho rằng, việc sáp nhập, sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP là một việc lớn, tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân. Do vậy, quá trình thực hiện phải được xem xét kỹ lưỡng, triển khai thận trọng, đặt vấn đề ổn định lên trên hết, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp và nhiều sự kiện chính trị quan trọng đồng thời TP Hà Nội đang chuẩn bị triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Các đại biểu đề nghị trong quá trình thực hiện phải tính đến các yếu tố, đặc điểm về văn hóa, tôn giáo của từng cộng đồng; quan tâm hơn đến hoạt động của các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập để các phong trào không bị đi xuống. Các ý kiến này cũng cho rằng, sau sáp nhập việc bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố sẽ rất khó khăn do những người đảm nhận vị trí này thường có tuổi, sức khoẻ hạn chế, chế độ ưu đãi thấp. Và khi sáp nhập, tâm lý ai cũng muốn trưởng thôn, tổ trưởng là người địa phương mình.
Theo thông tư số 14 được Bộ Nội vụ ban hành cuối năm 2018, quy mô số hộ gia đình để thành lập thôn mới ở đồng bằng sông Hồng là 300 hộ trở lên; thành lập tổ dân phố mới thuộc TP Hà Nội là 450 hộ trở lên. Những thôn, tổ dân phố hiện nay có quy mô hộ gia đình dưới 50% quy định trên thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề…/.