|
Quang cảnh hội nghị . |
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương thông báo nội dung về kết quả Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII.
Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 6, Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng.
Cụ thể, về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, hội nghị đã thống nhất nhận định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định.
Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả, thành tựu đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian qua; cũng như những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan trọng này.
Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới"...
Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao cho rằng: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị Trung ương 6 đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu một số chức danh lãnh đạo. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng do các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, làm thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách nhà nước./.