Hải Dương kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giáo dục

Thứ năm, 16/12/2021 21:47
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng mong muốn, thông qua hoạt động của đoàn khảo sát, sẽ phản ánh tới Quốc hội những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh trong dạy học trực tuyến, mặt bằng chất lượng học sinh, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên…
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc. 

Ngày 16/12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hải Dương nhằm khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành có liên quan.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh năm 2021 và định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2022, tỉnh Hải Dương đặt ra mục tiêu phát triển theo phương châm “thích ứng linh hoạt và phát triển bứt phá” trong đó có mảng giáo dục. Tỉnh đang đặt ra những tiêu chí để phát triển toàn diện giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Xem xét sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục, từng bước giảm tải cho ngân sách của tỉnh.

Tỉnh cũng đang khẩn trương rà soát các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để quyết định hướng đầu tư có trọng điểm, trong đó đặt ra mục tiêu sẽ phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trở thành trung tâm của khu vực phía bắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng mong muốn, thông qua hoạt động của đoàn khảo sát, sẽ phản ánh tới Quốc hội những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như những khó khăn trong dạy học trực tuyến, mặt bằng chất lượng học sinh, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên tại các địa phương; kinh phí dành cho đổi mới sách giáo khoa…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Hải Dương trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Tại buổi làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên và việc triển khai dạy học trong bối cánh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết 88/2014/QH13; Nghị quyết 51/2017/QH14, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy học dần được đầu tư, xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp hơn…

Tại buổi làm việc, các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng phản ánh với đoàn khảo sát một số khó khăn, vướng mắc tỉnh còn gặp phải trong hoạt động giáo dục, đào tạo như cơ sở vật chất trường lớp ở một số nơi xuống cấp, thiết bị dạy học thiếu so với quy định, đặc biệt là trang thiết bị dạy học hiện đại. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các huyện đẩy mạnh, thêm áp lực quy mô học sinh tăng nhanh nên ở một số trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục chưa tương xứng.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP gây khó khăn cho công tác quản lý biên chế ngành giáo dục. Cơ cấu, giáo viên cấp THCS và THPT còn chưa hợp lý ở nhiều cơ sở giáo dục. Chương trình GDPT 2018, số lượng tiết các môn học cấp THCS, THPT giảm so với chương trình GDPT hiện hành khiến sự mất cân đối về cơ cấu bộ môn càng tăng. Công tác quản lý, thực hiện quy chế chuyên môn ở một số đơn vị, cơ sở chưa nghiêm túc, thiếu hiệu quả…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Hải Dương trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là những quyết tâm của tỉnh trong phát triển hệ thống giáo dục các cấp học. Đoàn giám sát cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của tỉnh để kiến nghị tới Quốc hội và các Bộ ngành liên quan trong các phiên làm việc tới đây.

Đoàn khảo sát làm việc với Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. 

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. Tại đây đoàn đã nghe báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về tự chủ, bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học. Cụ thể về việc thành lập, tổ chức và cơ chế hoạt động của Hội đồng trường; Kết quả đã làm được trong công tác thực hiện chính sách pháp luật về tự chủ và thực hiện các hoạt động bên trong và bên ngoài nhà trường. Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất trong quá trình thành lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng trường cũng như việc thực hiện tự chủ của nhà trường. Trên cơ sở các nội dung đã khảo sát tại trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương và của tỉnh Hải Dương, Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của quốc hội để xem xét và điều chỉnh trong thời gian tới./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực