|
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam – Trưởng Ban Tổ chức giải chủ trì tọa đàm.
Khẳng định được uy tín, vị thế trong các giải báo chí toàn quốc
Giải Báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chính thức phát động từ ngày 13/11/2021 tại Hà Nội. Sau 3 năm, Giải ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp Nhân dân. Thông qua các tác phẩm dự giải cho thấy các nhà báo và cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải báo chí quan trọng này, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Toạ đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 nêu rõ: Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao Ban biên tập Báo Đại đoàn kết đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Hành trình không vùng cấm, không ngừng nghỉ”, đây có thể xem là một hoạt động thiết thực nhằm kịp thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa mục đích, ý nghĩa, cung cấp thông tin đầy đủ nhất về công tác tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 đến với đông đảo các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên và người dân cả nước.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Sau ba lần tổ chức thành công, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trong các giải báo chí toàn quốc, đồng thời thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao và tham gia tích cực từ đông đảo cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Để tiếp tục tổ chức thành công Giải lần thứ tư cả về quy mô, chất lượng các tác phẩm gửi tham dự Giải, trong khuổn khổ buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị các vị khách mời cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ của cơ quan báo chí, các nhà báo khi tham gia Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiến nghị, đề xuất với Ban Tổ chức Giải những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, qua đó thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên trong cả nước tích cực tham gia hưởng ứng, gửi tác phẩm báo chí có chất lượng tham dự Giải.
Trân trọng sự kiên định, dấn thân
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, đồng chí Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải cho biết, trong mùa giải này, điều đặc biệt nhất là cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là niềm cổ vũ, động viên khích lệ các phóng viên kiên trì theo đuổi các vụ điều tra. Cuốn sách cũng cổ vũ Ban tổ chức Giải làm tốt hơn.
Với mùa giải thứ tư này, Ban tổ chức quan tâm tới hai nội dung. Thứ nhất, tên giải là “Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, tên giải mùa trước là “Giải báo chí toàn quốc về chống tham nhũng, lãng phí” điều chỉnh từ lãng phí thành phòng chống tham nhũng. tiêu cực thì phạm trù rộng hơn.
|
Các đại biểu tại buổi Tọa đàm |
Vấn đề thứ 2 là giá trị giải thưởng. Hiện nay các giải như Báo chí quốc gia, giải Búa liềm vàng, rồi giải Diên hồng cũng có giá trị rất cao. Vì vậy, Ban tổ chức Giải cũng phấn đấu tiền thưởng giải năm nay phải cao hơn để các phóng viên có động lực, nguồn động viên.
Đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải đánh giá, cái khó nhất với báo chí phòng chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang thẻ nhà báo ra để nói rằng: “Tôi đang hành nghề hợp pháp”. Thế nên, trước tiên, việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp bắt đầu từ chính bản thân nhà báo.
“Vai trò của cá nhân nhà báo là cốt lõi, bởi không ai có thể cứu mình bằng chính mình và điều đó đói hỏi kiến thức, kỹ năng, sự tử tế. Nên một nhà báo viết đấu tranh phòng chống tham nhũng đừng nghĩ kỹ năng nghề là số một mà cái tâm, cái đức mới là số một. Tự tâm, đức của mình tạo ra sự lan toả kết nối, sự ủng hộ, che chở. Và mục tiêu cuối cùng của những loạt bài điều tra là vì đất nước, những người dân, vì xã hội phát triển bền vững, vì những gì gần gũi với tất cả chúng ta” – đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn kết khẳng định, nhà báo đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thường trực nhất là bị đe doạ và đối mặt với trả thù. Điều này là đương nhiên, vì chống tham nhũng, tiêu cực là đã chọn cho mình việc làm nặng nhọc, nguy hiểm vì đụng chạm lợi ích những người “có máu mặt”. Tuy nhiên, vì bạn đọc, vì sứ mệnh của tờ báo, những người cầm bút nếu chỉ lựa chọn các tác phẩm bình bình thì chẳng ai nhớ đến mình, chẳng ai tin nhà báo, tờ báo cứ “mũ ni che tai”, chọn cách an toàn trước thời cuộc.
“Nghề báo là thư ký thời đại, phải ghi lại những gì nóng bỏng và góp phần thay đổi cái xấu, cải tạo xã hội. Bởi vậy tôi rất trân trọng các nhà báo dấn thân các thể loại này và Giải Báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là sự cổ vũ thực sự rất sâu sắc, ý nghĩa” - quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt nói.
Là người có một “bộ sưu tập” đáng kể các loạt bài phóng sự điều tra, phanh phui ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều giải thưởng báo chí danh giá, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt cho rằng, khó khăn lớn nhất của các nhà báo khi đối diện với tham nhũng, tiêu cực chính là sự kiên định. Chúng tôi luôn tin “ma bao giờ cũng sợ người” và các tuyến bài điều tra chống tiêu cực phải đối mặt với rất nhiều thế lực… Do đó, tính quyết liệt, sự kiên định, sự tự bảo vệ mình của nhà báo trong quá trình thực hiện các loạt bài chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng.
|
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phát biểu tại Tọa đàm. |
“Chúng tôi kiên định con đường: Thước đo phẩm cách của một nhà báo là người phóng viên, tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội? Không phải viết để khua môi múa mép, khoe câu khoe chữ hay văn phong bóng bẩy để đăng Facebook. Mà quan trọng là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống”- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bộc bạch.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng mong rằng từ nay đến thời hạn cuối nhận bài dự thi - ngày 31/8/2023, các cơ quan phối hợp cũng như các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên tiếp tục lan tỏa nội dung, thông điệp về việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 với mong muốn mùa giải lần thứ tư này sẽ được nâng lên về số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí so với 3 mùa giải trước./.