Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng

Thứ năm, 28/01/2021 20:07
(ĐCSVN) – Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì kinh nghiệm quốc tế cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn của nước ta đều cho thấy phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng".

 Đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ngày 28/1, tại Trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã cho biết về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian vừa qua và giải pháp trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có đánh giá: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai khai quyêt liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ ràng. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan có chức năng PCTN, xin đồng chí cho biết những đột phá của công tác này trong nhiệm kỳ vừa qua?

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực và thực sự đã trở thành trào lưu, xu thế, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Những đột phá trong công tác PCTN thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng và công tác quản lý cán bộ.

Phải kể đến trước nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo với những điều chỉnh có ý nghĩa đột phá đã tạo nên những kết quả đột phá, đặc biệt là vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo thực sự đã là “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” và là “linh hồn” của công tác phòng, chống tham nhũng với những đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động. Ban Chỉ đạo lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả công việc ngày càng cao.

Đột phá quan trọng tiếp theo phải kể đến là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Cùng với đó là mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường, nhất là phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các Bộ, ngành.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, các cấp ủy đảng đã thi hành kỷ luật trên 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỉ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt (Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đạt tỉ lệ 32,04%). Đây cũng là bước đột phá trong xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra.

Điểm đột phá quan trọng nữa chính là công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới, bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn. Nói công tác cán bộ thời gian qua là nội dung đột phá quan trọng trong công tác PCTN là hoàn toàn chính xác bởi chung quy muốn kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu, triệt tiêu được tham nhũng thì yếu tố con người là rất quan trọng. Làm tốt công tác cán bộ sẽ giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và ngược lại, làm không tốt công tác cán bộ, để còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, sử dụng sai cán bộ thì chính là nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. Xin đồng chí cho biết vai trò của việc hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng; và những kết quả nổi bật của công tác này trong nhiệm kỳ qua?

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì kinh nghiệm quốc tế cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn của nước ta đều cho thấy phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng". Để thiết lập được các cơ chế đó thì việc trước hết phải làm là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN phải được thể chế hóa thành pháp luật. Các quy định của pháp luật phải được rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy mà việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn là nội dung trọng tâm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng công tác không chỉ là hoàn thiện pháp luật về PCTN mà đòi hỏi phải hoàn thiện toàn diện chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trước hết là những ngành, lĩnh vực, những khâu nhậy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Từ năm 2013 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các Bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, chúng ta đã xây dựng được Luật PCTN năm 2018 với nhiều biện pháp mới, khắc phục những hạn chế thời gian qua và tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác PCTN trong thời gian tới.

Nhìn chung, qua kết quả xây dựng thể chế, chính sách nêu trên đã đề ra được những chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt là các kinh nghiệm tốt của thế giới về phòng, chống tham nhũng được thể chế hóa trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đã được nội luật hóa cơ bản đầy đủ trong pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng. Do đó, có thể khẳng định, cho đến nay các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng của chúng ta cơ bản đã đầy đủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN; sự thiếu hụt dẫn đến hiệu quả PCTN chưa cao chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện.

Tuy vậy, pháp luật không bất biến mà luôn đòi hỏi có sự phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Do đó mà chúng ta không thể chủ quan với những kết quả đã đạt được mà phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, đánh giá chính sách để không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là một số quy định mới của pháp luật PCTN. Mặt khác, chính công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nếu không làm tốt, có sơ hở thì cũng dễ tạo điều kiện, làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Do đó trong công tác này luôn phải có cơ cơ chế kiểm soát chặt chẽ để việc xây dựng chính sách, pháp luật về PCTN, quản lý kinh tế xã hội bảo đảm công khai, minh bạch, không có sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Phóng viên: Như đồng chí vừa nêu: một trong những đột phá quan trọng trong công tác PCTN thời gian qua là kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Vậy xin đồng chí cho biết với việc thực hiện chức năng thanh tra, ngành thanh tra đã đóng góp được những kết quả cụ thể gì trong công tác PCTN?

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Một mặt đã phát hiện, kiến nghị hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, là cơ hội để phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mặt khác, qua hoạt động thanh tra, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm.

Trong 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 32.600 cuộc thanh tra hành chính và trên 1.127.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 417.000 tỷ đồng, trên 94.500 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi trên 235.500 tỷ đồng, 8.800 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trên 9.700 tập thể, cá nhân; ban hành trên 612.700 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 24.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 462 vụ, 671 đối tượng. Toàn Ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 17.580 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi trên 33.800 tỷ đồng (đạt 75%), 5.430 ha đất (81%); xử lý hành chính trên 20.000 tổ chức, cá nhân; khởi tố 204 vụ, 145 đối tượng. So với nhiệm kỳ trước, số tiền kiến nghị thu hồi tăng 89%, kiến nghị xử lý khác tăng 200%, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tăng, trong đó thu hồi về tiền tăng gấp hơn 5 lần; chuyển cơ quan điều tra tăng 48% số vụ, tăng 84% số đối tượng. Trong số đó, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng như vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ...

Mặc dù vậy, ngành thanh tra vẫn nhận thức rằng còn phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân trong công tác PCTN theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Phóng viên: Về phương hướng trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động trọng tâm, đột phá như thế để thực hiện quyết tâm của Đảng trong công tác PCTN?

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Với tâm thế vững tin vào sự thành công tất yếu của công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hai là, tập trung sửa đổi Luật Thanh tra 2010 theo hướng tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN, nhất là hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra các cấp.

Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Tố cáo 2018, nhất là những nội dung mới, trong đó có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN khu vực ngoài nhà nước, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo; tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đối với bộ, ngành Trung ương, làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Năm là, xây dựng, triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là sẽ lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng thanh tra đột xuất. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra.

Sáu là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, nhất là các cơ quan thuộc khối nội chính trong việc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng và tổ chức thực hiện; kịp thời cung cấp thông tin, phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng phát hiện qua hoạt động của các cơ quan thanh tra. Đề cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của cơ quan thông tấn, báo chí, của Nhân dân và xã hội nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”; tham gia một cách có hiệu quả, trách nhiệm và khẳng định vai trò trong các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ Việt Nam hoặc Thanh tra Chính phủ là thành viên./.

Hiền Hòa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực