Sáng 4/6, tại trụ sở Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả sau 10 tuần thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng VCNET.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” và đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi đã dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương – Thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi; phóng viên đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cán bộ, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Làm nổi bật vai trò của ngành Tuyên giáo với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
|
Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi báo cáo sơ kết Cuộc thi |
Trình bày báo cáo sơ kết Cuộc thi, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi, cho biết, hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020)” trên mạng Vcnet. Đến nay, sau 10 tuần thi, Cuộc thi đã đạt được những kết quả quan trọng, thu hút sự quan tâm tìm hiểu và tham gia dự thi của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo sức lan tỏa lớn trong ngành và toàn xã hội. Cuộc thi được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương và được đông đảo Nhân dân biết tới. Nhiều địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm đến cuộc thi, triển khai cuộc thi sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đồng chí Trần Doãn Tiến cho biết, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ là cơ quan Thường trực của Cuộc thi đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí như: Tạp chí Tuyên giáo, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, báo Tiền phong, Báo Đại biểu Nhân dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tạp chí Zing.vn… tổ chức tốt cuộc thi hằng tuần.
Cùng với cơ quan thường trực là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí trung ương và các cơ quan báo chí của các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước đã tải đường link của Cuộc thi kèm theo hướng dẫn đăng nhập, kịp thời đăng tải nội dung và kết quả Cuộc thi từng tuần; thường xuyên cung cấp đến bạn đọc những tài liệu tuyên truyền về lịch sử 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Bên cạnh đó, các báo cũng có nhiều bài viết phản ánh về tác động của cuộc thi đến xã hội, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người dự thi với Ngành Tuyên giáo, với Cuộc thi. Các hoạt động này đã tạo được hiệu quả tuyên truyền cao, có tác dụng khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, cá nhân tiếp tục tổ chức triển khai và tham gia Cuộc thi, từ đó tạo nên đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt với ngành tuyên giáo, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ về lịch sử 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định, với cách thức thi đơn giản, phù hợp, tiết kiệm, cho phép người thi thực hiện trên điện thoại smartphone, máy tính bảng tạo thuận lợi cho người dự thi tham gia thi. Các câu hỏi hay, bám sát các sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành Tuyên giáo, làm nổi bật vai trò của ngành Tuyên giáo và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, khơi gợi đam mê tham gia tìm hiểu về lịch sử ngành Tuyên giáo của người dự thi. Song song với việc ra câu hỏi, Tiểu ban Nội dung đã cung cấp nhiều tài liệu ngắn gọn, sát hợp với các câu hỏi với hàm lượng thông tin cao giúp người dự thi vừa có đáp án cho câu hỏi, vừa bổ sung kiến thức trong lĩnh vực lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và ngành Tuyên giáo.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Có thể khẳng định, Cuộc thi đã góp phần góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng; trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Đây cũng là dịp để chúng ta nâng cao hiểu biết, nhận thức và niềm tự hào về truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyên giáo của Đảng ta và tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
4,3 triệu lượt thi với 2,2 triệu lượt thi trả lời đúng
Báo cáo cụ thể về kết quả 10 tuần thi, đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi cho biết, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan trung ương, ban tuyên giáo các tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc trung ương, số người dự thi và lượt người dự thi tăng nhanh.
Trong đó, ở những tuần đầu tăng nhanh (số người dự thi ở tuần 1 là 136 nghìn người, tuần 2 là 298 nghìn người, tuần 3 là 449 nghìn người, tuần 4 là 571 nghìn người, tuần 5 là 577 nghì người…) và giữ ổn định ở những tuần tiếp theo.
Số người trả lời đúng cả 10 câu hỏi mỗi tuần cũng tăng đều ở những tuần đầu và giữ ổn định ở những tuần sau (dao động từ 200.000-300.000 người). Tính đến nay, đã có 704.000 tài khoản tham gia thi với 4,3 triệu lượt thi, với 2,2 triệu lượt thi trả lời đúng cả 10 câu hỏi. |
Về độ tuổi tham gia thi, người dự thi dưới 18 tuổi chiếm 36%, từ 18 đến 30 tuổi chiếm 26%; từ 31 đến 55 tuổi chiếm 37% và trên 55 tuổi chiếm 1%. Điều đó cho thấy Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu và tham gia dự thi của mọi lứa tuổi và tầng lớp Nhân dân. Điều này góp phần khẳng định tình cảm, trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với Đảng, muốn được tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi cho biết về kết quả người dự thi đoạt giải ở sau 10 tuần thi, đã có 122 người ở 35 tỉnh, thành đoạt giải. Trong đó, Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều giải nhất 41 giải; tiếp theo là Nghệ An với 24 giải. 2 người dự thi có nhiều giải thưởng nhất là bạn Võ Thị Hương ở Nghệ An với 2 giải Nhất, 01 giải Khuyến khích và Phan Khắc Bách ở Hà Tĩnh với 5 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.
Đặc biệt, có rất nhiều người đoạt giải chỉ với một lần tham gia thi tuần như bạn Nguyễn Thị Xuân ở Thái Nguyên giải Nhất tuần 4; bạn Trần Quốc Thành, Trần Quang Khởi giải Nhì tuần 4; Bạn Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Mạnh Linh giải Nhì tuần 8; bạn Đoàn Công Trường giải Ba tuần 7….
Theo thống kê, các tỉnh, thành phố có số người tham gia dự thi đông nhất trong 10 tuần qua gồm: Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nội, Lâm Đồng, Yên Bái, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nam Định.
Số tài khoản đăng ký và sử dụng mạng Vcnet tăng mạnh, tới nay đạt con số 1,3 triệu tài khoản. Rất nhiều tài khoản hoạt động rất tích cực, đặc biệt vào mỗi thứ 2 hằng tuần khi Ban Tổ chức công bố kết quả Cuộc thi và bộ đề thi tuần mới. Các tài khoản tương tác, trao đổi nhiều về các câu hỏi thi, về tài liệu tham khảo của Cuộc thi để có đáp án đúng nhất.
|
Đại diện các cơ quan báo chí đặt câu hỏi với Ban Tổ chức Cuộc thi |
Để thực hiện tốt Cuộc thi trong các tuần còn lại, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục đôn đốc các cơ quan chức năng, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm Cuộc thi, hướng dẫn động viên cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia dự thi.
Đầu tư nâng cấp hơn nữa phần mềm Vcnet, đảm bảo đáp ứng tốt các tiện ích, tạo thuận lợi cho người dùng. Nâng cấp phần mềm trên giao diện trên điện thoại. Đặc biệt, chuẩn bị thật tốt chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin” và Lễ tổng kết cuộc thi vào cuối tháng 7/2020, đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930- 1/8/2020).
Kết hợp giữa nội dung hấp dẫn với công nghệ hiện đại để thu hút người dân tham gia
|
Audio: Đồng chí Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” cho biết, trong năm 2020, đất nước ta có nhiều sự kiện lớn, kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020); 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và đối với ngành Xây dựng Đảng có nhiều ngành kỷ niệm 90 năm, trong đó có ngành Tuyên giáo của Đảng, Tổ chức của Đảng, ngành Dân vận của Đảng. Vì vậy, Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” không chỉ tuyên truyền các hoạt động Tuyên giáo của Đảng mà thực chất còn là tuyên truyền về công tác xây dựng đảng, xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng chia sẻ Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” không chỉ dành riêng cho cán bộ, đảng viên mà còn dành cho các tầng lớp Nhân dân để làm cho những tư tưởng, nội dung, truyền thống của các ngành của Đảng chính là các truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, để người dân hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó tạo sự gắn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Dân.
|
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,
Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại Hội nghị
|
Đồng chí Lê Mạnh Hùng cho rằng, việc triển khai tìm hiểu truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng là trách nhiệm của ban tuyên giáo các cấp, các ngành phải tuyên truyền và tổ chức để có nhiều người tham gia và cùng tham gia. Đơn vị nào tham gia tốt là thể hiện trách nhiệm về nhiệm vụ của mình, đối các đơn vị có ít người dân tham gia thì đó là chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. “Đối với Ban tuyên giáo là nhiệm vụ phải triển khai còn đối với người dân vận động để người dân tham gia. Người dân tham gia đông đảo là biến quá trình tự phát thành quá trình tự giác, biến quá trình chưa nhận thức đầy đủ thành nhận thức đầy đủ hơn! Đấy là trách nhiệm của cán bộ làm công tác tuyên giáo”, đồng chí Lê Mạnh Hùng nói.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị Báo Điện tử Đảng sản Việt Nam Việt Nam, cơ quan Thường trực của Cuộc thi tiếp tục tham mưu để Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng những đơn vị làm hiệu quả, đồng thời đôn đốc, phê bình những đơn vị làm chưa tốt để thực hiện hiệu quả hơn.
Để cuộc thi lan tỏa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền tuyên truyền, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ được nhiều người dân tham gia như vậy sẽ đạt được nhiều kết quả tốt cuộc thi.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng lưu ý, trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, nội dung quan trọng nhưng phương tiện và đường truyền truyền tải nội dung cũng rất quan trọng. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện cần phải kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nội dung phải hấp dẫn, thiết thực. Vì vậy, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Vietel, các đơn vị liên quan tạo điều kiện để đầu tư công nghệ hiện đại, nhanh, chính xác, dễ làm, dễ thực hiện để người dân tham gia. Đặc biệt, phải chú trọng đến nội dung phong phú, thiết thực, mang tính phổ thông…/.