Khắc phục cho được tình trạng lười học nghị quyết, học qua loa

Thứ ba, 03/07/2018 19:21
(ĐCSVN) – Đó là chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung 7 khóa XII của Đảng vừa qua. Đây là nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng.

                     Quang cảnh Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung 7 khóa XII của Đảng

tại điểm cầu Hà Nội, ngày 29/6.

Việc quán triệt, học tập, triển khai nghị quyết của Đảng còn hạn chế

Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết nên có biểu hiện khoán “trắng” cho cơ quan tuyên giáo; công tác phối hợp giữa các lực lượng trong tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; học tập còn hình thức ở trên làm kỹ, ở dưới làm lướt, dàn trải...

Chưa coi trọng đến việc liên hệ lý luận, thực tiễn, giải đáp thắc mắc còn hạn chế, hình thức tổ chức thực hiện ít thảo luận và đối thoại, còn nặng về độc thoại, thông tin một chiều, chưa dành thời gian thỏa đáng để giải đáp những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Việc học tập, quán triệt nghị quyết còn dừng lại ở việc giới thiệu. Quá trình nghiên cứu, thảo luận, giải đáp thắc mắc thường bị bỏ qua do thời gian bố trí học tập ngắn, phương pháp tổ chức học tập không phù hợp, nhất là đảng viên ở nông thôn và công nhân các khu công nghiệp.

Còn tình trạng triển khai chiếu lệ, qua loa, hình thức, nhất là triển khai học tập với đối tượng quần chúng. Chưa chú trọng đúng mức việc kiểm tra, nhận xét, đánh giá kết quả học tập, trước hết là kết quả nhận thức của cán bộ, đảng viên về các nội dung cơ bản của nghị quyết. Tình trạng cán bộ, đảng viên đi học nghị quyết còn làm việc riêng, đọc báo, lướt mạng, không ghi chép diễn ra phổ biến; động cơ học tập chưa đúng đắn.                  

Qua khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: Còn nhiều chi bộ hiện nay, việc triển khai nghị quyết còn qua loa, hình thức, thiếu sức thuyết phục, chưa tạo được sự lôi cuốn cần thiết; phương pháp, cách thức truyền đạt và tiếp nhận thông tin còn hạn chế; việc học tập có tính đối phó, lãng phí thời gian, chi phí vật chất. 

Những biểu hiện trên được đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ: “Việc lười học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Lười học còn là nguyên nhân dẫn tới biểu hiện suy thoái khác là nói và viết không đúng nghị quyết”.

Đổi mới học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng

Học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Để khắc phục những hạn chế và thực hiện có hiệu quả việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, “cần chú ý khắc phục cho được tình trạng lười học nghị quyết, học qua loa. Lười học còn là nguyên nhân dẫn tới biểu hiện suy thoái khác là nói và viết không đúng nghị quyết”.

Đồng chí  Võ Văn Thưởng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, tiếp tục tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết ở địa phương, đơn vị cho số cán bộ, đảng viên ở các cấp chưa được dự hội nghị hôm nay, yêu cầu bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng để thảo luận, xác định những giải pháp cụ thể có lộ trình thích hợp, nguồn lực bảo đảm, phân công trách nhiệm rõ ràng; nỗ lực và quyết tâm hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về cách làm mới, kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong thực hiện các Nghị quyết Trung ương. Các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện Nghị quyết. Kết hợp với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị.

Về hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết được đổi mới phù hợp với đặc điểm tình hình ở từng địa phương, cơ sở. Thời gian vừa qua Trung ương đã đổi mới học tập bằng hình thức trực tuyến đến cả cấp xã (Hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết Trung ương 7 khóa XII cả nước có 2.600 điểm cầu tham gia). Nhiều địa phương, nhất là ở cấp tỉnh đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị mà kết hợp linh hoạt các phương thức học tập, quán triệt nghị quyết: hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường); hình thức trực tiếp (thông qua hệ thống truyền hình đang có); hình thức trực tuyến (thông qua cầu truyền hình). Đổi mới cách thức tổ chức các lớp học: Qua việc tổ chức lớp; qua sinh hoạt chi bộ; qua tự nghiên cứu tài liệu (theo từng đối tượng, thành phần, nội dung cụ thể).                           

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, báo cáo viên phải có trình độ lý luận và thực tiễn, luôn cập nhật kiến thức, trình bày có sức thuyết phục, nêu được cái “tinh túy” nhất, “hồn cốt” của nghị quyết, khắc phục tình trạng một chiều. Bám sát từng đối tượng, vận dụng linh hoạt kiến thức để truyền đạt, giải quyết tình huống, có ví dụ minh họa sinh động gắn với địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đang có xu thế theo hình thức trực tuyến, đối thoại với đối tượng, giải đáp những băn khoăn thắc mắc, thậm chí giải quyết một số tình huống cụ thể nào đó. Sau khi học tập, viết thu hoạch, tổ chức đánh giá kết quả thu hoạch, nơi nào không tổ chức viết thu hoạch có thể nêu tình huống gắn với công việc cụ thể để người học trả lời hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nội dung nghị quyết. Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trong việc học tập, triển khai thực hiện nghị quyết của đảng bộ đến từng cán bộ, đảng viên...

Tùy từng đối tượng đặt ra yêu cầu khác nhau, như: Đối với cán bộ chủ chốt, nội dung học tập thường đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện; từ đó, liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào công tác; tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, nội dung học tập cụ thể, ngắn ngọn gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của từng ngành giúp người học nắm vững các luận điểm cơ bản “cốt lõi” và vận dụng vào thực tế công tác. Đối với cơ quan báo chí cần có các chuyên mục có nội dung về học tập, triển khai nghị quyết của Đảng. Các chuyên mục này cần liên tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức...

Kinh nghiệm cho thấy trước hết phải tự đổi mới về nhận thức của việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng vì đây là nhiệm vụ bắt buộc và quan trọng đối với mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Thực hiện việc phân cấp rõ ràng trong cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc học tập, nghiên cứu, quán triệt ở từng cấp.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện Nghị quyết một cách thường xuyên. Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực