Khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Thứ sáu, 07/10/2022 20:36
(ĐCSVN) – Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã thu được kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực được xử lý nghiêm. Những vụ án ấy đã ít nhiều tác động đến tâm lý cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì. Có cán bộ thốt lên rằng “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế mà không muốn làm gì. Thực tế này rất đáng báo động. Vậy thực hư câu chuyện là gì?
Ảnh minh họa 

Sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì

Hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu nói rằng: “Bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”. Vậy thực hư thế nào?

Đây là câu chuyện không mới, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố; nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì sợ sai, sợ trách nhiệm và không biết làm như thế đúng hay sai là không thể chấp nhận được và cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên đó. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để đánh giá lại cán bộ của mình xem còn đủ năng lực và trình độ hay không để xử lý trách nhiệm, thậm chí là đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước.

Trong thực tế khi nhận nhiệm vụ, không có vị lãnh đạo nào là không hứa hẹn sẽ tận tâm, tận lực mang hết khả năng và tinh thần trách nhiệm để cống hiến. Thậm chí khi vào Đảng là lời tuyên thệ trước Đảng: Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác...

Rồi Luật Cán bộ công chức, các luật chuyên ngành cũng quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức nói chung, vậy mà cán bộ nói sợ trách nhiệm, nói “không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, hay “không biết làm sai ở chỗ nào”, như vậy cán bộ đó có còn đủ tư cách để ngồi vào ghế đó nữa không?.

Quy trình của cán bộ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định trước khi được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý và họ đều đã được thử thách trong công tác; học hành bài bản đủ bằng cấp, chứng chỉ, thậm chí có những người được học cao. Như vậy, cán bộ, đảng viên vô tư trong sáng là “đầy tớ” của nhân dân thì sao có thể làm sai được...

Trong công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố rất rõ: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. “Nếu anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người…Tiền bạc chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất". Như vậy đặt ra yêu cầu của công tác cán bộ và thực thi công vụ cần quán triệt sâu sắc quan điểm này của Tổng Bí thư.

Cán bộ không dám làm hay im lặng, nghĩa là thiếu trách nhiệm, có thể hiể u là anh không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật chứ không phải không hiểu luật. Luật ở đây là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và những nhiệm vụ phải làm được thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật chứ không tách rời với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh.

Căn nguyên của câu chuyện này là xuất phát từ chuyện cán bộ, công chức đạo đức kém, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu vén, lợi ích nhóm, làm những việc không đúng pháp luật. Cái gốc của vấn đề là sân sau, lợi ích nhóm. Câu trả lời là anh làm sai nên anh mới sợ.

Không ai có thể hiểu biết hết tất cả nhưng điều đó không có nghĩa là không có luật quy định điều chỉnh và không có bộ phận chuyên môn giúp việc. Trong nhiều vụ án vì vụ lợi, lợi ích nhóm mà các cơ quan "nhắm mắt" cho qua chứ đâu phải ở năng lực trình độ cán bộ, nếu động cơ trong sáng thì họ đâu có sai phạm.

Một nguyên nhân nữa không dám làm và sợ, cho thấy tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ không đáp ứng nhưng vì ham quyền lực, háo danh đến mức chạy để đạt được chức danh đó, cho nên đến khi được bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí đó không biết làm gì cho nên dẫn tới bị cấp dưới thao túng tham nhũng, tiêu cực.

Tình trạng lãnh đạo sợ sai không dám làm gì là rất đáng báo động. Điều đó sẽ làm mất đi động lực, cơ hội làm ăn, kìm hãm sự phát triển, nhất là ở những cơ quan đơn vị, địa phương có vị trí quan trọng chiến lược quốc gia mà cán bộ nào cũng sợ sai không dám làm thì tương lai đất nước sẽ về đâu?. Thực tế đã có, tuy không phải tất cả nhưng cũng có không ít cán bộ khi đi luân chuyển về địa phương 2-3 năm không làm gì, không xử lý vi phạm, không đề xuất cái mới, cố gắng để không va chạm với ai, dĩ hòa vi quí “cả làng đều vui” rút về an toàn.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai không dám làm là vì cơ chế. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai?. Bản chất cơ chế, chính sách là đúng nhưng cái không đúng là người ta lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất để phục vụ cho lợi ích sân sau, lợi ích nhóm. Vì thế không thể đổ cho cơ chế. Nếu là cơ chế, tại sao nhiều cán bộ công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng? Không thể nói số đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng, có danh dự. Trong khi đó, có những vị chức to, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì làm sao có thể làm đúng được...

Thực tế cho thấy một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả. Rõ ràng sợ sai không dám làm là do năng lực yếu kém, có vấn đề nên làm gì cũng sợ. Nếu anh có tài, có năng lực thật thì không phải sợ gì cả…

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó “nhiều cán bộ sợ, không dám chịu trách nhiệm” đang tồn tại. Có người cho rằng: “Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ sai. Nhiều cán bộ “suy tư, lo lắng”, khiến tinh thần làm việc giảm sút. Sự cẩn trọng của cán bộ, công chức, viên chức diễn biến theo chiều hướng trì trệ….".

Việc khởi tố một loạt cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ cấp cao có thể tạo ra khủng hoảng nhất định, có thể gây ra xáo trộn cán bộ của cả một bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng là cơ hội tốt để mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại mình, công việc mình làm “tự soi, tự sửa” để hành động đúng đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Một trong những đột phá quan trọng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Cần phải hiểu rằng “dám làm” không có nghĩa là làm ẩu, làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “chân đi, miệng nói, tay làm”, vì cái chung.

Dám nói chính là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, suy thoái về chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Dám chịu trách nhiệm chính là thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người đứng đầu, “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước trước khó khăn và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn.

Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Dù đường lối của Đảng đã khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu. Để khắc phục tình trạng này, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ khuyến khích và bảo vệ phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là có quy định cụ thể để giải tỏa, khắc phục cho được tâm lý sợ làm sai, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của đất nước, không vì danh, lợi cá nhân.

Như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội khi mới xảy ra vụ án Việt Á thì rõ ràng là cơ quan điều tra chỉ khởi tố đối với những người liên quan đến chia chác tiền nong.

Để khắc phục tâm lý trên, vừa qua Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc.

Kết luận nêu rõ: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm./.

VM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực