Khẳng định vai trò then chốt trong việc tổ chức thành công cuộc bầu cử

Thứ tư, 19/05/2021 18:31
(ĐCSVN) – Với những gì đã thể hiện trong thời gian qua, đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thể hiện vai trò then chốt trong các bước, các công việc để ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội của toàn dân, từ đó khẳng định vai trò và những đóng góp xuyên suốt của Mặt trận trong công tác bầu cử.
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ  ba.

Hoàn thành từng bước quan trọng của công tác bầu cử

Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong công tác bầu cử được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật liên quan. Đặc biệt, trong 98 điều của Luật Bầu cử, có tới 40 điều quy định về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tham gia công tác bầu cử.

Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, MTTQ Việt Nam được giao trọng trách là chủ thể hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đồng thời tham gia phụ trách và giám sát quá trình bầu cử, thể hiện sự dân chủ của quá trình nhân dân lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Thực hiện trách nhiệm của mình, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công ba vòng hiệp thương ở mỗi cấp để giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là sự kiện mở đầu trong quy trình ba vòng hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, từ ngày 3 - 17/2, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương giới thiệu) là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (500 đại biểu). Về bầu cử đại biểu HĐND, số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656/3.715 đại biểu được bầu theo luật định, đạt tỷ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu.

Tiếp nối thành công của các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trong các ngày từ 15-19/3, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Theo đó, tổng số người được đưa vào danh sách sơ bộ là 1.085 người (205 người của Trung ương và 880 người của địa phương), đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu.

Từ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH cư trú trên địa bàn. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cư trú trên địa bàn.

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương chuẩn bị các nội dung cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba, giai đoạn này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức 5 Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (đợt 1) ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử; tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương về khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với địa phương và đề xuất phương án giải quyết kịp thời.

Trong các ngày từ 14 - 18/4/2021, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV. Đến 17h00 ngày 18/4/2021, số liệu về danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khoá XV là 870 người, trong đó có 205 người ở trung ương và 665 người ở địa phương, đạt tỉ lệ số dư là 1,74 lần. Tại khóa XIV là 879 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần; khoá XIII là 832 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,66 lần.

Tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 6.201 người trên tổng số đại biểu được bầu theo quy định là 3.727 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,67 lần so với tổng số đại biểu được bầu. Con số này ở danh sách ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 37.463 người, ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là 405.110 người.

MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức các ứng cử viên tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 7 huyện Phúc Thọ, Hà Nội. 

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Đỗ Văn Chiến, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là một nhiệm vụ rất quan trọng của quá trình bầu cử. Đây là hội nghị hiệp thương lần cuối cùng để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia để thực hiện các bước tiếp theo; đồng thời khẳng định Mặt trận các cấp đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử. Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng là mốc cơ sở để các hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng viên được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Ứng biến nhanh chóng theo tình hình thực tế

Sau khi tổ chức thành công ba hội nghị hiệp thương, MTTQ các cấp đã thực hiện lịch trình theo các kế hoạch đã được xây dựng trước đó về những nội dung công tác bầu cử thuộc trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú; giám sát việc thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử; tiếp công dân về nội dung liên quan đến trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử; hướng dẫn công tác tuyên truyền bầu cử cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương; tập hợp dư luận xã hội về công tác bầu cử; thực hiện các hình thức để tuyên truyền về bầu cử...

Bằng sự nỗ lực của Mặt trận các cấp, các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, hội nghị tiếp xúc cử tri đã được tổ chức dân chủ, đúng luật, góp phần vào thành công cho cuộc bầu cử. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sau khi thống nhất với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ngày 4/5/2021, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành ngay hướng dẫn số 61/HD-MTTW-BTT về việc tổ chức tiếp xúc cử tri phù hợp với công tác phòng, chống dịch; đồng thời ngày 8/5/2021, tại công văn số 2343/MTTW-BTT, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh tới việc Mặt trận chủ động phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Mặt khác, với sự tham mưu, phối hợp của Mặt trận, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng đã ban hành văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 13/4 về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh; văn bản số 684/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 15/5/2021 về việc một số vấn đề cần tiếp tục lưu ý trong quá trình tổ chức bầu cử.

Qua đó, công tác tổ chức lấy ý kiến của cử nơi công tác và nơi cư trú được triển khai đồng bộ, đảm bảo số lượng cử tri tham dự, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử để thực hiện vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ và có sự điều tiết hài hòa phù hợp với từng địa phương, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Để bầu cử trở thành ngày hội non sông

Từ thực tiễn công tác Mặt trận tham gia công tác tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong thời gian qua, có thể thấy, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã chủ động, tích cực hoàn thành mọi công việc đề ra từ tham gia ý kiến vào các văn bản đến công tác giám sát, tuyên truyền

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiểm tra, giám sát niêm yết danh sách đại biểu ứng cử.

Đánh giá về sự đóng góp của MTTQ Việt Nam cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp có vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng trong thời gian qua; tích cực, công tâm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong chuẩn bị bầu cử; bảo đảm các bước, các khâu giới thiệu đại biểu, hiệp thương, tham gia chuẩn bị dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Trung ương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tích cực tham gia tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ngày bầu cử...

Nhấn mạnh từ nay tới ngày 23/5 và sau đó, nhiệm vụ của MTTQ vẫn rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục phát huy tốt vai trò; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bầu cử; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, đơn vị trong các hoạt động bảo đảm phục vụ công tác bầu cử; đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận xã hội để tuyên truyền về bầu cử; kiến nghị, phản ánh tới các cấp ủy, chính quyền xử lý các vụ việc phát sinh để kịp thời giải quyết trước ngày bầu cử.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn các địa phương tổ chức các hội nghị trên tinh thần vừa bảo đảm vừa an toàn phòng, chống dịch, song vẫn bảo đảm tiến độ về thời gian theo quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thay mặt Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn và kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước tích cực tham gia các Hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc trao đổi, mạn đàm do MTTQ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức; đặc biệt là hăng hái đi bầu cử vào ngày 23/5/2021 để thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của công dân, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.

Theo đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp đang tiếp tục tổ chức và vận động Nhân dân tích cực tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ phụ trách chức bầu cử để tổ chức chu đáo Ngày Bầu cử. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhất là các gia đình có người đi làm ăn xa để nắm sự thay đổi, bổ sung danh sách cử tri, phát thẻ cử tri…

Cùng với đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp tiếp tục theo dõi, giám sát thường xuyên công tác bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng quy định, an toàn, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch và vận động từng người dân trực tiếp đi bầu cử; chỉ đạo tổng hợp tình hình ngày bầu cử, phân công cán bộ trực ngày bầu cử để kịp thời nắm bắt tình hình các địa phương, thực hiện việc báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về tình hình địa phương thông qua kênh báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực