Đó là ghi nhận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. "Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong thời điểm người lao động cả nước phải chống chọi với đại dịch COVID-19", Tổng Bí thư nói.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội |
Nghị quyết số 02-NQ/TW tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn
Theo Tổng Bí thư, nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động diễn ra trong bối cảnh có nhiều điểm đặc biệt. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn Việt Nam có nhiều thuận lợi; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xẩy ra ở nhiều nơi; sự suy giảm kinh tế, thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn. Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng, số người lao động phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Đặc biệt, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Quán triệt các Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.
Nói về một số hoạt động mới, nổi bật của nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các quy định nhằm quản trị, điều hành hệ thống tốt hơn qua đó, nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đặc biệt, 5 năm qua đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%.
Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở; có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự Đại hội. |
Đáng chú ý, trong 5 năm qua, cả nước kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên công đoàn; thành lập 24.320 công đoàn cơ sở. Tỷ lệ công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 96,10% đến 98,64%. Tỷ lệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 94,80% đến 99,68%.
Trong nhiệm kỳ, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28 nghìn tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng; Chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng cùng hàng vạn ngôi “nhà tình nghĩa”, “nhà đại đoàn kết”…
05 gói hỗ trợ và trên 1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó
Không thể không nhắc tới khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, ảnh hưởng lớn đến việc làm, sức khỏe, đời sống của đoàn viên, người lao động, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản, hướng dẫn các cấp Công đoàn triển khai các biện pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
"Cùng với công tác tuyên truyền phòng, chống COVID-19, các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai 05 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm Công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6 nghìn tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp. Trong thời gian dịch bệnh, hàng vạn cán bộ công đoàn không quản ngại khó khăn, lăn xả vào tâm dịch, chia sẻ, hỗ trợ và chăm lo cho đoàn viên, người lao động và đảm bảo an toàn của doanh nghiệp. Hàng chục mô hình Công đoàn tham gia phòng, chống COVID-19 được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động đánh giá cao", Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ.
|
Cán bộ công đoàn tuyên truyền phòng chống COVID - 19 cho người lao động |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Theo đó, Công đoàn Việt Nam đã cụ thể hóa bằng chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” với nhiều đổi mới về cách thức, biện pháp thực hiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động trực tiếp tham gia, đã thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn, đóng góp tích cực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật, đạt mục tiêu 1 triệu sáng kiến vượt tiến độ trước 332 ngày. Đến thời điểm kết thúc chương trình (ngày 31/8/2023), hơn 2,4 triệu sáng kiến đã gửi tham gia chương trình, tổng giá trị làm lợi ước tính đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng. 59/82 đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó có 14 đơn vị đạt trên 200% chỉ tiêu. Nội dung các sáng kiến tham gia chương trình đa dạng trên các lĩnh vực nhưng đều có điểm chung là đã được công nhận, đánh giá hiệu quả, áp dụng trong thực tiễn, tập trung vào việc tạo ra sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cũng như trong giai đoạn bình thường mới.
Tại lễ tôn vinh điển hình “Sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, qua một năm triển khai, chương trình đã thành công cả ở ba phương diện: Phát động, tổ chức thực hiện, kết quả mang lại cao và hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cả nước.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các điển hình có “Sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch” được tôn vinh |
Diễn đàn Người lao động năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức
Đặc biệt, Diễn đàn Người lao động năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, sự tham dự của 500 đại biểu cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động cả nước, cùng với đó là các cuộc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, lao động đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan tâm, bức xúc của công nhân, lao động; là kênh quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Đánh giá cao sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc phối hợp, tổ chức diễn đàn dành riêng cho người lao động, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Diễn đàn Người lao động năm 2023 là diễn đàn đặc biệt, khi lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mọi quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động là chủ thể rất quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đồng hành, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần cách mạng, những nỗ lực, quyết tâm vượt khó, cống hiến, đóng góp to lớn, bền bỉ của giai cấp công nhân, người lao động đối với sự phát triển của đất nước, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ luật cao trong lao động.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 |
Thành công của Diễn đàn tiếp tục khẳng định tinh thần luôn đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội vì lợi ích của Nhân dân, của giai cấp công nhân; đồng thời khẳng định vai trò chủ động, tích cực của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…/.