Khi quyền lực bị tha hóa

Thứ hai, 25/09/2017 08:02
(ĐCSVN) – Hầu hết mọi sự tha hóa đều để lại hậu quả, nhưng trong đó tha hóa quyền lực, nhất là quyền lực công sẽ để lại hậu quả nặng nề nhất. Một khi quyền lực công đã bị chiếm đoạt và lợi dụng vào mục đích riêng, tư lợi thì con đường dẫn đến tha hóa và quá trình tụt dốc của đạo đức công vụ sẽ ngắn và nhanh nhất.

Thuở sơ khai của loài người, trong xã hội nguyên thủy, quyền lợi và quyền lực của các thành viên trong xã hội đều như nhau. Dần dần xã hội loài người tiến hóa, bắt đầu có sự tích lũy về tài sản, đến khi xã hội phân chia thành giai cấp, thì cũng bắt đầu xuất hiện quyền lực. Quyền lực xuất hiện kéo theo sự xuất hiện của nhà nước và những người nắm giữ quyền lực nhằm bảo vệ và duy trì quyền lực.

Để chống lại sự tập trung quyền lực quá lớn vào một người hoặc một nhóm người, dần dần trong xã hội có nhu cầu tự phát sinh ra những cơ chế để kiểm soát và cân bằng quyền lực. Cơ chế này vận hành tốt thì quyền lực được phát huy và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích, xã hội phát triển. Ngược lại, cơ chế này lỏng lẻo, thì quyền lực sẽ bị lạm dụng. Một khi quyền lực, nhất là quyền lực công bị lạm dụng sẽ dẫn đến suy đồi và tha hóa đạo đức công vụ gây hậu quả rất xấu cho xã hội.

Khi quyền lực bị lạm dụng và tha hóa. Ảnh minh họa: Báo Thanh niên

Quyền lực cũng là thứ rất cám dỗ và khó từ bỏ. Dư luận xã hội hẳn vẫn chưa quên mới đây ở thành phố Hà Nội, một vị nữ Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bị cho là khi đi ăn trưa đã ngồi trên xe ô tô đỗ không đúng nơi quy định, chắn trước cửa một quán cà phê. Khi chủ quán ra phản ứng, thì vị Phó Chủ tịch quận đã “gọi” cán bộ cấp dưới để “trông xe” và gây áp lực với chủ quán.

Hay cũng ở Hà Nội, một vụ việc khác mới xảy ra ở phường Văn Miếu, vị nữ Phó Chủ tịch UBND phường đã quát người dân và bị cho là tham gia “gây khó dễ” với người dân khi họ đến làm thủ tục khai tử cho người thân.

Hai ví dụ trên phần nào chứng minh nếu cán bộ không giữ được bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức thì rất dễ bị quyền lực cám dỗ và lạm dụng quyền lực. Quyền lực công vụ bị lợi dụng, biểu hiện là sự nhũng nhiễu, hạch sách, quát tháo, cửa quyền, tham ô, tham những vặt. Còn cấp độ cao hơn, khi quyền lực công vụ gắn với quyền lực kinh tế cùng bị lợi dụng và tha hóa thì hậu quả còn nặng nề hơn rất nhiều…

Những người vừa có quyền lực công vụ, chức vụ; vừa có quyền hạn, quyền lực kinh tế mà tha hóa, biến chất thì sẽ dẫn đến hình thành các “lợi ích nhóm”, từ đó tham ô, tham nhũng, xà xẻo công quỹ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Nhiều vụ án bị phát hiện đưa ra truy tố trước pháp luật đã chứng minh điều này. Điển hình là các vụ án:

Cựu Chủ tịch tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng; cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinalines Dương Trí Dũng tham nhũng hơn 360 tỷ đồng;

Huỳnh Thị Huyền Như, cựu Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam, Vietinbank chi nhánh TP. HCM lợi dụng vị trí công tác, dùng mánh khóe lừa đảo, chiếm dụng 4.000 tỷ đồng của khách hàng;

Giang Kim Đạt, cựu quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin chiếm đoạt gần 19 triệu USD và chuyển rất nhiều tiền tham ô, tham nhũng ra nước ngoài.

Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lợi dụng chức vụ và quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.200 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean bank Hà Văn Thắm cũng đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây thất thoát 2.000 tỷ đồng...

Nhiều vụ đại án xảy ra như vậy, nhiều cá nhân đã bị pháp luật trừng trị, nhưng  sự cám dỗ của quyền lực vẫn rất khó từ bỏ. Mới đây ở thành phố Hồ Chí Minh, một vị tướng quân đội đã về hưu, trong lúc tham gia giao thông, lái xe của ông này đã điều khiển xe vi phạm an toàn giao thông. Khi bị Cảnh sát giao thông xử lý thì vị tướng này đã quát tháo và đe dọa anh Cảnh sát giao thông với một tâm thế y như vị tướng này vẫn còn đương chức(?!). Hay trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bóng đèn Điện Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, khi bị phát hiện sai phạm, bị cách chức Thứ trưởng, vẫn còn dây dưa cố tình “xin thôi việc” nhằm “hạ cánh an toàn”…

Mới đây nhất, Ban Bí thư vừa họp kỷ luật đối với một số cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 – 2016, vì ông này đã lợi dụng chức và quyền hạn vi phạm nguyên tắc sử dụng cán bộ và gây thất thoát tài sản của Nhà nước…

Nhưng điều nguy hại hơn là khi quyền lực trao vào tay người trẻ, thiếu bản lĩnh, không được đào tạo, dạy dỗ đúng cách, hoặc không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện thì quyền lực càng sớm bị lạm dụng và tha hóa.

Những ngày đầu năm học mới vừa qua, trên báo Thanh Niên đã có bài viết “‘Ngại’ đội sao đỏ trong trường học”, phản ánh tình trạng một số em trong “đội sao đỏ” khi được trao quyền kiểm tra, giám sát các bạn khác tuân thủ những nội quy, quy định của trường, thì chính bản thân mình lại lạm dụng vị trí, quyền lực để không trung thực hoặc chèn ép các bạn khác. Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia đã nhận xét và cảnh báo: “Những cách hành xử không hay của đội sao đỏ sẽ tác hại lên tâm lý và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Trẻ sẽ học tính xấu của việc sử dụng quyền lực vượt quá mức” – (Báo Thanh Niên, ngày 7/9/2017).

Câu chuyện rất thời sự đang xảy tại thành phố Đà Nẵng, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật. Phải chăng cũng nằm trong chuỗi suy tư, liên tưởng này. Chẳng thế mà, khi sự việc ở đây xảy ra, một số người đã liên tưởng cho  rằng, đây là những bài học cảnh tỉnh rất quý cho những cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi. Vì, đối với những người lãnh đạo trẻ được trao quyền sớm và tập trung quyền lực ở mức cao, mà chưa đủ quá trình lích lũy kinh nghiệm cần thiết, chưa hội đủ uy tín để trở thành thủ lĩnh… sẽ có nguy cơ dẫn đến sử dụng quyền lực không đúng cách, lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực và tha hóa đạo đức công vụ.

Sử dụng, trọng dụng người có tài, nhất là những người trẻ tuổi luôn là một việc làm đầy tính nhân văn của xã hội. Đó cũng là quy luật của sự phát triển xã hội. Điều đó tạo ra những nhân tố mới thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, tuyệt đối không vì thế mà bất chấp tất cả, bỏ qua tất cả những điều kiện cần và đủ trong quá trình sàng lọc, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện… bởi nếu không “dục tốc sẽ bất đạt”./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực