Khơi dậy sức mạnh đưa Thủ đô phát triển lên tầm cao mới

Thứ ba, 01/02/2022 08:47
(ĐCSVN) - Mặc dù còn nhiều khó khăn đang chờ đón Thành phố Hà Nội phía trước nhưng với những gì đã đạt được trong năm 2021 cùng sự đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo của quân dân Thủ đô sẽ khơi dậy sức mạnh, đưa Thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Đó là khẳng định của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022.

Lấy sức mạnh tổng hợp làm nền tảng cho sự phát triển

PV: Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã vượt khó, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đảm bảo an sinh xã hội. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn những kết quả nổi bật của Thủ đô trong năm vừa qua?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Có thể nói, năm 2021 là một năm nhiều biến động với những khó khăn, thách thức an ninh phi truyền thống từ dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, cùng với cả nước, nhờ sự đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt khó và nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô vẫn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng với kết quả khả quan.

Thành phố luôn chủ động, kịp thời trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng, đúng với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Hà Nội cũng nhanh chóng nhạy bén chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ "Zero COVID" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; chủ động theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chính nhờ những giải pháp trúng, đúng, kịp thời, nên Thành phố đã cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân. Từ khi mở lại các hoạt động đến nay, mặc dù số ca F0 tăng cao, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Cùng với việc chú trọng kiểm soát dịch bệnh, coi bảo vệ sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, Thành phố cũng xác định duy trì tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nên đã tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư.

Nhờ vậy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của Thành phố vẫn tăng 2,92% so với năm trước, cao hơn bình quân chung cả nước (2,58%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố vượt 12,3% so với dự toán Trung ương giao, vượt 5,3% dự toán HĐND Thành phố giao, bảo đảm nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi phòng, chống dịch COVID-19, chi an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi khác của Thành phố. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân cả năm 2021 tăng 1,77% (năm 2020 là 2,67%)...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại quận Đống Đa.

Cùng với đó, thành phố vẫn hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng như: Phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác bảo đảm an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện...

Đáng chú ý, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thành phố đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính hết năm 2021, tổng kinh phí đã hỗ trợ là hơn 6.684 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách là hơn 6.270 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động xã hội hóa.

Trên trường quốc tế, vai trò, vị thế của Thành phố Hà Nội ngày càng được khẳng định, có quan hệ ngoại giao với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước trên thế giới; xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu mối giao thương lớn của khu vực và thế giới…

PV: Năm 2021 - năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần XVII của Đảng bộ Thành phố, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Xin đồng chí cho biết thời gian tới, Thành phố sẽ có giải pháp như thế nào để tháo gỡ những điều còn chưa được và thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra trong năm 2022?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Trong năm 2021, như chúng ta đã biết, kinh tế Thủ đô mặc dù có tăng trưởng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chỉ đạo phát triển kinh tế còn chưa quyết liệt, nhất là trong cụ thể hóa các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Công tác giải quyết những vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Công tác phòng, chống dịch bệnh có nơi, có lúc còn chủ quan...

Thực tế này cho thấy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự cố gắng cao hơn nữa. Trong khi đó, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Đại dịch COVID-19 chắc chắn vẫn là khó khăn, cản trở lớn…

Bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khó lường. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành, quân, dân Thủ đô là phải đoàn kết, sáng tạo, đồng sức, đồng lòng, tập trung trí tuệ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đổi mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Muốn thế, thành phố sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Với chủ đề công tác tiếp nối của năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, trong năm 2022, Thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá cán bộ.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp bảo đảm cân đối lớn, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

Hà Nội sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. Tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao.

Trong khó khăn, các đồng chí lãnh đạo Hà Nội có rất nhiều các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. 

Ngoài ra, xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, Thành ủy đã ban hành các nghị quyết, thành lập các ban chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp đưa Thủ đô phát triển.

Phải khẳng định, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ khi huy động được sự vào cuộc sâu rộng từ các cấp, chính quyền lãnh đạo đến toàn quân, toàn dân, Thủ đô mới có được sức mạnh tổng hợp làm sức bật để phát triển bền vững.

Thấm nhuần bài học xây dựng Đảng trong phát triển Thủ đô

PV: Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ Thành phố Hà Nội quan tâm và được xác định là nhiệm vụ then chốt, có vai trò và ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Đồng chí có thể nói rõ hơn về kết quả của nội dung này, nhất là trong năm 2021?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Đảng bộ Thành phố Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở và hơn 45 vạn đảng viên. Để đạt được những kết quả như nêu trên, bên cạnh bài học quan trọng về thống nhất tư tưởng để hành động, Ðảng bộ Thành phố Hà Nội luôn thấm nhuần bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được chỉ ra trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể, ngay sau thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy đã sớm ban hành và triển khai 10 Chương trình công tác toàn khóa, trong đó Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025” có ý nghĩa hết sức quan trọng, xác định một trong những mục tiêu hàng đầu là xây dựng các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thành phố gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín.

Đáng chú ý, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp của Thành phố nhiệm kỳ 2021- 2026, bầu đủ số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định; bước đầu triển khai có hiệu quả “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội; Bộ máy chính quyền các cấp Thành phố được kiện toàn đảm bảo thông suốt, hiệu quả đúng quy định của pháp luật.

Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành đồng bộ 1 Nghị quyết, 4 Quy định, 1 Kế hoạch rất quan trọng của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ để tổ chức thực hiện thống nhất ngay từ đầu nhiệm kỳ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ trong thời gian qua và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của Thành phố đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Trong đó, nổi bật là: Nghị quyết số 04 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; Quy định 04 về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 1841 về đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Quy định 07 về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; Kế hoạch số 05 ngày 28/12/2021 về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý giai đoạn 2022-2025...

Đã kiện toàn, sắp xếp lại một số mô hình tổ chức đảng và tổ chức bộ máy các Sở, ban, ngành, các Ban quản lý dự án chuyên ngành, các đơn vị sự nghiệp của Thành phố nhằm tinh giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương; tổ chức triển khai kịp thời thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội.

Trong năm, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quan trọng của Thành phố, nổi bật là Hội thảo khoa học cấp Thành phố dưới sự đồng chủ trì của đồng chí Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và người đứng đầu Đảng bộ Thành phố với chủ đề: Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong thực tiễn Thủ đô”…

PV: Trên cơ sở đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 vừa qua, Hà Nội đã rút ra bài học kinh nghiệm gì thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Từ thực tiễn công việc trong năm qua, Hà Nội đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm cho thời tới tới. Một là, luôn quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm túc, đồng thời vận dụng sáng tạo, linh hoạt, nhanh nhạy, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương vào tình hình thực tiễn của Thủ đô; đồng thời tranh thủ sự phối hợp, hợp tác, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Hai là, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng trong toàn đảng bộ, các cấp, các ngành; Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ xây dựng ga S8, tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. 

Ba là, chấp hành và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành.

Bốn là, luôn đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, phương pháp làm việc, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và chịu trách nhiệm vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân; luôn kiên trì, kiên định với các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố đã đề ra.

Năm là, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để kịp thời khen thưởng, nhân rộng gương điển hình gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm.

Để văn hóa thực sự soi đường

PV: Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển Thủ đô xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận văn hóa như ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Với vị trí, vai trò đặc biệt, Thành phố Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng to lớn. Kể từ khi đức Vua Lý Thái Tổ đặt nền móng định đô ở Thăng Long đến nay, trải qua hơn 1010 năm, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc.

Hà Nội cũng khéo léo tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại để làm giàu có thêm sức sống văn hóa của mình. Thành phố ngàn năm không chỉ xứng đáng là trái tim của cả nước mà còn được bạn bè thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... “Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị” từ lâu đã trở thành những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nội.

Năm 2008, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Cuộc kiến tạo đặc biệt này vừa định hình một tầm vóc mới cho Thủ đô, vừa làm dày thêm nền văn hóa Hà Nội, đặc biệt là sự bổ sung của văn hóa xứ Đoài.

Mặt khác, hiện nay, Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.

Tất cả đã cho thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất.

Là kinh đô, nhờ sức mạnh của trung tâm văn hóa đất nước, Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng của ý chí tự lực tự cường dân tộc với những dấu son trong nghìn năm lịch sử. Từ “hào khí Đông A” đến tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã thấm sâu trong huyết quản con người Hà Nội.

Nhờ sức mạnh văn hóa biểu hiện từ lòng yêu nước, tình đoàn kết, tính nhân văn, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, trong 2 năm 2020-2021, Hà Nội vẫn là điểm sáng, vừa gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị.

Bí thư Đinh Tiến Dũng: Khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. 

PV: Để tiếp tục xứng đáng là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc, thời gian tới, Hà Nội tập trung vào những nội dung nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam...”.

Theo tính toán, năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào GRDP của Thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7%. Đây là con số còn nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của văn hóa Hà Nội cũng như mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước như Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ đã đề ra.

Vì vậy, khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Để làm được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở, trước tiên là cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Thành phố.

Đó là chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững.

Phát triển văn hóa phải đặt trong tổng thể phát triển chung, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Trước mắt, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, cùng chung sức với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra, nhất là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7 đến 7,5%.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển, vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, bảo đảm “đúng vai, thuộc bài” đối với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Muốn làm tốt, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố cần chỉ đạo hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; bảo đảm bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước…

Muốn thế, từng quận, huyện, thị xã, từng phường, xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị của Thành phố cũng phải có kế hoạch phát triển văn hóa cụ thể; tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào một số điểm nhấn về di sản, tạo sức bật mới về văn hóa du lịch và thu nhập của người dân.

Toàn thành phố tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Mấu chốt là thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII).

Các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 quy tắc ứng xử của Thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; nhân rộng các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, lễ hội...

Cùng với đó phải kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; lấy gia đình và cộng đồng dân cư là điểm tựa chủ yếu để thực hiện; kết hợp hiệu quả giữa các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục và sức mạnh của hệ thống luật pháp, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ sửa đổi Luật Thủ đô.

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, các cấp, các ngành phải quán triệt nhận thức phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và lấy văn hóa, con người làm nền tảng, là nguồn lực, là động lực để phát triển bền vững Thủ đô. Mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5%; đến năm 2030 đóng góp 8% và đến năm 2045 đóng góp 10% vào GRDP thành phố.

Có thể nói, để phát huy sức mạnh văn hóa, Hà Nội phải tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.

Trước mắt, cần triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng trong nước và ngoài nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố tặng quà cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Toto Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

PV: Tết Nguyên đán của dân tộc đã đến. Đồng chí có điều gì nhắn gửi tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô để cùng hướng tới năm 2022 với nhiều những điều tốt đẹp?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Một mùa xuân mới đang về. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội tự hào về những thành quả đạt được sau một năm đầy khó khăn, thử thách và tự tin hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm Nhân Dần 2022 với quyết tâm khơi dậy sức mạnh đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới.

Đây là mục tiêu không dễ, nhưng bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, còn có sự đồng hành, chia sẻ bằng tình yêu và trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân Hà Nội thì tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Nhân dịp này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô đã chung tay góp sức làm nên kết quả nêu trên.

Tôi tin tưởng, với truyền thống đoàn kết cùng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm ứng phó trước khó khăn, thử thách trong năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phấn đấu, giành được những kết quả cao trên các lĩnh vực, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, là trái tim của cả nước.

Tôi mong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô luôn luôn nêu cao ý thức tự giác và thực hiện thật tốt các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19.

Nhân dịp này, xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, chuyên gia, tình nguyện viên, bạn bè nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Xin gửi tới toàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Thủ đô lời chúc mừng năm mới sức khỏe, hạnh phúc, năm mới thắng lợi mới!

 PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí. Kính chúc đồng chí và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Công Dũng, Thu Hà (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực