Ấn tượng với những con số
Theo giảng viên Lê Đình Hải, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, những con số công bố tại Hội nghị là rất đáng phải suy ngẫm. Đó là chỉ sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170 nghìn tỉ đồng, hơn 12 nghìn ha đất; chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật…Đáng chú ý, việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao như vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỉ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỉ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỉ đồng…
Những con số này đã minh chứng cho phát biểu kết luận Hội nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: “đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước” và cũng chính từ kết quả chống tham nhũng thời gian qua, Đảng đã củng cố niềm tin trong nhân dân, ông Lê Đình Hải nói.
“Tuy vậy, tôi rất băn khoăn nếu như những con số gần 170 nghìn tỉ đồng, hơn 12 nghìn ha đất không được phát hiện, kiến nghị thu hồi, nó sẽ “chảy” vào túi ai? Đây là số tiền cực kỳ lớn nếu so sánh với những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và biết bao những em nhỏ vùng cao còn thiếu ăn, thiếu mặc, điều kiện đến trường còn rất khó khăn”, ông Hải bày tỏ.
Cần làm nghiêm, trước hết là người đứng đầu
Theo bà Nguyễn Ngọc Đầy, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức, cán bộ đã nghỉ hưu, trong và ngoài lực lượng vũ trang… ; nhiều địa phương cũng đã xử lý cán bộ, đảng viên trong đó có cả các đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp uỷ sai phạm liên quan đến tham nhũng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, qua đó khẳng định tính nghiêm minh trong công tác kiểm tra của Đảng.
Cũng theo bà Đầy, phải coi kết quả phòng chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đơn vị nào, đồng chí nào có dư luận không tốt, uy tín giảm sút cần vào cuộc ngay để xác minh, điều chuyển. Người đứng đầu để đơn vị mình, cán bộ mình quản lý có các hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng phải chịu kỷ luật, khẳng định không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”.
Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ
Theo dõi các tham luận tại Hội nghị, bà Trần Thị Thu Hà, Trường chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng tình với ý kiến của các đại biểu khi cần thiết loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, tham nhũng, tiêu cực.
Với 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới, bà Hà tâm đắc với nội dung cấp uỷ, tổ chức đảng, bộ, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Việc bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương sẽ khắc phục được tình trạng “cả họ làm quan”, lợi ích nhóm, tham nhũng quyền lực. Thực hiện tốt chủ trương này cũng sẽ góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, bà Hà phân tích.
Vai trò của nhân dân là cực kỳ quan trọng
Theo ông Trần Lưu Huỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, dân ta có câu “phòng hơn chống”, với công tác phòng chống tham nhũng cũng như vậy. “Nhân dân mong muốn công tác phòng ngừa tham nhũng cũng đạt kết quả ấn tượng như chống tham nhũng thời gian qua. Để phòng được thì trước hết phải xây dựng một cơ chế chặt chẽ để "không thể tham nhũng", trong đó xây dựng thiết chế để các cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhau, huy động sự tham gia giám sát của nhân dân.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm Bí thư, Tổ trưởng khu dân cư số 9, phường Thanh Nhàn, ông Huỳnh cho rằng, vai trò của nhân dân là cực kỳ quan trọng, muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch để dân được biết, được tham gia và phải dựa vào nhân dân.
“Khi cán bộ, công chức được bổ nhiệm lần đầu phải kê khai tài sản và công khai tại đơn vị của mình và khu dân cư. Nhiều biểu hiện, hành vi, nguy cơ tham nhũng của cán bộ có thể cơ quan, tổ chức không nắm được nhưng người dân khu dân phố nắm được rất rõ. Tại sao những biệt phủ, lâu đài, xe sang của cán bộ nọ, cán bộ kia không xa lạ gì với người dân thì chỉ đến khi báo chí vào cuộc mới tới được các cơ quan chức năng? Vì thế rất cần thiết phải có cơ chế cung cấp thông tin cùng các hình thức kỷ luật, xử phạt nghiêm khắc để cán bộ “không thể, không dám” tham nhũng./.