|
Hình ảnh tại Hội nghị. |
Hội nghị do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức trực tuyến tại 68 điểm cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương trên toàn quốc và hơn 3.000 cán bộ dự Hội nghị.
Xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm
Tại Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT Trung ương trình bày Báo cáo sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong 9 tháng qua đã hoàn thành tốt việc tham mưu và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng với khối lượng rất lớn, chất lượng, hiệu quả được nâng lên rõ rệt; nhiều việc mới, việc khó, việc phức tạp, nhạy cảm được tiếp tục kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã nỗ lực, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra với những giải pháp linh hoạt, phù hợp tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Ủy ban Kiểm tra các địa phương, đơn vị đã kiểm tra 1.168 tổ chức đảng và 4.403 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 18 tổ chức đảng và 7 đảng viên (tăng 1,5 lần so với 9 tháng đầu nhiệm kỳ XII). Nội dung tập trung vào những vi phạm về phẩm chất chính, đạo đức lối sống, vi phạm nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thực hiện dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế và trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu và trong hoạt động tư pháp.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Hà Tĩnh. |
Công tác giám sát tiếp tục được coi trọng. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã giám sát khoảng 31.000 tổ chức đảng và gần 80 nghìn đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát 15 tổ chức đảng và 26 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý. Nội dung giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách trong một số lĩnh vực như: Tài chính, đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị y tế, quy hoạch và phát triển năng lượng, việc quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới… Đây là những lĩnh vực mới và khó, phải tập trung nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các tổ chức Đảng, đảng viên được giám sát rất đồng tình ủng hộ, nỗ lực khắc phục các vi phạm, khuyết điểm; qua giám sát cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập.
Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 126 tổ chức đảng và 9.314 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 04 tổ chức và 25 đảng viên bằng các hình thức: Cách chức 13; Khai trừ 12 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 3.075 đảng viên (trong đó có 537 cấp ủy viên). Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 49 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện tổ chức, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành các nguyên tắc hoạt động của Đảng và trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả kiểm tra xử lý được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm, ổn định tình hình của địa phương, đơn vị. Công tác phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan liên quan, được thực hiện ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.
Nhiều điểm mới công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng
Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Tiến Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương quán triệt và triển khai thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.
Theo đó Quy định 22 kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định 30 nhưng đã bổ sung một số nguyên tắc, nội dung quan trọng để cụ thể hóa các quy định của Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương căn cứ vào những vấn đề nảy sinh trong nhiệm kỳ vừa qua, những vấn đề có tính bản chất, phổ biến hoặc còn thiếu, nhằm phát huy đầy đủ, đúng đắn hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng. Các điểm mới trong Quy định thể hiện: Ban Chấp hành Trung ương xác định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong tình hình mới.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Hải Dương. |
Quy định 22 có một điều về Phạm vi điều chỉnh, trong đó bổ sung đối tượng áp dụng so với Quy định 30 là “bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sát nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu” (Quy định tại Khoản 2, Điều 1).
Quy định 22 đã bổ sung một nguyên tắc rất quan trọng, đó là: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe, giáo dục” (Quy định tại Khoản 3, Điều 2). Nội dung này cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời thể hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhằm phát huy ưu điểm, phải lấy xây là chính.
Quy định 22 bổ sung quy định đối tượng kiểm tra, giám sát “không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát” (Quy định tại Khoản 6, Điều 3).
Về thi hành kỷ luật trong Đảng, Quy định 22 bổ sung quy định rõ hơn về xử lý đảng viên dự bị và liên quan đến việc công nhận chính thức, cụ thể: “Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức” (Quy định tại Khoản 10, Điều 9).
Quy định 22 cũng quy định thêm trách nhiệm của cá nhân có liên quan khi kỷ luật tổ chức đảng: “Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng” (Quy định tại Khoản 11, Điều 9).
Về thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, bổ sung hai tổ chức là ban thường vụ đảng ủy và ủy ban kiểm tra đảng uỷ cơ sở. Cụ thể đối với đảng viên: “Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý” (Quy định tại Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 11); “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, chi bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp)” (Quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 11).
Đối với tổ chức đảng: “Ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới theo quy định” (Quy định tại Khoản 1, Điều 12); “Ủy ban kiểm tra các cấp quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới” (Quy định tại Khoản 2, Điều 12)….
Tăng cường kiểm tra, xử lý các biểu hiện suy thoái
|
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu kết luận tại Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời đề nghị toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần đặt nhiệm vụ giám sát là trọng tâm nhằm phát hiện sai phạm để tổ chức, cá nhân khắc phục kịp thời, hạn chế đơn thư và củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng, đảng viên. “Khi các tổ chức, cá nhân khắc phục không kịp thời thì tổ chức kiểm tra dấu hiệu vi phạm nghiêm túc, với quan điểm kiểm tra đến đâu, kết luận đến đó và kết luận đến đâu thì xử lý đến đó”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nêu rõ: Trung ương đã thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, đã ban hành kết luận về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”; ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Sắp tới Ban Bí thư có hướng dẫn thực hiện Quy định số 22, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có hướng dẫn thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm. Đồng chí Trần Cẩm Tú đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tập trung nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Cẩm Tú yêu cầu toàn ngành tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đảm bảo khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi. Trước mắt, tập trung xây dựng, trình Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung Quy định về xử lý kỷ luật, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; Hướng dẫn của Ban Bí thư thực hiện Quy định số 22; tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng cần gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; tăng cường kiểm tra, xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bởi đây là "gốc" của mọi vi phạm trong tổ chức Đảng, đảng viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, thời gian tới tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy tổ chức, triển khai hoàn thành chương trình kiểm tra, chương trình công tác năm 2021; tham mưu kế hoạch kiểm tra giám sát năm 2022 với trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII; thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 01 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đồng chí đề nghị cấp ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp xử lý kịp thời các tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án ở địa phương, đơn vị; quan tâm công tác xây dựng Ngành, kiện toàn tổ chức bộ máy Ủy ban Kiểm tra theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Trần Cẩm Tú đề nghị cấp ủy các địa phương, đơn vị quan tâm hơn nữa xây dựng Ủy ban Kiểm tra và Cơ quan Ủy ban Kiểm tra các cấp, bố trí đủ biên chế cán bộ, nhất là đối với các địa phương thiếu người.../.