Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về môi trường

Thứ năm, 24/12/2015 11:41
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển “nhanh” và “nóng” của nền kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) đang trở nên ngày càng bức xúc. ÔNMT đang tác động trực tiếp đến việc hưởng thụ các quyền con người, trước hết là quyền được sống trong môi trường trong lành.

 


Thanh, kiểm tra môi trường là công việc thường xuyên.

(Ảnh minh họa: Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Quyền được sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận từ lâu trong nhiều văn kiện, công ước, điều ước quốc tế. Ở Việt Nam, quyền môi trường lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Bài viết này giới thiệu một số quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về quyền môi trường, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền môi trường ở Việt Nam.

1. Khái niệm về môi trường, quyền môi trường

Trong tiếng Anh, “environment”  có nghĩa là môi trường, từ này có nguồn gốc từ một từ tiếng Pháp “environner”, có nghĩa là bao quanh một điểm nào đấy, hay tất cả những gì bao quanh một điểm trung tâm. Theo cách hiểu như vậy, môi trường có thể được hiểu là toàn bộ điều kiện tự nhiên, xã hội và văn hóa bao quanh có ảnh hưởng đến cuộc sống của một cá nhân hay cộng đồng. Vấn đề môi trường cũng có thể được coi là bao gồm các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tội phạm, tiếng ồn v.v.. Xét về mặt địa lý, môi trường có thể hiểu là một khu vực nào đó hoặc là toàn bộ hành tinh của chúng ta.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014, “môi trường” là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật[1]. “Môi trường” cũng có thể được hiểu là toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển trong quan hệ với con người, sinh vật ấy[2]. Như vậy, chúng ta có thể hiểu các thành tố của môi trường bao gồm:

- Nguồn tài nguyên thiên nhiên, gồm cả sinh vật và phi sinh vật như không khí, nước, đất, động vật, thực vật và sự tương tác giữa các yếu tố đó;

- Những tài sản mà là một phần của di sản văn hóa;

- Các đặc điểm khía cạnh của cảnh quan.

Các nhà sinh thái học đã chỉ ra rằng, toàn bộ môi trường sống của chúng ta (không khí, nước, đất đai) và tất cả các loài sinh vật có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Khi có bất kỳ một thành tố nào của môi trường bị tổn hại sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến các thành tố khác và kéo theo là ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của con người, và chúng ta không bao giờ có thể lường trước được hậu quả.

Quyền môi trường là quyền được sống trong môi trường trong lành hay khi nói quyền về môi trường là muốn đề cập đến quyền của mọi người trong thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong môi trường trong lành, có lợi cho sức khỏe[3].

2. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền môi trường

   2.1 Quy định của pháp luật quốc tế về quyền môi trường

Quyền được sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận từ lâu trong nhiều văn kiện, công ước, điều ước quốc tế: Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948; Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966; Tuyên bố Stockhome về các vấn đề về Môi trường năm1972; Tuyên ngôn về Môi trường và phát triển năm 1992; Tuyên bố Johame về Phát triển bền vững năm 2002.

- Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948 đã đề cập một loạt các quyền và tự do cơ bản của con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa; thừa nhận các quyền cơ bản của con người, từ quyền sống đến chuẩn mực sống thích đáng cho sức khoẻ và sự thịnh vượng, trong đó có quyền về thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khoẻ v.v..

- Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966[4], quy định và bảo đảm một loạt các quyền con người trên lĩnh vực dân sự, chính trị, bảo vệ quyền sống, tự do, bình đẳng, nhân phẩm, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó bảo vệ quyền về sức khoẻ, vệ sinh, thực phẩm và tiếp cận nước sạch; quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt đảm bảo một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ (Điều 7b). Quyền sức khỏe được quy định tại Điều 12 Công ước: mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức độ cao nhất có thể được; các quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp cần thiết để cải thiện mọi mặt về vệ sinh môi trường và vệ sinh công nghiệp.

- Công ước quốc tế về Quyền trẻ em năm 1989 quy định về quyền của trẻ em được hưởng tiêu chuẩn về sức khỏe ở mức cao nhất có thể được và được tiếp cận các cơ sở chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Các quốc gia phải thực hiện những biện pháp thích hợp để chống bệnh tật và suy dinh dưỡng, kể cả trong khuôn khổ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẳng hạn qua việc áp dụng các công nghệ sẵn có và qua việc cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và nước uống sạch, có tính đến nguy cơ ÔNMT (Điều 24.2c).

- Hội nghị của Liên hiệp quốc về Con người và Môi trường được tổ chức tại Stockhom, Thụy Điển được đánh giá là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại, nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Tuyên bố Stockholm năm 1972 có thể nói là văn kiện về môi trường đầu tiên thừa nhận môi trường là quyền con người. Trong Nguyên tắc 2 thừa nhận các quốc gia có chủ quyền khai thác những tài nguyên của mình theo những chính sách về môi trường và phát triển của mình và có trách nhiệm bảo đảm rằng, những hoạt động trong phạm vi quyền hạn và kiểm soát của mình không gây tác hại gì đến môi trường của các quốc gia khác hoặc của những khu vực ngoài phạm vi quyền hạn quốc gia.

- Hội nghị về Nước của Liên hiệp quốc được tổ chức tại Mar Del Plata năm 1977 đã thông qua Kế hoạch hành động Mar del Plata, trong đó thừa nhận nước là một quyền con người, tuyên bố rằng tất cả mọi người có quyền tiếp cận bình đẳng nước uống đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Hội nghị này cũng đã phát động Thập kỷ quốc tế về vệ sinh và cung cấp nước uống (1980 - 1990) cùng với khẩu hiệu “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”. Tuyên bố Dublin năm 1992 của Hội nghị về Nước vì sự phát triển bền vững cũng đã tái khẳng định quyền con người đối với nước. Quyền cơ bản của tất cả mọi người là được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, với giá hợp lý.

- Công ước về các Dân tộc và bộ lạc bản địa ở các quốc gia độc lập năm 1989[5] cũng có những quy định các Chính phủ phải tiến hành các biện pháp, với sự hợp tác của các dân tộc, để bảo vệ và bảo tồn môi trường tự nhiên ở các khu vực mà họ đang cư trú (Điều 7.4).

- Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCED) được tổ chức năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brazil đã thống nhất những nguyên tắc cơ bản và phát động một chương trình hành động vì sự phát triển bền vững có tên Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21). Với sự tham gia của đại diện hơn 200 nước trên thế giới cùng một số lượng lớn các tổ chức phi chính phủ, Hội nghị đã thông qua các văn bản quan trọng, trong đó tiếp tục tái khẳng định môi trường là quyền con người, đồng thời Hội nghị này đã thông qua các nguyên tắc thủ tục gắn kết môi trường với quyền con người.

- Công ước châu Âu về Tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp về các vấn đề môi trường năm 1998 (Công ước Aarhus) đưa ra mục góp phần vào việc bảo vệ quyền của mọi người thuộc các thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong một môi trường thích hợp với sức khoẻ và phúc lợi của họ.

Bên cạnh đó, quyền con người về môi trường cũng được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới[6]:

- Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc quy định mọi công dân có quyền được hưởng một môi trường lành mạnh và thoải mái. Nhà nước và công dân cần nỗ lực BVMT. Nội dung các quyền về môi trường được xác định bởi pháp luật; sức khỏe của mọi công dân được Nhà nước bảo vệ.

- Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: Mỗi người đều có quyền bảo vệ sức khỏe và chăm sóc y tế; mỗi người đều có quyền đòi hỏi về môi trường trong lành, thông tin xác đáng về tình trạng môi trường, và quyền được bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe và tài sản do việc vi phạm môi trường gây ra (Điều 41, Điều 42).

- Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi năm 1996 quy định: Mọi người đều có quyền sống trong môi trường không nguy hại cho sức khỏe hoặc hạnh phúc và BVMT cho lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai thông qua các biện pháp lập pháp và các biện pháp thích hợp khác mà: ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái hệ sinh thái; thúc đẩy sự bảo tồn và bảo đảm sự phát triển bền vững về sinh thái học và việc sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên khi thúc đẩy sự phát triển hợp lý về kinh tế, xã hội (Điều 24).

   2.2 Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền môi trường

Hiến pháp năm 2013, tại Chương II quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo đó các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 14); mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện những quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng (Điều 38); đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã đưa ra những quy định về quyền con người trong lĩnh vực môi trường. Điều 43 quy định: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT[7]. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 cũng đưa ra những quy định về điều kiện nhằm thực thi quyền về môi trường: Nhà nước có chính sách BVMT; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động BVMT, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Tổ chức, cá nhân gây ÔNMT, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).

Nhằm cụ thể hóa những quy định trong Hiến pháp năm 2013, quy định về quyền con người trong lĩnh vực môi trường, ngày 23/6/2014, tại kỳ họp thứ 7 khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT[8]. Luật BVMT năm 2014 quy định về quyền của mọi người dân được sống trong môi trường trong lành, BVMT là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; BVMT gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành; tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 4). Luật BVMT năm 2014 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; quy hoạch môi trường; kế hoạch BVMT; ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; BVMT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ÔNMT,… Đồng thời Luật BVMT năm 2014 cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Chính phủ (Điều 167).

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật (Điều 7).

Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng dành 02 chương quy định về những quyền của con người được pháp luật bảo vệ và việc BVMT thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Cụ thể tại Chương XII quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, Chương XVII quy định các tội phạm về môi trường. Theo đó, các tội phạm về môi trường được phân thành: i) các tội phạm gây ÔNMT, xâm hại các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và BVMT: bao gồm ô nhiễm không khí; ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm đất; các chất không đảm bảo có hại cho môi trường; ii) các tội phạm gây dịch bệnh cho con người, động vật, thực vật: tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; iii) các tội hủy hoại tài nguyên môi trường: tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; tội huỷ hoại rừng; iv) các tội xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng của môi trường: tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên. 

Ngoài ra, Luật Tài nguyên nước năm 1998; Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Khoáng sản năm 2010; Luật Đất đai năm 2013 cũng đã đề cập đến quyền môi trường trong từng lĩnh vực cụ thể.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa và lồng ghép BVMT, bảo vệ quyền con người vào các chương trình kinh tế - xã hội như: Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia năm 2003; Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam (năm 2004); Chiến lược quốc gia về Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020,...

Bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật về BVMT, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về BVMT như: Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982; Công ước Ramsar về các Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973/1978 (Marpol 73/78); Công ước quốc tế về Trách nhiệm dân sự đối với các tổn thất do ô nhiễm dầu (CLC1969/1992); Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hiệp quốc; Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ô - zôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô - zôn; Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, Công ước Basel về Kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng; Công ước Stockholm về các Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; Công ước quốc tế về Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu nhiên liệu (Bunker 2001)...

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền môi trường

Sau khi nghiên cứu những quy định của pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền môi trường như sau:

Một là, cần có sự cam kết từ Chính phủ trong việc bảo vệ quyền con người về môi trường, cam kết mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương với việc thực hiện quyền con người về môi trường theo cách tiếp cận hệ thống và tổng hợp; quốc gia hóa các mục tiêu BVMT và lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình phát triển của quốc gia. Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tổng hợp, đó là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền môi trường; tăng cường năng lực quản lý và thực hiện các chính sách BVMT; tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong việc BVMT.

Hai là, cần huy động sự tham gia của các nhóm xã hội trong việc BVMT, đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đối với việc BVMT. Việt Nam có hệ thống các tổ chức xã hội dân sự đa dạng bao gồm các nhóm xã hội chính, phần lớn có quy mô toàn quốc và có hệ thống tổ chức ở cấp cơ sở. Các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội và BVMT; Nhà nước cần tạo mọi điều kiện cho người dân có quyền được tham gia một cách tích cực, tự do và có ý nghĩa trong lập kế hoạch, ban hành quyết định, có tác động đến môi trường và phát triển.

Ba là, cần sửa đổi một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, quy định rõ thời gian tiến hành tố tụng đối với các tội về môi trường, quy định nghiêm khắc hơn về các hình phạt đối với các chủ thể gây ÔNMT, đưa ra các điều khoản và chế tài đủ mạnh để răn đe đối với những hành vi gây ÔNMT. Hiện nay, hình phạt đối với các hành vi gây thiệt hại đối với môi trường được quy định trong Bộ luật Hình sự mới chỉ áp dụng các biện pháp giáo dục, răn đe và chỉ xử lý bằng biện pháp hình sự đối với những trường hợp, hành vi có tính nguy hiểm cao đối với xã hội hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc quy định mức phạt quá cụ thể cũng dễ lạc hậu và nhiều khi không tương xứng với hành vi vi phạm.

Hiện nay, việc tính toán thiệt hại đối với các hành vi gây ô nhiễm là rất khó khăn, chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá thực trạng ÔNMT. Mặc dù đã có Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 16/11/2009 quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, nhưng trong thực tế, khi những hành vi gây ÔNMT được phát hiện thì việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan chức năng cũng rất lúng túng và chậm chạp, việc xử lý không triệt để. Một số vụ điển hình gần đây nhất có thể kể đến là: Vụ chôn gần một ngàn tấn chất thải độc hại trái quy định của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái, tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa; vụ thải chất độc hại ra sông Thị Vải, Đồng Nai của Công ty Vedan… Các vụ việc này, khi bị phát hiện rồi thì việc kiểm tra, đánh giá thực trạng ÔNMT còn chậm chạp, không hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sống trong môi trường trong lành của không những thế hệ hiện tại mà còn cả thế hệ tương lai. Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu ban hành những văn bản pháp luật quy định cụ thể về cách tính thiệt hại, tiêu chí lượng giá thiệt hại và đặc biệt là quy trình đòi bồi thường thiệt hại do ÔNMT.

Bốn là, BVMT và quyền được sống trong môi trường trong lành là vấn đề toàn cầu, một quốc gia không tự mình có thể giải quyết được, do vậy cần phải có sự kết hợp phát huy nội lực với hợp tác quốc tế. Cần chủ động và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế đã ký kết; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đặc biệt là chuyển giao các công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; tìm kiếm sự giúp đỡ quốc tế nhằm BVMT toàn cầu; cần tích cực tham gia các diễn đàn, hoạt động BVMT và phát triển bền vững toàn cầu, mở rộng liên kết với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế sự ô nhiễm do hoá chất và chất thải nguy hại, kiểm soát sự vận chuyển chúng xuyên biên giới, BVMT biển và đa dạng sinh học để cùng ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn, bảo tồn Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại.

Năm là, cần nội luật hóa các quy định của công ước quốc tế nói chung và công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực BVMT, đặc biệt là các công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại. Việc chuyển hóa các quy định của công ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết được quy định cụ thể trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

Sáu là, cần nghiên cứu ban hành một đạo luật chuyên biệt về phòng, chống ô nhiễm dầu từ tàu biển, vì chúng ta đã có Luật Biển Việt Nam - lần đầu tiên nội luật hóa Luật quốc tế vào luật nước mình để xác định các vùng biển - từ đó sẽ cử ra cơ quan kiểm soát vùng biển của mình và sẽ làm gì khi có tranh chấp xảy ra. Có như thế, khi có ÔNMT xảy ra chúng ta mới có cơ sở để lượng giá tổn thất và tính toán thiệt hại để có cơ sở để đòi bồi thường thiệt hại.

Bảy là, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, thì vấn đề con người là yếu quyết định trong việc thực thi các chính sách pháp luật. Hiện nay đội ngũ lãnh đạo và cán bộ trong lĩnh vực BVMT chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết khi có sự cố xảy ra. Do vậy cần có sự quan tâm từ phía Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Các trường đại học ở Việt Nam hiện nay có rất ít trường mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về môi trường, một số trường có mã ngành đào tạo, nhưng sinh viên lại không được trang bị nhiều kiến thức pháp luật về BVMT, quyền con người về môi trường, đặc biệt là những kiến thức chuyên sâu về luật quốc tế. Chính vì thế, khi có sự cố xảy ra thì những người được giao giải quyết công việc tỏ ra lúng túng, không giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc chưa cao. Do vậy, cần đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực BVMT nói chung, bảo vệ quyền môi trường để thực hiện quyền con người trong lĩnh vực môi trường như sau:

- Trước mắt cần lồng ghép việc giảng dạy quyền con người nói chung, quyền về môi trường nói riêng vào chương trình giảng dạy trong các trường đại học trong cả nước; đào tạo đội ngũ thẩm phán và đội ngũ cán bộ quản lý có kiến thức chuyên sâu luật trong nước và luật quốc tế, luật môi trường và các vấn đề về quyền con người, quyền môi trường, để trang bị thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong việc giám sát và kiểm soát việc thực thi pháp luật về môi trường. Cụ thể, cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ của cơ quan Toà án, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho các thẩm phán xét xử các vụ án tranh chấp khi có ÔNMT, đặc biệt là cần đào tạo đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ án vi phạm pháp luật về ÔNMT.

- Đào tạo các cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước khác bằng việc mở các lớp đào tạo trong nước có sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài giảng dạy về luật quốc tế cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do ÔNMT, nghiên cứu các án lệ, bản án điển hình đã xét xử và có hiệu lực của toà án các nước có kinh nghiệm xử lý khi có ÔNMT như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ v.v../.

 

TS.Mai Hải Đăng



[1] Xem Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nxb. Lao động, H, 2014.

[2] Xem Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ xb, H., 2006.

[3] Xem Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2009, trang 119.

[4] Xem Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động Xã hội, H., 2011.

[5] Xem: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ước về các Dân tộc và bộ lạc bản địa ở các quốc gia độc lập năm 1989, giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động Xã hội, H, 2011.

[6] Xem: Tuyển tập Hiến pháp một số quốc gia, Nxb. Hồng Đức, H, 2012.

[7] Hiến pháp năm 2013, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2014.

[8] Xem Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực