Làm cho "ý Đảng hợp với lòng dân"

Thứ ba, 03/11/2020 13:59
(ĐCSVN) - 6 hội nghị tại 6 cụm thi đua được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp với Đảng, làm cho "ý Đảng hợp với lòng dân".

Ngày 03/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

Quang cảnh Hội nghị 

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta, thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Với ý nghĩa đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 6 hội nghị tại 6 cụm thi đua để đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp với Đảng, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội, củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho "ý Đảng hợp với lòng dân".

 Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu khai mạc

Nêu ý kiến tại Hội nghị, chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng kiến nghị, trang 142 dòng 1 cần bổ sung phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với nâng cao thu nhập cho bà con bằng biện pháp đẩy mạnh trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu và đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp công nghiệp chế biến. Trang 142 dòng 13 cần nêu rõ: Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để nâng cao thu nhập cho nông dân...

Bày tỏ lo lắng khi người bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đều đã cao tuổi, không còn nhiều, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Mùa A Chừ đề nghị, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, bên cạnh chú trọng lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống từ người cao tuổi, cần quan tâm tới đối tượng người trẻ ở thôn bản tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc lâu đời và phụ nữ thôn bản là người hằng ngày gìn giữ văn hóa các dân tộc.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu mong muốn văn kiện cần đi sâu đánh giá tác động môi trường trong phát triển kinh tế; coi trọng vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí.

Đại biểu đề xuất các kiến nghị tại Hội nghị 

Đặt vấn đề phong trào trồng rừng năm nào cũng phát động, triển khai nhưng hiệu quả chưa như ý, ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ 19/5, Mộc Châu, Sơn La cho rằng, để bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng, văn kiện cần nêu rõ đến việc lựa chọn giống trồng rừng, xử lý nghiêm minh tình trạng chặt, phá rừng. 

Quan tâm đến nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Mai Đức Thịnh cho rằng chất lượng lao động thấp là thực tế đã nói đến nhiều, phải đào tạo nhưng để triển khai ở lĩnh vực nông nghiệp, nên đưa cán bộ, chuyên gia xuống tận ruộng, vườn, "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn bà con thay vì mở các lớp đào tạo sẽ không có hiệu quả cao.

Lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, việc lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính là thể hiện việc lắng nghe hơi thở của thực tiễn cuộc sống, qua đó tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Trong đó, dự thảo văn kiện nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới có vai trò rất quan trọng.

  Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị rất đa dạng, từ vấn đề thể chế, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, an toàn cho cuộc sống người dân nông thôn, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đến việc đề xuất các mô hình kinh tế, thúc đẩy khoa học công nghệ trong nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ... phù hợp với chủ đề Đại hội XIII của Đảng là "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước". Ban Chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị. /.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực