Làm theo Bác từ những việc nhỏ

Thứ tư, 13/07/2016 17:04
(ĐCSVN) – Thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Gia Lai đã cụ thể hóa việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian qua, mô hình “Kết nghĩa giữa doanh nghiệp, chủ rẫy, chủ trang trại với thôn, làng liền kề” nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm, gìn giữ an ninh, trật tự… được triển khai ở cả 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Đoa cho hiệu quả trông thấy, được nhân dân đánh giá cao và nhiều địa phương khác tới học hỏi, nhân rộng.

Đây chính là một trong những mô hình của huyện nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với mô hình này thì mô hình "Học Bác -  làm theo lời Bác từ việc nhỏ nhất" được cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Đăk Đoa đăng ký thực hiện nhiều nhất.

Qua kiểm tra cho thấy, những mô hình trên sau thời gian triển khai đã giúp cho không chỉ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà cả người dân Đăk Đoa nâng cao nhận thức, ý thức về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tự rèn luyện đạo đức lối sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Thực hiện Chỉ thị 03, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Gia Lai có sự chuyển biến rõ rệt - Ảnh: Minh Châu

Không riêng gì Đăk Đoa mà ở nhiều cơ quan, đơn vị của Gia Lai, nhiều mô hình làm theo Bác đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện với cả tấm lòng. Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững” bằng nhiều hình thức như trong các buổi sinh hoạt khu dân cư, phối hợp với các ngành liên quan tập huấn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho đồng bào; vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhiều địa phương đã chú trọng phối hợp cùng đội ngũ già làng, người có uy tín, nhân viên y tế xây dựng nếp sống mới trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc. Qua 5 năm thực hiện, Cuộc vận động đã góp phần tạo chuyển biến đáng kể trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, đưa trên 4.400 hộ thoát nghèo và hàng trăm hộ vươn lên khá giả; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai từ 27,56% năm 2010  xuống còn 11,67% vào năm 2015.

Rồi qua phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội giúp đỡ hội viên khó khăn, thực hiện thắng lợi 7 nhiệm vụ, 5 chuyên đề của Hội”, Hội Cựu chiến binh Gia Lai đã gây quỹ được trên 16 tỷ đồng, giúp cho hội viên nghèo không tính lãi hoặc lãi suất thấp; vận động xây dựng 21 “Kho thóc tình thương” với hơn 60 tấn thóc giúp hội viên nghèo; tự nguyện hiến trên 30 ngàn m2 đất và hoa màu trên đất trị giá hàng chục tỷ đồng làm đường, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng; tham gia làm mới, tu sửa, nâng cấp 190 km đường giao thông nông thôn, hàng chục km kênh mương nội đồng.

Với trên 84 ngàn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có trên 7 ngàn hộ nông dân có thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp vốn, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất từ đó tạo việc làm cho trên 22 ngàn hộ nông dân khó khăn, giúp hơn 8.500 hộ thoát nghèo. Nông dân còn tham gia đóng góp vật liệu, hiến đất... trị giá trên 791 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Gia Lai, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có những nội dung, giải pháp, cách làm phù hợp đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dần trở thành việc làm thường xuyên, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tác động tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến rõ nét, nhất là chuyển trọng tâm từ học tập sang làm theo Bác thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày, đặc biệt là trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tận tụy với công việc của cán bộ, đảng viên; khắc phục cơ bản tình trạng hình thức, đối phó, quan liêu, vô cảm trong thực thi công vụ.

Thực hiện Chỉ thị 03, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chú ý khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, lựa chọn những vấn đề tồn đọng, bức xúc, những vướng mắc nảy sinh từ cơ sở để tập trung giải quyết. Chất lượng sinh hoạt chi bộ có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng tổ chức đảng, từng đảng viên, nhiều điển hình tập thể, cá nhân làm theo gương Bác đã góp phần cổ vũ những nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực