Ngày 26/10, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế - Vai trò của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội LHPN Việt Nam trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Nội dung này không chỉ là giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, mà còn là định hướng để hoàn thiện thể chế thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Đây cũng chính là kim chỉ nam để Hội làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
|
Quang cảnh Hội thảo
|
Để tiếp tục thực hiện trách nhiệm với Đảng, với phụ nữ, với nhân dân; Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại - Vai trò của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam”. Đây là Hội thảo thứ 2 trong 4 hội thảo Hội LHPN Việt Nam tổ chức để lấy ý kiến các nhóm: nữ doanh nhân, nữ trí thức, các chuyên gia và hội viên phụ nữ; làm cơ sở để tập hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện.
Dẫn nội dung dự thảo Văn kiện trong đó khẳng định: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển…; hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Về định hướng phát triển đất nước và đột phá chiến lược trong những năm sắp tới, dự thảo Văn kiện cũng đề cập: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho hay, trong phát triển kinh tế, lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước với lực lượng hơn 50,2% dân số cả nước, khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Ở Việt Nam, doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
chia sẻ tại Hội thảo
|
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương, trải qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức kinh tế - thương mại lớn như Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương...
Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Từ một quốc gia thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu trong nhiều năm gần đây. Năm 2019, quy mô xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta đạt hơn 517 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục gần 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó phụ nữ ở Việt Nam thường không nhận được sự đối xử bình đẳng ở các nước đang phát triển. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có việc tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ cần được coi là ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế nhằm phát huy các tiềm năng của phụ nữ, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.
Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo, bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) nhấn mạnh, hội nhập kinh tế với những Hiệp định Thương mại thế hệ mới đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cũng là những thách thức và lực cản cho phát triển kinh tế.
Bà Hà Thị Thu Thanh đề xuất cần tập trung ưu tiên phát triển doanh nghiệp nữ làm chủ, mạng lưới nữ doanh nhân Việt nam; định hướng một cách rõ ràng cho sự phát triển của phong trào nữ doanh nhân Việt Nam với mục tiêu là gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp Bình đẳng giới trong toàn xã hội.
|
Ý kiến của các nữ doanh nhân đến từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế góp phần hoàn thiện những văn bản chiến lược trong chặng đường phát triển của đất nước
|
Nhiều đại biểu bày tỏ, các cơ quan, đơn vị cần đổi mới hình thức, phương pháp học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng trong khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân: kết hợp chặt chẽ hình thức phổ biến, quán triệt làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn với gợi mở những vấn đề thực tế đang đặt ra với các hình thức tọa đàm, trao đổi, phát huy tìm tòi, sáng tạo của mỗi cá nhân; đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên đề để làm rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng.
Tại Hội thảo, ý kiến từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, tham luận, trao đổi của các nữ doanh nhân đến từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, từ mạng lưới của các nữ doanh nhân... đã góp chung tiếng nói, góp phần hoàn thiện những văn bản chiến lược có tính chất quan trọng, quyết định cho sự phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng trong chặng đường phát triển của đất nước.