Lê Đức Thọ với tầm nhìn vượt trước của nhà lãnh đạo tài năng

Thứ bảy, 09/10/2021 18:54
(ĐCSVN) - Đã có nhiều người, nhiều công trình viết về Lê Đức Thọ và sẽ còn có nhiều người, nhiều công trình nữa tiếp tục viết về ông, một con người mà cuộc sống và sự cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc và Nhân dân, như một huyền thoại, một tấm gương ngời sáng của một người cộng sản, một nhà lãnh đạo tài năng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (10/10/1911 - 10/10/2021), bài viết này nhằm góp phần tìm hiểu thêm chỉ một khía cạnh nhỏ trong rất nhiều phẩm chất làm nên tầm vóc của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, đó là tầm nhìn vượt trước của ông quá trình thực hiện vai trò, trách nhiệm người lãnh đạo. 

1. Tầm nhìn vượt trước và dũng cảm trong lựa chọn con đường cách mạng

Lê Đức Thọ tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), trong một gia đình có truyền thống Nho học, yêu nước. Cha ông là Phan Đình Quế, sinh năm 1882, tuy không đỗ đạt nhưng là người có danh tiếng về chữ nghĩa, sống trung thực, nghĩa khí, được dân làng tin cậy bầu làm Chánh hương hội - người đứng đầu Hội đồng Kỳ mục trong làng. Mẹ ông, cụ bà Đinh Thị Hoàng cũng là con nhà dòng dõi hương trưởng, quê ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cụ bà là người phúc hậu, tháo vát, hết lòng vì sự nghiệp gia đình, chồng con. 

Sinh ra trong một gia đình khá giả, Lê Đức Thọ có điều kiện thuận lợi hơn đại đa số thanh niên đương thời, được gia đình lo cho ăn học chuẩn bị hành trang học thức, nghề nghiệp trước khi bước vào đời. Trước mặt ông, một con đường thuận chiều mở ra, đó là học hành đỗ đạt, trở thành công chức nhà nước với cuộc sống ít nhất là được đảm bảo tốt đẹp, nhiều hơn, có thể giàu sang, phú quý. Nhưng ông đã có sự lựa chọn một con đường khác đầy chông gai, gian khổ, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng. Đó là con đường làm cách mạng, con đường mà những kẻ cầm quyền thời đó gọi là “nổi loạn”. 

Chân dung đồng chí Lê Đức Thọ gửi tặng đồng chí Nguyễn Chí Thanh
Nguồn ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Chí Thanh

Tất nhiên, cùng với ông còn có nhiều trí thức khác đã lựa chọn con đường đứng lên, đấu tranh chống áp bức ngoại bang và phong kiến. Sự lựa chọn con đường cách mạng của Lê Đức Thọ có thể là do sự thôi thúc của nhiều yếu tố như: truyền thống yêu nước, thân dân của gia đình; những giáo lý của đạo đức Nho giáo; cảnh sống khốn cùng hằng ngày của người dân dưới sự thống trị của thực dân, phong kiến; những tư tưởng tiến bộ được truyền bá qua sách báo bí mật. 

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lịch sử của những năm 20 của thế kỷ XX, khi mà thực dân Pháp thực hiện chế độ cai trị hà khắc, cùng chính sách ngu dân và sự bóc lột dã man, đất nước chìm trong đêm đen nô lệ, thì con đường cách mạng vẫn là sự lựa chọn rất dũng cảm, rất quyết liệt. Sự lựa chọn đó cũng mang tầm nhìn sáng suốt bởi đó là sự lựa chọn phù hợp lòng người – lòng yêu nước, thương nòi, không thể làm ngơ trước những bất công xã hội; sự lựa chọn phù hợp với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; và phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại, khi mà đã xuất hiện những dấu hiệu dự báo cho một dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.  

Tháng 10/1928, tròn 17 tuổi, khi đang là học sinh Trường tiểu học Cửa Bắc, Nam Định, Lê Đức Thọ gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đúng sinh nhật 18 tuổi, ngày 10/10/1929, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Giữa tháng 11/1930, ông bị mật thám bắt ở thành phố Nam Định. Và mới 19 tuổi, ông đã phải bắt đầu một chặng đường đằng đẵng 6 năm với gần 2.200 ngày bị giam cầm trong lao tù đế quốc, trong đó có 5 năm bị đày ải ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo. 

Trong những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo, Lê Đức Thọ trở thành một trong những người lãnh đạo tổ chức Đảng trong nhà tù, tập hợp các tù nhân cộng sản, tham gia giác ngộ, lôi kéo các tù thường phạm, đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc, đòi cải thiện đời sống, bảo vệ tính mạng những người tù. Cuộc đấu tranh quyết liệt nhất đã mang lại kết quả là cuộc tuyệt thực tháng 8/1934. Thống đốc Nam Kỳ Pagès phải đích thân ra tận nơi để giải quyết và buộc phải nhượng bộ với việc nới lỏng các biện pháp cấm đoán, giảm thiểu các hình thức đàn áp, đánh đập, tăng thời gian ra sân chơi mỗi ngày của tù nhân. Ông cũng là người phản đối chủ trương của một số đồng chí đảng viên cộng sản đòi tổ chức cướp nhà tù, bởi đó là một hành động mạo hiểm, không thể thành công và sẽ nguy hại đến tính mạng người tù. 

Đồng thời với cuộc đấu tranh có tổ chức với những biện pháp thích ứng, Lê Đức Thọ còn cùng với tổ chức Đảng thực hiện nhiều công việc nhằm “biến nhà tù thành trường học”. Đó là việc ra các tờ báo Tiến lên ở trại giam khổ sai và tờ Ý kiến chung ở trại giam cấm cố. Đó là tổ chức các lớp học, người hiểu biết về lý luận thì truyền đạt, trao đổi với người chưa biết về các vấn đề lý luận cách mạng, các vấn đề thời cuộc chính trị. Chính nhờ có việc ra báo, tổ chức các lớp học bí mật mà trình độ nhận thức về lý luận chính trị, về đường lối đấu tranh của Đảng của những người tù cộng sản được nâng lên. 

Cuối tháng 9/1939, Lê Đức Thọ lại bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Nam Định và bỏ tù lần thứ hai. Trong 5 năm, ông bị lưu đày qua các nhà tù Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, Hòa Bình, trải qua những thử thách không thể khắc nghiệt hơn trong những địa chỉ nhà tù khét tiếng tàn ác của kẻ thù. Đối với ông, nhà tù đế quốc một lần nữa lại trở thành trường học để nâng cao trình độ giác ngộ lý tưởng cách mạng, tôi rèn ý chí, bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh của người cộng sản. Vượt lên sự đàn áp, đày đọa của kẻ thù, ông luôn có mặt trong đội ngũ những người lãnh đạo tổ chức đảng trong nhà tù, đoàn kết đấu tranh bảo vệ đồng chí đồng đội, tổ chức ra báo, học lý luận, nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt. Ông cũng là người tham gia tổ chức cho một số đồng chí của mình vượt ngục thành công, trở về đội ngũ chiến đấu của Đảng.

 
Đồng chí Lê Đức Thọ - Ảnh: TTXVN

Trải qua 11 năm đày ải trong các nhà tù khét tiếng khắc nghiệt của thực dân Pháp, Lê Đức Thọ không những không khuất phục trước sự tàn bạo của kẻ thù, mà còn trưởng thành hơn về nhận thức chính trị, được tôi rèn và trở nên mạnh mẽ về ý chí, vững vàng hơn về bản lĩnh, sáng tạo hơn về phương pháp đấu tranh và hoàn thiện hơn về phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo. Như nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cách mà ông và những người cộng sản bị giam cầm đã “Biến cái rủi thành cái may... để hội họp và học tập lý luận”, đã biến nơi tù ngục khắc nghiệt của đế quốc trở thành “một thứ lửa thử vàng” để “rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn”. Sự kiên cường và trưởng thành của ông qua tôi rèn trong môi trường khắc nghiệt của nhà tù đế quốc bắt nguồn từ một trong những nguyên nhân sâu xa là sự lựa chọn con đường cách mạng như một lý tưởng sống và cống hiến. Đồng thời, phải chăng đó cũng là phản ánh tầm nhìn của một con người đầy lý chí, biết rõ mục đích sống và cống hiến để nhẫn nại, kiên gan, tôi rèn ý chí và nghị lực, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lớn đang ở phía trước.  

2. Tầm nhìn vượt trước và sáng tạo trong tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp

Thời kỳ đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp, Lê Đức Thọ chỉ hoạt động ở miền Bắc đến đầu tháng 9/1948 với tư cách Ủy viên ban Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách công tác tổ chức và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Đóng góp quan trọng với tầm nhìn vượt trước của ông trong thời gian này gắn với công tác xây dựng Đảng.

Sau hơn một ngàn ngày kháng chiến chống Pháp, từ ngày 8 đến ngày 16/8/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ năm, nhằm đánh giá tình hình và thống nhất quan điểm, chủ trương, giải pháp đẩy mạnh thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng là chống đế quốc và phong kiến. Tại Hội nghị, đồng chí Lê Đức Thọ đã trình bày báo cáo quan trọng Tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng, đề cập một cách toàn diện các mặt công tác đảng và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong điều kiện mới của cách mạng. Đặc biệt trong báo cáo, ông đề cập vấn đề “Mở rộng và thực hiện dân chủ trong Đảng”, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi lề lối, phương thức tổ chức, hoạt động của hệ thống tổ chức của Đảng. Báo cáo chỉ ra rằng, trong điều kiện hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công việc, cấp ủy phần nhiều do cấp trên chỉ định. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ chỉ định vẫn còn duy trì. Hơn thế nữa mỗi cấp lại do một ủy viên cấp trên phụ trách. Do đó quyền dân chủ trong Đảng chưa được mở rộng, cách lãnh đạo chưa phát huy được vai trò tích cực của các ủy viên, hiệu quả lãnh đạo hạn chế. 

Tình trạng ấy không còn thích hợp nữa. Vì vậy phải mở rộng thực hiện dân chủ trong Đảng trên các nội dung: (1) “Bầu ban chỉ đạo các cấp, bỏ lệ chỉ định”, tức là phải tổ chức đại hội để bầu cấp ủy các cấp từ Trung ương tới cơ sở, không còn chế độ cấp trên chỉ định cấp ủy cấp dưới. (2) “Sửa soạn cho các cấp tự động lãnh đạo, bỏ ủy viên phụ trách”, tức là trao quyền cho các cấp ủy trong lãnh đạo địa phương, đơn vị. Nơi nào do cấp ủy mới “còn non nớt” mà phải duy trì chế độ phụ trách cũng phải phụ trách một cách dân chủ, không áp đặt, đồng thời phải đào tạo, bồi dưỡng để cấp ủy cấp dưới nhanh chóng đảm nhiệm được trách nhiệm công tác. (3) “Mở hội nghị thường lệ và hội nghị bất thường”, tức là tổ chức đại hội, hội nghị định kỳ để bàn định công việc chung. (4) Thực hiện nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. (5) “Mở rộng phê bình và thực hiện tự phê bình trong Đảng” trên nguyên tắc xây dựng và tiến bộ. 

“Mở rộng và thực hiện dân chủ trong Đảng” là một chủ trương đổi mới sinh hoạt tổ chức Đảng dựa trên tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tốt hơn vai trò tích cực của mỗi đảng viên, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất nhận thức trong nội bộ Đảng, nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mang lại sức mạnh mới cho tổ chức Đảng. 

Đồng chí Lê Đức Thọ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, từ ngày 5-10/9/1960 - Ảnh: TTXVN 

Tháng 9/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, Trưởng Ban Đảng vụ Trung ương làm trưởng đoàn vào kiểm tra công tác kháng chiến kiến quốc ở Nam Bộ, trên danh nghĩa là Phái đoàn của Chính phủ. Ngày 23/10/1948, đồng chí Thận (tức Tổng Bí thư Trường Chinh) thay mặt ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ về việc củng cố phong trào cách mạng ở Nam Bộ và chỉnh đốn công tác Đảng. Cuối thư, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: 

“Đồng chí Thọ, đại biểu cho Trung ương vào lần này là cốt xem xét tại chỗ để hiểu rõ vấn đề Nam Bộ, học lấy kinh nghiệm Nam Bộ, cùng đồng chí Duẩn thảo định mọi việc, đặng giúp các đồng chí chấn chỉnh Đảng bộ và giải quyết mọi vấn đề trong phạm vi có thể.

Cụ (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – TNT) và Trung ương tin rằng với tinh thần hy sinh phấn đấu, chí công vô tư của các đồng chí, những chỉ thị của Trung ương sẽ được thi hành một cách tích cực, những khuyết điểm sai lầm của Đảng bộ trong này sẽ được sửa chữa nhanh chóng và kịp thời, và nhiệm vụ Trung ương trao cho các đồng chí Thọ và Duẩn sẽ được làm tròn”

Bức thư của Tổng Bí thư Trường Chinh thực chất là một chỉ thị công tác của Trung ương Đảng, đồng thời thể hiện sự tin cậy của Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với Trưởng đoàn Lê Đức Thọ và xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm to lớn của ông trong chuyến công tác. Và với một tầm nhìn vượt trước, với “tinh thần hy sinh phấn đấu”, ông đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc kháng chiến kiến quốc và xây dựng chỉnh đốn Đảng ở Nam Bộ.

Ngày 10/01/1949, sau khi dừng chân, làm việc với tổ chức đảng và chính quyền ở Bình Trị Thiên, Lê Đức Thọ đã gửi điện báo cáo tình hình và kiến nghị với Tổng Bí thư Trường Chinh một số vấn đề. Nội dung bức điện đề cập toàn diện các vấn đề về xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng lực lượng quân sự, củng cố mặt trận đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân…, thể hiện phương pháp tư duy thông minh, tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Đặc biệt, ông đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo địa phương về những sai lầm trong hoạt động quân sự và chỉ ra 9 nhiệm vụ quân sự cần kíp, nhằm sửa chữa những sai lầm khuyết điểm, thúc đẩy xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh nhân dân toàn diện, mở rộng và củng cố địa bàn đứng chân, nâng cao hiệu quả và sức chiến đấu cho các thứ quân:

“1/ Đừng quan niệm rừng núi là chiến khu, phải tạo ra những căn cứ đồng bằng nữa... 2/ Phải bám chắc lấy miền trung châu, nơi tập trung chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của địch, nơi có thể thực hiện khẩu hiệu “biến hậu phương địch thành hậu phương ta”... 3/ Tích cực thực hiện đại đội độc lập và du kích tập trung tại các huyện. Tổ chức du kích bí mật để đẩy du kích chiến tranh lên. 4/ Đánh phục kích và phản phục kích bằng địa lôi chiến trên các đường giao thông của địch. Không chỉ ham đánh lớn. Đánh lớn phải tính chắc, phải đánh cả lẻ tẻ và quấy rối. 5/ Phải biết phối hợp chiến trường không những trong toàn quốc mà ngay trong một tỉnh để chia sẻ lực lượng của địch... 6/ Giữ vững đường giao thông tiếp tế của ta... 7/ Chống càn quét khủng bố... 9/ Vật chất cho bộ đội và dân quân du kích”. 

Đầu tháng 4/1949, Lê Đức Thọ đặt chân đến Đồng Tháp Mười, căn cứ địa của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Từ thời điểm này, ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ với tư cách Trưởng phái đoàn của Trung ương Đảng, rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 3/1951, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 7/1952 cho đến tháng 01/1955 tập kết ra Bắc.  

Chỉ sau một năm lăn lộn với chiến trường Nam Bộ, Lê Đức Thọ đã nắm tình hình một cách cơ bản, toàn diện, bắt mạch được những vấn đề cốt tử trong thực tiễn kháng chiến để đề xuất được những giải pháp cần thiết cho củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở đây. Trong bài báo “Nhìn qua Chiến dịch mùa Xuân 1950 ở Nam Bộ” đăng báo Thống nhất số 15 và 16, ấn hành từ 15/8 đến 15/9/1950, ông đã phân tích, đánh giá các hoạt động của quân và dân Nam Bộ trong Chiến dịch mùa Xuân 1950 và rút ra 7 bài học kinh nghiệm: 1) Ta chủ động và địch bị động; 2) Biết nắm đúng thời cơ; 3) Tập trung lực lượng nhằm những nhược điểm của địch để đánh; 4) Trưởng thành trong vận động chiến và cường tập. Phối hợp chặt chẽ giữa vận động chiến và du kích chiến; 5) Yếu tố tinh thần quyết định một phần thắng lợi; 6) Thực hiện được chiến tranh nhân dân; 7) Đảng Cộng sản là linh hồn trong quân đội nhân dân. Đây là tổng kết có giá trị to lớn, có ý nghĩa định hướng, chỉ đạo hoạt động quân sự của quân và dân Nam Bộ. Những vấn đề khái quát có tầm lý luận ấy cũng thể hiện nền tảng kiến thức quân sự phong phú và năng lực tư duy quân sự sắc sảo của ông. Trung tướng Đồng Văn Cống đã nhận xét: “Tư duy quân sự sắc sảo của anh đã góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo tác chiến và tạo ra chiến thắng trên chiến trường. Những phát biểu của anh..., cũng như các bài báo của anh tổng kết phong trào du kích chiến tranh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã soi sáng cho chúng ta nhận thức được nhiều điều quan trọng trong việc vận dụng một cách sáng tạo lý luận đấu tranh vũ trang của Đảng vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của chiến trường Nam Bộ”.

Đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dự lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (15/5/1975) - Ảnh: TTXVN 

Không chỉ với vấn đề quân sự, trên cương vị Trưởng phái đoàn Trung ương, Phó Bí thư hay Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Lê Đức Thọ đều làm việc với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực, chí công vô tư, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đóng góp to lớn vào việc tổ chức thực hiện và mang lại kết quả tích cực trên các mặt công tác. Đó là thống nhất hệ thống tổ chức và tăng cường đoàn kết trong nội bộ Đảng; phát triển mạnh mẽ và bảo đảm chất lượng đội ngũ đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng trong quân đội góp phần tăng sức chiến đấu của quân đội; quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng an ninh; thúc đẩy thực hiện chính sách dân vận, mở rộng đại đoàn kết toàn dân, quan hệ chặt chẽ với tổ chức Đảng Dân chủ, vận động đồng bào khối Hòa Hảo; phát triển kinh tế, củng cố khu giải phóng; v.v..

3. Tầm nhìn vượt trước và sáng suốt của nhà lãnh đạo tình báo

Khi bình luận về phương pháp dùng gián điệp trong Binh pháp Tôn Tử, Hồ Chí Minh cho rằng: “Người làm tướng giỏi phải biết dùng người có mưu trí làm gián điệp cho mình. Đó là bí quyết trong phép dùng binh. Vì có căn cứ vào các báo cáo xác thực của người gián điệp mới đủ tài liệu, tính kế và định đường lối tiến thoái được. Đặt được kế hoạch xác đáng tức là biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận”. Nhưng không phải ai cũng có thể dùng gián điệp được, mà “Không phải người đại tướng có đức hạnh, có nhân nghĩa, người gián điệp không chịu nghe theo”. 

Theo cách hiểu của Hồ Chí Minh thì Lê Đức Thọ không chỉ là “tướng giỏi”, mà còn là “người đại tướng có đức hạnh, có nhân nghĩa”, bởi chính ông là người đã chuẩn bị và bắt tay vào xây dựng một mạng lưới tình báo chiến lược tài ba, trung kiên, với những đóng góp đặc biệt quan trọng vào những thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Hơn thế nữa, ông còn là người có tầm nhìn xa, trông rộng, với những dự báo vượt trước tình hình thực tại để chuẩn bị cán bộ, cài cắm sâu vào trong lòng địch, trở thành những điệp viên lợi hại, chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, ác liệt.

Tối ngày 06/02/1954 (tức ngày mồng 4 Tết Giáp Ngọ), tại căn cứ Cái Bát ở rừng U Minh Thượng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã chủ trì lễ kết nạp đảng cho Hai Trung (tức Nguyễn Văn Trung, tức Phạm Xuân Ẩn) và giao nhiệm vụ cho người đảng viên cộng sản 28 tuổi này, “phải tìm cách vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy ngay trong năm nay”. Ông Lê Đức Thọ giải thích với Hai Trung rằng: “Sắp tới sẽ có cuộc chuyển giao chiến lược chiến trường Đông Dương từ Pháp qua Mỹ. Dẫu Pháp còn cố chần chừ vì tiếc công tiếc của nhưng Mỹ sẽ nhanh chóng hất cẳng Pháp để nắm lấy Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam nói riêng... Nên người của mình phải sáp vô với Mỹ ngay từ bây giờ, đứng trong đội ngũ những người mà rồi đây Mỹ sẽ dùng, cộng tác với nó từ những ngày đầu, là một gương mặt quen thuộc, được tin cẩn khi chúng còn bỡ ngỡ thì sẽ rất có lợi cho những nhiệm vụ sau này. Trong câu chuyện với nhà văn Nguyễn Khải, ông Hai Trung - Anh hùng lực lượng vũ trang, tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn còn nhấn mạnh: “Nên nhớ tháng 02/1954 chưa có một dấu hiệu rõ rệt nào về những biến động có ý nghĩa lịch sử sẽ diễn ra trong những tháng tới, như ông Thọ nói. Nghe cấp lãnh đạo nói thế thì mình biết thế chứ trong bụng vẫn còn hồ nghi”.

Trong cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo - Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn", nhà báo Mỹ Larry Berman đã nhắc tới cuộc gặp gỡ này: “Anh Sáu Búa” các cán bộ gọi ông Lê Đức Thọ như vậy - đã tiên đoán với Phạm Xuân Ẩn rằng khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Mỹ sẽ không để cho người Việt Nam tự quyết định tương lai của mình. Những tên đế quốc mới sẽ thay thế những tên thực dân Pháp. Nhưng cuộc chiến tranh mới này sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc. Phạm Xuân Ẩn được chuẩn bị sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao cho để bảo vệ đất nước mình”. Bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trong rừng U Minh Thượng ấy, Hai Trung - Phạm Xuân Ẩn đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ giao cho, chui sâu vào tung thâm của kẻ thù, tạo cho mình vỏ bọc đặc biệt hiệu quả. Đúng như nhận xét của nhà báo Mỹ Larry Berman, “Dường như không một nhân viên tình báo nào của chế độ Sài Gòn nhìn thấu qua được vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn. Ông đã qua mắt được tất cả các nhân viên tình báo không chỉ của chế độ Sài Gòn, mà cả của Mỹ”. Và do đó “Ông chưa bao giờ phải làm cái việc ăn cắp tài liệu mật, vì ông luôn được các nguồn tin của mình cung cấp những tài liệu mật để phân tích giúp cho họ những tình hình quân sự và chính trị to lớn hơn”

Cùng với Phạm Xuân Ẩn còn có Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy..., cả một mạng tình báo cách mạng đã được gây dựng bài bản, chuẩn bị công phu, cài cắm vào lòng địch. Và họ đã là một mạng lưới những điệp viên trung thành nhất mực với cách mạng, thực hiện nhiệm vụ cung cấp tin tức tình báo tài tình và hiệu quả chưa từng thấy, góp phần đặc biệt và không thể thiếu làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Cha đẻ của “công trình tuyệt tác ấy” là Lê Đức Thọ. Từ những dự báo về khả năng cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và tay sai bán nước ở miền Nam sẽ diễn biến phức tạp, lâu dài và ác liệt, ông đã âm thầm chuẩn bị, lựa chọn những cán bộ tin cậy, giao nhiệm vụ cho họ làm công tác tình báo. Hơn thế, ông còn chỉ đạo và trực tiếp tổ chức bồi dưỡng các khóa học công phu để đào tạo, bồi dưỡng dàn điệp viên của mình một cách bài bản. Để chuẩn bị cho công tác này, ông đã xin Trung ương điều động một số cán bộ tình báo có nhiều kinh nghiệm vào Nam công tác, trong số đó có Nguyễn Đình Hương, tức Mười Hương. Sau khi vào đến Nam Bộ, ông Mười Hương được giao nhiệm vụ công tác ở Ban Địch tình thuộc Xứ ủy Nam Bộ, chuyên lo công việc huấn luyện và phát triển mạng tình báo chiến lược cho cách mạng miền Nam. 

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, cuối tháng 7, đầu tháng 8/1954, đòng chí Lê Đức Thọ thay mặt Trung ương Cục miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình và để bàn bạc với Trung ương về chiến lược cách mạng của miền Nam  trong thời kỳ mới. Sau chuyến đi miền Bắc trở về, ông cùng với đồng chí Lê Duẩn (đã được Trung ương điều trở lại Nam Bộ từ trước đó) tổ chức thực hiện chủ trương của Trung ương về giải tán Trung ương Cục miền Nam để thành lập Xứ ủy Nam Bộ, lãnh đạo thực hiện công tác tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ ta tập kết ra Bắc. Trên cơ sở xét đoán tình hình, tương quan lực lượng cũng như những động tĩnh từ phía ngụy quân, ngụy quyền và thái độ của người Mỹ, người Pháp, ông đã nhận định có thể địch thực hiện Hiệp định Geneva, xong việc chúng trở mặt không thực hiện Hiệp định cũng là một khả năng. Vì thế, chúng ta phải chủ động chuẩn bị, đề phòng trường hợp xấu nhất. Ông đã bàn với đồng chí Lê Duẩn để thống nhất kế hoạch ém lại phần lớn cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, trong đó có cả cán bộ quân sự cùng vũ khí, đạn dược. 

Thực hiện kế hoạch này, những cán bộ chưa bị lộ được phân công ở lại, nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, chuẩn bị cơ sở để sẵn sàng hoạt động trong điều kiện mới. Trong những cán bộ bí mật ở lại Nam Bộ có cả Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng - đồng chí Lê Duẩn. Để che mắt kẻ địch, ông chào đồng bào, đồng đội ở thị trấn Sông Đốc, lên tàu tập kết, nhưng đêm xuống lại bí mật quay lại bờ. Một số lượng lớn vũ khí, công binh xưởng được bí mật cất dấu. Gần 10.000 khẩu súng, điện đài được đưa lên tàu giữa ban ngày dưới sự giám sát của các phái viên quốc tế, ban đêm lại được bí mật chuyển xuống các thuyền nhỏ, đưa trở lại bờ, chuyển đi chôn dấu ở những địa điểm bí mật. 

Đồng chí Lê Đức Thọ trên đường đi công tác trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1975 - Ảnh: TTXVN 

Với tầm nhìn vượt trước, Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo đã có công lớn trong việc huấn luyện, xây dựng mạng lưới tình báo chiến lược; chuẩn bị và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành bí mật ém quân ở miền Nam. Đó là những công việc có vai trò to lớn trong duy trì và mở rộng phong trào cách mạng, góp phần quan trọng mở đường đi tới thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

4. Tầm nhìn vượt trước và đổi mới về công tác cán bộ

Lê Đức Thọ là người được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tổ chức - cán bộ của Đảng lâu nhất từ trước đến nay, trong hơn 20 năm, trong đó có 2 thời kỳ với hơn 5 năm kiêm Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc. Với tầm nhìn vượt trước và đổi mới, ông không chỉ có những quan điểm tích cực, sáng suốt về công tác cán bộ, những đóng góp to lớn, có ý nghĩa trong xây dựng, quản lý, phát triển hệ thống tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, mà còn để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tinh thần đổi mới trong nhận thức, phương pháp làm việc khoa học và một tấm lòng thương yêu, quan tâm đến đồng chí, đồng đội. 

Trong công tác cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trước mỗi nhiệm vụ chiến lược hay bước chuyển giai đoạn của cách mạng, cho dù khó khăn đến đâu, ông đều chỉ đạo tổ chức các khóa học, chuẩn bị cho cán bộ những nhận thức, kỹ năng và phương pháp công tác cơ bản.

Tháng 4/1945, với trách nhiệm phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, Lê Đức Thọ đã mở một lớp học cấp tốc tại Tiên Sơn, Bắc Ninh để phổ biến chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng cho cán bộ lãnh đạo các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Đồng thời, để chuẩn bị cho lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, ông đã chỉ đạo chuyển Ban Cán sự Hà Nội thành Thành ủy Hà Nội và sau đó trực tiếp tổ chức một lớp học trong 5 ngày cho cán bộ Thành ủy và các tổ chức quần chúng của Hà Nội. Tiếp theo, ông đã giao cho Vương Thừa Vũ - người phụ trách quân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ, mở lớp đào tạo cán bộ quân sự cho toàn Xứ ủy tại Lạc Sơn, Hòa Bình. Những quyết định sáng suốt, chỉ đạo kịp thời của đồng chí Lê Đức Thọ về công tác tổ chức, cán bộ đã góp phần không nhỏ vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội và các địa phương khác ở Bắc Kỳ.

Trong thời kỳ hoạt động ở Nam Bộ từ đầu năm 1949 đến tháng 01/1955, đồng chí Lê Đức Thọ là người đề xuất nhiều chủ trương quan trọng và trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác huấn luyện cán bộ. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bài bản cơ bản, đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thực tế, ông đề nghị Xứ ủy Nam Bộ mở Trường Đảng Trường Chinh đào tạo cán bộ cao cấp và trung cấp, Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ đào tạo cán bộ sơ cấp. Học viên tuyển chọn từ  cán bộ đảng viên của các tỉnh của Nam Bộ. Các cán bộ lãnh đạo như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Mười (Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh)… trực tiếp tham gia giảng dạy. Ngày 28/11/1949, lớp đào tạo cán bộ dài hạn đầu tiên (2 tháng) được khai giảng tại Trường Đảng Trường Chinh. Để bảo đảm chất lượng của khóa học, Lê Đức Thọ yêu cầu: Phải áp dụng khoa sư phạm trong huấn luyện; thực hiện tự phê bình trong khi học tập; chống giáo điều chủ nghĩa và kinh nghiệm chủ nghĩa; kết hợp lý luận với thực tế; và giáo viên cùng học viên đều phải thực hiện tác phong gương mẫu. Về phương pháp huấn luyện, ông cho rằng, thảo luận là một khâu cần thiết, không thể bỏ qua. “Những vấn đề đưa ra thảo luận cần phải có dàn bài tỉ mỉ đưa trước cho học viên để học viên cùng nhau thảo luận và có dự kiến trước, chỉ dẫn những tài liệu về từng vấn đề để học viên tham khảo... Muốn cho cuộc thảo luận ở trong lớp được sôi nổi và hiệu quả, phải chia đều học viên có năng lực ra từng tổ và đưa đề cương ra thảo luận trước để học viên có ý kiến trao đổi, rồi mới phân công từng học viên chuẩn bị phát biểu ý kiến về từng vấn đề...” 

Sau khi miền Bắc giải phóng, bước vào thời kỳ cải tạo công - thương nghiệp, tư bản, tư doanh, tư tưởng thành phần giai cấp có chiều hướng nặng nề dẫn đến những lệch lạc trong đánh giá và sử dụng với cán bộ. Trước tình hình đó, ngày 16/4/1957, Lê Đức Thọ đã gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị bày tỏ ý kiến thẳng thắn về chủ nghĩa thành phần trong công tác cán bộ. Ông cho rằng, chính sách cán bộ của Đảng là lấy công nông làm nòng cốt “là không ổn”. Chính sách đó “không có tác dụng đoàn kết cán bộ”, mà còn “dẫn đến chủ nghĩa thành phần..., gạt ra ngoài vô số những lực lượng ưu tú đã được tôi luyện thử thách của Đảng, làm yếu sức chiến đấu của Đảng”. Mặt khác, chính sách đó cũng “không có tác dụng nâng cao trình độ giác ngộ của cán bộ, giúp cho cán bộ tiến bộ”, làm cho cán bộ nguồn gốc công nông dễ “ỷ vào thành phần của mình, không nhìn thấy nhược điểm của mình” và ngược lại, đối với cán bộ trí thức thì dễ có tư tưởng tiêu cực “vì dù rằng mình trung thành với Đảng nhưng vẫn bị Đảng xếp vào loại thứ yếu”. 

Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976) - Ảnh: TTXVN 

Từ nhận thức ấy, đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị: “Chính sách cán bộ phản ánh trung thành nhất đường lối giai cấp của Đảng là chính sách lấy đức tài làm tiêu chuẩn như các lãnh tụ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mặt khác không nên nhầm lẫn vấn đề lấy công nông làm cốt cán là cơ sở của công tác mặt trận với đường lối cán bộ lấy đức tài làm tiêu chuẩn. Và ngay trong đường lối cán bộ cũng không nên nhầm lẫn phương châm giáo dục cán bộ với chính sách chung của Đảng về cán bộ. Chính sách chung của Đảng về cán bộ là không phân biệt đối đãi mà lấy đức tài làm tiêu chuẩn để sử dụng, đề bạt…”.

Có thể nói, đồng chí Lê Đức Thọ là người trước sau đều thẳng thắn phê phán và bác bỏ chủ nghĩa thành phần trong công tác cán bộ. Trong Báo cáo tổng kết Hội nghị tổ chức toàn quốc lần thứ tư năm 1959 để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội III của Đảng, ông chỉ rõ: “Một là, nguồn gốc xã hội của đảng viên có quyết định được tính chất của Đảng ta không? Không! Cái quyết định là sự đấu tranh chính trị và sinh hoạt chính trị của Đảng ta, là sự giáo dục tư tưởng, lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo chính trị của Đảng ta… Đảng ta không cho rằng thành phần đảng viên quyết định tính chất của Đảng và không lấy thành phần làm cơ sở chủ yếu để xây dựng Đảng…”

Lê Đức Thọ đánh giá cao vai trò của trí thức và luôn giành cho đội ngũ trí thức sự quan tâm toàn diện và thường xuyên. Để ổn định cuộc sống, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ông đã đề xuất và kiến nghị Ban Bí thư ra Chỉ thị số 56 CT/TW ngày 21/10/1957 “Về việc thực hiện chính sách của Đảng đối với trí thức”. Chỉ thị 56 đã đặt ra những yêu cầu cụ thể, kịp thời điều chỉnh những sai lầm, hạn chế trong việc thực hiện chính sách của Đảng đối với trí thức, động viên đội ngũ trí thức trong lao động sáng tạo, tham gia xây dựng cuộc sống mới. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng phải tiến hành phê bình và tự phê bình để thanh toán những thắc mắc, hiểu lầm, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ đảng viên với trí thức đảng viên và ngoài Đảng. Sử dụng trí thức phải đúng sở trường chuyên môn và khả năng của người trí thức để có kế hoạch điều chỉnh cho hợp lý. Giúp đỡ, tạo điều kiện cần thiết trong phạm vi khả năng để anh chị em trí thức có điều kiện nghiên cứu, sáng chế, phát minh, sáng tác, phát huy mọi tài năng cống hiến cho đất nước. Cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền giúp đỡ trí thức học tập, phấn đấu tiến bộ, tránh can thiệp sâu vào những vấn đề chuyên môn cụ thể. Quan tâm đến đời sống của anh chị em trí thức, trước hết là những trí thức cao cấp, chiếu cố đặc biệt đến những tri thức xuất sắc mà tuổi già, sức yếu. 

Trong bài nói chuyện với anh chị em làm công tác khoa học năm 1964, thêm một lần ông lại nhấn mạnh vai trò của đội ngũ trí thức. Ông cho rằng, “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một đội ngũ trí thức, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo có khả năng, có đầy đủ nhiệt tình và lòng trung thành để xây dựng chủ nghĩa xã hội, không những đòi hỏi phải có đội ngũ chính trị, tư tưởng vững vàng, mà còn đòi hỏi phải có trình độ khoa học - kỹ thuật cao nữa. Không có khoa học - kỹ thuật thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội. Cố nhiên nếu chỉ có khoa học - kỹ thuật thuần tuý mà xem nhẹ chính trị, tư tưởng là một điều rất sai lệch. Nhưng nếu chỉ một chiều nhấn mạnh đến chính trị, tư tưởng mà xem nhẹ khoa học - kỹ thuật thì không đúng”. 

Đầu năm 1973, với tầm nhìn vượt trước và kinh nghiệm lãnh đạo công tác tổ chức, Lê Đức Thọ đã kiến nghị Bộ Chính trị xây dựng và ban hành Nghị quyết số 225, ngày 20/02/1973 của Bộ Chính trị “Về công tác cán bộ trong giai đoạn mới ”. Nghị quyết nhấn mạnh, phải đào tạo rất nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, khoa học, đối ngoại..., trong đó chú ý đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đông đảo có kiến thức cao về khoa học cơ bản, có kỹ năng thực hành giỏi, cân đối và đồng bộ về trình độ và ngành nghề, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học và kỹ thuật của Việt Nam và đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới. Để làm tốt công tác đào tạo cán bộ, phải kiện toàn hệ thống trường, khoa đào tạo và bổ túc cán bộ quản lý kinh tế, xây dựng mới cơ sở đào tạo cán bộ pháp lý, hành chính; chuẩn bị thành lập Viện Quản lý kinh tế.  Đồng thời phải chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, xây dựng mỗi trường đại học là một cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật.  Nghị quyết yêu cầu: “Phải chú trọng phát hiện các tài năng mới, mạnh dạn cất nhắc, kịp thời phát huy những tài năng đó. Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về văn hoá, khoa học-kỹ thuật và kiến thức quản lý kinh tế cho những cán bộ đã có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước...”. Nghị quyết số 225 của Bộ Chính trị “Về công tác cán bộ trong giai đoạn mới” có ý nghĩa chiến lược, đã được Đảng ta tiếp tục triển khai ngay cả sau năm 1975.

5. Tầm nhìn vượt trước và bản lĩnh trong cuộc đấu tranh ngoại giao 

Tháng 4/1968, khi đang công tác ở chiến trường Nam Bộ, Lê Đức Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị triệu tập gấp ra miền Bắc để chuẩn bị đảm nhiệm trách nhiệm “cố vấn đặc biệt” của đoàn Đại biểu Nhà nước ta tham gia cuộc đàm phán với phía Mỹ ở Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Việc lựa chọn Lê Đức Thọ làm Cố vấn đặc biệt của Phái đoàn ở Paris xuất phát từ đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng về tầm quan trọng và mức độ khó khăn, phức tạp của cuộc đàm phán. Đây là cuộc đàm phán có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đối với cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối diện với chúng ta trên bàn đàm phán là những nhân vật tiêu biểu cho trí tuệ của nước Mỹ, những chính trị gia lọc lõi và cơ mưu, đại diện cho một nước Mỹ siêu cường hùng mạnh bất khả chiến bại trong 200 năm lịch sử, với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới. Vì thế, cuộc đàm phán thực chất là một cuộc đấu tranh rất cam go về trí tuệ, bản lĩnh, lập trường và quyết tâm chính trị. Địa điểm cuộc hòa đàm lại diễn ra ở Paris, một trung tâm chính trị Phương Tây, rất nhạy cảm về truyền thông, dư luận quốc tế; ở xa Tổ quốc hàng chục ngàn cây số, rất khó khăn về trao đổi thông tin, xin chỉ thị của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Trong điều kiện ấy, người lãnh đạo trực tiếp phái đoàn của ta phải là người từng trải, có kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng phong phú, bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp làm việc sáng tạo, khôn khéo, có vị trí đủ tầm trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Lê Đức Thọ đã được lựa chọn vì ông là người hội tụ đủ các yêu cầu, phẩm chất ấy. Không phụ lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Lê Đức Thọ “đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà ngoại giao chiến lược thời đại Hồ Chí Minh”. 

Cố vấn Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger bắt tay nhau sau khi ký tắt hiệp định Paris ngày 23/1/1973 - Ảnh: AFP 

Trong nhật ký của mình, Henry Kissinger đã ghi lại nhận xét đầy ấn tượng về Lê Đức Thọ ngay sau lần đầu gặp nhau: “Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc marông. Đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ sự cuồng tín đã thôi thúc ông hồi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo... Lê Đức Thọ tiếp tôi với sự lễ phép có khoảng cách của con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như sự hạ cố”. Đó không còn là lời nhận xét có tính xã giao thông thường. Đó là sự tôn trọng, khâm phục hiếm có trong lịch sử ngoại giao của H. Kissinger đối với Lê Đức Thọ - một đối thủ chính trị - ngoại giao, khâm phục từ dáng vẻ bề ngoài, lý lịch chính trị, đến phong cách làm việc, thái độ ứng xử. 

Những cuộc đàm phán cả công khai và bí mật trong suốt 5 năm ở Paris thực sự là những cuộc đấu trí, đấu tài, đấu bản lĩnh và quyết tâm chính trị. Lê Đức Thọ là “tướng cầm quân ngoài mặt trận”, người được Bộ Chính trị giao cho toàn quyền quyết định, xử lý mọi vấn đề theo nguyên tắc bảo vệ bằng được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc. Nhưng ông cũng là người rất tôn trọng và giữ nghiêm nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị. Việc báo cáo tình hình từ các cuộc gặp, đàm phán và tiếp nhận chỉ thị của Bộ Chính trị trong tiến hành đàm phán được duy trì chặt chẽ thường xuyên. Có những việc mà sự chỉ đạo từ trong nước chưa thích hợp, gây bất lợi cho phía ta, ông đều trao đổi giải thích kỹ để có sự đồng ý của Bộ Chính trị mới thực hiện. Có lần, ông đã phải cấp tốc bay về nước để họp với Bộ Chính trị, giải thích tình hình, trình bày rõ chính kiến để Bộ Chính trị thay đổi sự chỉ đạo theo hướng có lợi nhất cho ta trên bàn đàm phán.

Để bảo đảm cho thành công của các cuộc gặp gỡ, đàm phán của đoàn ta, Lê Đức Thọ rất quan tâm đến việc cung cấp thông tin, nhất là những thông tin tình báo. Ông yêu cầu các cán bộ trong đoàn phải nghiên cứu, nắm kỹ tình hình diễn biến chính trị nội bộ của Mỹ, những động tĩnh hay thay đổi về chính sách, quan điểm của Chính phủ Mỹ liên quan đến chiến tranh ở Đông Dương. Bộ phận quân sự trong đoàn được giao trách nhiệm liên hệ thường xuyên với Bộ Tổng Tham mưu để nắm chắc tình hình trên chiến trường. Đối với các nhà báo trong đoàn, ông chỉ thị phải coi nhiệm vụ chính ở Paris là tiếp xúc các nhà báo quốc tế để thu thập, khai thác tin tức, tình hình. Nhờ có được những thông tin đầy đủ, kịp thời, giúp cho việc phân tích đánh giá đúng tình hình của ta và phía Mỹ, mà những vấn đề chúng ta đưa ra có sức thuyết phục, có được lợi thế trên bàn đàm phán. Chính H. Kissinger cũng phải thừa nhận: “Hiệp đầu đàm phán với Lê Đức Thọ thất bại vì ngoại giao bao giờ cũng phản ánh một so sánh lực lượng nào đó và Lê Đức Thọ không lầm lắm đâu. Ông ta đánh giá đúng dư luận công chúng ở Hoa Kỳ - và đặc biệt là thái độ các tổ chức lãnh đạo mà ông đã xác minh được. Những vấn đề do Việt Nam hóa đặt ra là có thật. Tình trạng thiếu kỷ luật trong chính quyền Mỹ bộc lộ những bất đồng tư tưởng chia rẽ hành pháp. Trong những hoàn cảnh như thế, Lê Đức Thọ không có lý do gì để thay đổi yêu cầu rút quân Mỹ không điều kiện và đánh đổ Chính phủ Sài Gòn”.

Lê Đức Thọ là người rất kiên trì, thận trọng khi đưa ra các ý kiến, rất khéo léo, mềm mỏng trong khi phát biểu trên bàn hội nghị. Tuy nhiên khi cần thiết, ông cũng rất cứng rắn, phản ứng quyết liệt, không bao giờ chịu nhường bước đối phương trước những yêu cầu có tính nguyên tắc của Đảng, Nhà nước ta. Đã có lần, khi H. Kissinger ngoan cố đòi thảo luận lại các nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận về chính trị nội bộ miền Nam, Lê Đức Thọ đã trả lời không thể rắn hơn: “Các ông có muốn đàm phán nữa không? Nếu ông Cố vấn muốn thôi thì chúng tôi cũng thôi, mà muốn bàn nữa thì chúng tôi bàn, mà bàn thì phải có đi có lại”. Khi H. Kissinger hỏi lại có phải “Ông Cố vấn đưa ra một tối hậu thư?”, Lê Đức Thọ đập bàn, dằn giọng: “Về chương IV thì đúng như thế. Mấy chữ chúng tôi nói không thể nào thay đổi: ba thành phần, hội đồng các cấp, tên hội đồng. Ba điều đó chúng tôi không nhân nhượng!”. 

Bằng bản lĩnh của một người chiến sỹ cách mạng trung kiên đã từng vào sinh ra tử trong đấu tranh, bằng tài năng của một nhà lãnh đạo thấu hiểu sâu sắc nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bằng một tình yêu vô bờ bến với đồng chí, đồng bào và Tổ quốc, bằng niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do và sức mạnh quật cường của dân tộc, Lê Đức Thọ đã vững tay chèo lái cuộc Hòa đàm ở Paris đi đến thành công. 

*

*          *

Trong hồi ức của mình về “Anh Sáu Thọ - một chiến sỹ cộng sản nhiệt thành, một nhà lãnh đạo tài năng”, Võ Văn Kiệt nhận xét: “anh Sáu Thọ trước sau vẫn là người được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao phó những trọng trách đặc biệt... Anh Sáu Thọ quả là một trong những nhà lãnh đạo có công đầu góp phần rất quan trọng vào việc lập nên những kỳ tích cả trên ba lĩnh vực: chính trị - quân sự - ngoại giao”. Chính tầm nhìn vượt trước đã là một trong những phẩm chất không thể thiếu để tạo thành tài năng, cơ sở góp phần làm nên những “kỳ tích” trên nhiều lĩnh vực của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ - một nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại./.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực