Lựa chọn lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực để tham mưu kiểm tra

Thứ tư, 28/12/2022 19:52
(ĐCSVN) – Đó là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương trong năm 2023.
 Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chiều 28/12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng toàn thể cán bộ, đảng viên trong Ban.

Báo cáo tại Hội nghị và ý kiến thảo luận của các đơn vị cho biết, năm 2022 khối lượng công việc của Ban Nội chính có nội dung rất mới, rất lớn, rất khó, rất nhạy cảm, nhưng đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ theo Kế hoạch đề ra; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao; vị thế, uy tín của Ban được củng cố và nâng cao.

Ban đã tập trung, khẩn trương, hoàn thành 06 Đề án lớn trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; đồng thời nghiên cứu xây dựng 14 đề tài, đề án khoa học cấp Ban Đảng. Đặc biệt là Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; Đề án quy định khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc khối các cơ quan nội chính…

Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của 02 Ban Chỉ đạo (BCĐTW về PCTN, tiêu cực và BCĐ cải cách tư pháp Trung ương). Tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương tham mưu ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc khẩn trương thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần đẩy mạnh công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Tham mưu ban hành Hướng dẫn về công tác phòng, chống tiêu cực; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của BCĐ; Tham mưu, triển khai 08 Đoàn kiểm tra của BCĐ về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản.

Hình ảnh tại Hội nghị. 

Công tác theo dõi, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều cố gắng; chủ động, nhạy bén, quyết liệt, hiệu quả hơn. Kết quả nổi bật là đã tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt hơn cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của Thường trực Ban Chỉ đạo. (Theo thống kê, trong năm nay các cơ quan chức năng đã chuyển 696 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Năm qua, Ban đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, tham mưu chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, vừa đảm bảo sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giám định, định giá tài sản, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành 78 kết luận giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ban Nội chính cũng đã tham mưu chỉ đạo kiểm tra, thanh tra một số lĩnh vực chuyên môn sâu, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực. Chủ động, kịp thời tham mưu đưa 10 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; quyết liệt, cụ thể hơn trong tham mưu về chủ trương, quan điểm xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, đảm bảo tiến độ xử lý theo đúng yêu cầu, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Quan tâm nhiều hơn trong tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan, sai, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án tại Long An, Đồng Nai, Cà Mau, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Thuận...

Cũng trong năm qua, Ban Nội chính Trung ương đã tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và hoạt động của ngành Nội chính Đảng. Nhất là, tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành Nội chính Đảng, tổ chức thành công 03 Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác Ngành Nội chính Đảng có quy mô lớn nhất từ khi tái lập Ban đến nay…

Đồng chí Phan Đình Trạc trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong năm 2022.

Nhất trí với những đánh giá về những hạn chế còn tồn tại, đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, tiến độ thực hiện một số công việc vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác xử lý đơn, thư còn nhiều hạn chế; hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình ở một số địa bàn chưa cao; có lúc, có việc chưa thực hiện tốt quy chế làm việc, quy định theo dõi địa bàn, chưa “đúng vai, thuộc bài”…

Triển khai nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu các vụ, đơn vị khẩn trương tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2023 của 02 Ban Chỉ đạo. Chuẩn bị tốt nội dung tài liệu, phục vụ chu đáo các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Chú ý lựa chọn lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực để tham mưu Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tiến hành kiểm tra chuyên đề chuyên sâu, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Đồng chí Phan Đình Trạc cũng yêu cầu cần bám sát tiến độ các vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo đúng yêu cầu, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Chú ý đôn đốc việc xử lý các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng chấn chỉnh và yêu cầu nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xử lý đơn, thư gửi Ban và Ban Chỉ đạo; kịp thời tham gia ý kiến về công tác cán bộ, “khắc phục cho được tình trạng trả lời chậm, trả lời không đúng mục đích, yêu cầu về công tác cán bộ. Lưu ý đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện đúng Quy định 194 trong việc trao đổi với Ban Nội chính Trung ương trước khi bổ nhiệm, điều động, luân chuyển lãnh đạo Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy” – đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ.

Về những nhiệm vụ trước mắt, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu cần chuẩn bị nội dung, tổ chức tốt Hội nghị tổng kết Ngành Nội chính Đảng năm 2023; Tập trung, khẩn trương chuẩn bị nội dung, tài liệu và tổ chức tốt Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương;

Khẩn trương tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan hoàn thiện, ban hành quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Hoàn thành biên soạn cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khẩn trương tiếp thu, ban hành chủ trương phân loại xử lý các đối tượng liên quan trong vụ án công ty Việt Á…/.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực