Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” - xây dựng chính quyền gần dân, sát dân

Thứ sáu, 07/06/2024 10:17
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Từ mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức trong việc đổi mới lề lối làm việc; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, chung tay xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân.
Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang (Ảnh: Đông Phước)

Tháng 6/2014, MTTQ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành tham mưu cấp uỷ ra mắt mô hình Tổ đối thoại với công dân “Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói”. Mô hình với phương châm cán bộ, công chức của xã chủ động xuống tận ấp để nghe dân nói, để bàn bạc, giải quyết các công việc được người dân phản ánh. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng. Đầu năm 2023, MTTQ xã tham mưu cấp ủy nâng cấp, nhân rộng mô hình “Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, do Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng, các tổ phó gồm phó bí thư thường trực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch MTTQ xã (tổ phó thường trực). Từ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, MTTQ xã đã thực hiện đa dạng hoá các hình thức nghe ý kiến Nhân dân trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, an ninh - quốc phòng, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chống tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Theo đó, mỗi thứ Sáu tuần cuối tháng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, cán bộ phụ trách các ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã xuống một ấp để đối thoại với dân. Tháng sau lại luân phiên ở một ấp khác, cứ thế trong năm sẽ đối thoại đủ hết các ấp trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, đại diện UBND xã báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế -xã hội của địa phương thời gian qua và phương hướng tháng tới. Sau đó, người dân đóng góp ý kiến cho cán bộ, công chức xã hoặc chất vấn về những vấn đề bức xúc trong ấp, trong xã. Trên thực tế, đó là những vấn đề có liên quan trực tiếp và mật thiết đến việc thực thi quyền làm chủ của người dân.

Tổ đối thoại với công dân sinh hoạt định kỳ hàng tháng 1 lần vào tuần cuối tháng chọn 01 ấp để tiến hành đối thoại với các hộ dân ở ấp. Khi cần thiết có thể sinh hoạt đột xuất hoặc sinh hoạt theo chuyên đề. Việc triệu tập sinh hoạt thường lệ hoặc họp bất thường do đồng chí Tổ trưởng hoặc tổ phó quyết định, 6 tháng tổ chức hội nghị sơ kết, cuối năm tổ chức tổng kết.

Các văn bản phục vụ cuộc họp của tổ được gửi đến các thành viên ít nhất trước 3 ngày để đảm bảo cuộc họp có chất lượng. Trong mỗi cuộc sinh hoạt, thư ký có trách nhiệm ghi biên bản đầy đủ và làm báo cáo gửi Thường trực Đảng uỷ, các cơ quan, ngành, đoàn thể có liên quan và thông báo lại cho các thành viên tổ.

Đồng chí Tổ trưởng hoặc Tổ phó chủ trì cuộc họp của tổ, các thành viên tổ có trách nhiệm tham gia sinh hoạt đầy đủ và tích cực đóng góp ý kiến, trường hợp vắng mặt phải có lý do, cần thông báo cho Tổ trưởng biết và cử đại diện có trách nhiệm đi họp thay.

Để mô hình đạt hiệu quả, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền cùng cấp kịp thời thực hiện tốt chức năng, quyền hạn theo Quyết định 217-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn.

Đến nay, xã Đông Phước A đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được 103 buổi đối thoại, có hơn 7.210 lượt nhân dân đại diện hộ tham dự, với 617 lượt phát biểu và ghi nhận, trả lời 1.851 ý kiến đóng góp của bà con nhân dân cho Tổ đối thoại. Các kiến nghị tập trung vào những vấn đề nội dung như sau: Giải quyết các thủ tục hành chính một cửa; chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo; lộ giao thông, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ nhà đối với người có công, cất nhà tình thương; nâng cấp xây dựng trạm nước sạch vệ sinh, môi trường; hỗ trợ vốn vay cải tạo vườn, chương trình hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh, môi trường... Các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân tại các cuộc tiếp xúc đã được giải quyết cơ bản thỏa đáng, được Nhân dân đồng tình cao

Từ việc triển khai thực hiện mô hình, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới lề lối làm việc, rèn luyện đạo đức, tác phong khi tiếp xúc với dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm để giải quyết kịp thời bức xúc của nhân dân theo thẩm quyền; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, để chung tay xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân.

Từ hiệu quả của mô hình, được biết, tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Công văn số 900 ngày 13/9/2023 đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến nay, nhiều địa phương đã học tập vận dụng mô hình có hiệu quả./.

Đức Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực