Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn…
Tới dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí: Thường trực, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư và nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước và nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương.
Các đồng chí đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... cùng các đồng chí lão thành Cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, công dân Thủ đô ưu tú; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội…
Ban Tổ chức cũng đón nhận lẵng hoa gửi tới Lễ kỷ niệm của các đồng chí: Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư; Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước.
Khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử to lớn trong các quyết sách của Trung ương
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu rõ: Theo chính sử nước ta, năm 1010, Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long, thể hiện mong muốn kinh thành của đất nước ta ngày càng mở rộng, phát triển như thế rồng bay. Do có nhiều lợi thế về: địa chính trị, địa kinh tế và địa phòng thủ nên kinh thành Thăng Long đã được nhiều triều đại nối tiếp nhau xây dựng và phát triển. Nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng cùng với sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và vị thế.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, sau lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong nhiều năm qua, trên con đường phát triển của mình, Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ ngành Trung ương, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Bí thư Hoàng Trung Hải khẳng định: Một trong những dấu ấn thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Trung ương và cả nước cho sự nghiệp phát triển Thủ đô trong thời kỳ đổi mới là ngày 28/1/2008, Trung ương đã có Kết luận số 19 và sau đó ngày 29/5/2008 Quốc hội khóa 12 đã thông qua Nghị quyết số 15 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Nghị quyết có hiệu lực chính thức từ ngày 1/8/2008.
Đồng chí Hoàng Trung Hải Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm. “Việc Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm sự kiện lịch sử trọng đại này là một dịp quan trọng không chỉ để cả hệ thống chính trị của Thành phố cùng nhau nghiêm túc tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn mà nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhân dân Thủ đô đã đạt được trên mọi mặt, khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử to lớn của các quyết sách chiến lược nói trên của Trung ương mà còn là cơ hội đánh giá cả những hạn chế, yếu kém, các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua, để từ đó có giải pháp khắc phục, hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp - hiện đại - văn minh” – Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ
Trong diễn văn kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Hệ thống y tế phát triển đồng bộ. Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. Chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hoá xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hoá đã được tổ chức UNESCO vinh danh.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được thường xuyên quan tâm, coi trọng, thực sự là khâu then chốt…
Với các thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng lần 3 vào năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014 và Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 10 năm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng còn những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại, cần phải được nhanh chóng khắc phục như: Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô; công tác giáo dục - đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn…
Để giải quyết tốt những vụ cấp thiết trước mắt và những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. “Con đường phía trước đang mở ra với cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi chúng ta phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, nỗ lực không ngừng vươn lên. Với truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương, của các tỉnh, thành bạn, của đồng chí, đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Vượt qua mọi khó khăn, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp
Cũng tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Duy Nhâm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ôn lại quá trình 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô với những khó khăn, thách thức cũng như thành tựu đã đạt được. Đồng chí tin tưởng với thế hệ lãnh đạo của Hà Nội hôm nay ngày càng năng động, trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo sẽ vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh hiện đại, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.
Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đại diện cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô bày tỏ những suy nghĩ, cảm tưởng của mình về những thành tựu văn hóa của Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Ông nhận thức sâu sắc rằng: Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra một vận hội mới cho Thủ đô, nâng diện tích Thủ đô lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên, điều quan trọng là đối với văn hóa và tâm linh con người thì Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” tự ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận.
Đại diện các tầng lớp nhân dân lao động Thủ đô, phát biểu tại buổi lễ, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho rằng, 10 năm qua Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội,... Có được những thành công của Hội Nông dân xã Thanh Xuân hôm nay, ngoài sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ, hội viên và nông dân, còn là thành công của chủ trương, nghị quyết, chính sách của các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở về chính sách tam nông.
Tiếp thêm sức mạnh làm nên nhiều kết quả và thành tựu trên chặng đường phát triển mới
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Đồng thời khẳng định, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua bao thăng trầm với nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển của mỗi giai đoạn. Trước yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước trong tình hình mới, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, đây là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô Thủ đô lớn nhất từ trước tới nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có thêm không gian quy hoạch phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20 - 30 năm mà còn dài hơn nữa. Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn… đem lại thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh những yếu tố, điều kiện thuận lợi, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà thực tiễn đặt ra,... Nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng hoàn thành một khối lượng công việc lớn để phát triển Thủ đô như ngày hôm nay…
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hà Nội cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp của thành phố; chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu..., củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững… Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm làm nên nhiều kết quả và thành tựu trên chặng đường phát triển mới, để xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thăng Long nghìn năm văn hiến ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng của cả nước.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội sau 10 năm hợp nhất, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội./.