Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về quyền con người

Thứ tư, 19/10/2022 17:15
(ĐCSVN) - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần tăng cường tuyên truyền về giáo dục quyền con người ở trong nước và cả ở nước ngoài; làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về quyền con người, giáo dục quyền con người ở nước ta

Ngày 19/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện “Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục quyền con người, ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, với mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

leftcenterrightdel
Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg. 

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người là một nội dung xuyên suốt toàn bộ Nghị quyết; đồng thời, Việt Nam rất vinh dự và tự hào vừa trúng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ hai (2023 - 2025), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao tinh thần thẳng thắn của các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án và lãnh đạo các địa phương đối với những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân của những kết quả, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong thời gian vừa qua. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị 

Nhấn mạnh với mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học, trong khi thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều, các nội dung cần thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra còn khá lớn, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, Thường trực Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần quan tâm quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao; sớm có văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý về nội dung giáo dục quyền con người để các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân làm căn cứ tổ chức triển khai giáo dục về quyền con người; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đảm bảo các hoạt động được triển khai đầy đủ, toàn diện, đúng tiến độ và chất lượng, hiệu quả; các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục tăng cường tuyên truyền về kết quả thực hiện Đề án giáo dục quyền con người, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về giáo dục quyền con người ở trong nước và cả ở nước ngoài; làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về quyền con người, giáo dục quyền con người ở nước ta.

Việc quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt Quyết định 1309 và Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục quyền con người góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; hoàn thành trọng trách nhiệm vụ ủy viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực