Nâng cao chất lượng hội viên nông dân

Thứ tư, 12/12/2018 17:24
(ĐCSVN) – Để thực hiện tri thức hóa nông dân, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực để nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết nhu cầu thị trường để chuyển đổi cách thức làm ăn cho phù hợp.

Đó là khẳng định của các đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023.

Khắc phục tình trạng hội viên đông nhưng không mạnh

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Kiều Như Bổn tham luận tại Đại hội. Ảnh: HM

Phát biểu tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Kiều Như Bổn cho biết: Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các nghị quyết của Trung ương Hội, trong nhiệm kỳ qua, công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 402 chi hội được thành lập theo thôn, khu phố đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng.

Nhiều phương pháp, hình thức tập hợp nông dân vào Hội được triển khai thực hiện như: hình thành các chi, tổ, hội, nhóm sản xuất theo ngành nghề, tổ vay vốn tiết kiệm, tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ... đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, qua đó đã thu hút nông dân vào tổ chức Hội. Đến nay, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đã thành lập được 63 chi, tổ hội nghề nghiệp với 830 hội viên sinh hoạt theo Điều lệ Hội. Mô hình tổ hội theo nghề nghiệp được duy trì và phát triển mạnh gắn với xây dựng mô hình phát triển kinh tế từ quỹ hỗ trợ nông dân. Mỗi tổ hội có từ 10 - 30 hội viên cùng sản xuất một loại giống, cây, con hay cùng kinh doanh một lĩnh vực, ngành nghề…

Để khắc phục tình trạng số lượng hội viên đông nhưng chất lượng hội viên không mạnh, còn nhiều mặt hạn chế, có nhiều hội viên danh nghĩa, hoạt động Hội còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thấp hoặc không sinh hoạt. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng tổ chức sinh hoạt tại chi, tổ Hội Nông dân. 

Trong thời gian tới, trong bối cảnh tình hình chung của cả nước và địa phương trong tỉnh có nhiều thời cơ thuận lợi và những khó khăn thách thức đan xen đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm nhiệm vụ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Kiều Như Bổn, để thực hiện tri thức hóa nông dân, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực để nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết nhu cầu thị trường để chuyển đổi cách thức làm ăn cho phù hợp. 

Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đào tạo nông dân

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Đào Thị Lanh tham luận tại Đại hội. Ảnh: HM

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Đào Thị Lanh, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã có những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, từng đối tượng cụ thể, theo các hình thức như cử tuyển, khuyến khích tự đào tạo, đào tạo nâng cao; kết hợp lồng ghép các nội dung bồi dưỡng vào các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân…

Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân của tỉnh Bình Phước từng bước được nâng lên. Đến nay, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh có 31/31 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó có 06 thạc sỹ và 01 tiến sĩ; 29/31 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Cán bộ chuyên trách Hội cấp tỉnh và cấp huyện: 100% có trình độ đại học và trên đại học, cơ bản được đào tạo trình độ lý luận chính trị theo yêu cầu.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn cách mạng mới, các cấp Hội cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, trước hết là người đứng đầu về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng. 

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần hoàn chỉnh thêm các quy định, quy chế, khung chương trình, nội dung, phương pháp, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp ở từng cấp, từng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức thực hiện có kết quả; cần sớm có chương trình, kế hoạch đào tạo theo lộ trình để có được đội ngũ cán bộ, chuyên gia chuyên sâu, có khả năng tư vấn, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân phương pháp, kỹ năng sản xuất, kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt là hướng đến nền công nghệ 4.0.

Đồng chí Đào Thị Lanh cũng cho rằng: Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng do các giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học đảm nhiệm, cần dành thời lượng thỏa đáng để mời những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có kinh nghiệm để truyền đạt, tư vấn những vấn đề từ thực tiễn phong trào nông dân có liên quan đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Các cấp Hội cần quan tâm rèn luyện, đào tạo cán bộ qua thực tiễn phong trào, thông qua phong trào phát hiện những nhân tố nổi trội, phù hợp để có hướng đào tạo, rèn luyện, thử thách, có cơ chế quản lý và sử dụng lâu dài./.

Hoàng Mẫn (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực