Nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế

Thứ năm, 28/01/2021 16:36
(ĐCSVN) - Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

 

Đồng chí Trần Tuấn Anh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối

Trong tham luận “Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu” tại phiên thảo luận ngày 28/1 Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước thời gian qua cho thấy đã đạt được những kết quả rất quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta. Cụ thể, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp  của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với đó, tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước; chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan…

Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Để có thể tận dụng được thời cơ, giúp Việt Nam nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng đã xác định, đó là: “Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định”. Theo đó, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Các đại biểu tại phiên làm việc ngày 28/1. 

Trong đó, có 5 định hướng lớn cần tập trung thực hiện. Theo đó, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu...

Thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép...; coi trọng sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao chất lượng chuyển đổi công nghệ, tạo sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. Tập trung xem xét xây dựng các Luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực. Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường thu hút đầu tư để mở rộng sản xuất cho phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh diễn biến phức tạp từ tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới. Thực hiện có hiệu quả chủ trương, định hướng của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...) thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững và ít lợi thế dài hạn (như tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi...) để khu vực FDI có thể gắn kết chặt chẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và giá trị tạo ra trong nước./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực