Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Thứ ba, 01/11/2016 16:37
(ĐCSVN) - Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tiếp tục khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, với chế độ ta.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: HH).

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”[1],... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong những căn bệnh của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”.

Nhìn lại bài học sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX, cho chúng ta thấy: “Một trong những nguyên nhân sai lầm quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô là từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thông qua công cuộc cải tổ, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô mà đứng đầu là Tổng Bí thư Goóc-ba-chốp lúc đó đã loại dần những người cộng sản trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Không chỉ có thế, ông còn cho rằng, học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời”. Trong bài viết: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã” đăng trên Tạp chí Cộng sản từ năm 1992, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã nhận định:“Chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác - Lênin”. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lênin và Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết khóa XII ngày 27/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vén của cải của Nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của một bộ phận cán bộ, đảng viên không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, thiếu quyết tâm chỉ đạo còn diễn ra ở một số tổ chức Đảng, cấp ủy viên. Cho nên, giải pháp hàng đầu là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; chính là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đó phải đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, đã đến lúc, Đảng phải có các quy định nghiêm khắc với những đảng viên nhạt phai lý tưởng, suy giảm niềm tin, nói, viết trái với nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết khai trừ những đối tượng thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ra khỏi Đảng.

Tại hội nghị lần này, Trung ương tập trung trí tuệ, sức lực, phát huy cao nhất trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xác định rõ trách nhiệm của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương trong thảo luận, quyết nghị từng nội dung, vấn đề theo chương trình, kế hoạch đề ra. Kết quả của Hội nghị Trung ương lần này cho thấy quyết tâm rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề quan trọng, tạo điều kiện và động lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững; đặc biệt, tập trung xác định hệ thống các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng-nhiệm vụ cấp bách và không thể chậm trễ hiện nay.

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII một cách có hiệu quả, trước hết, cấp ủy từng cấp, trực tiếp là bí thư cấp ủy cần nắm vững những nội dung trọng tâm, cốt yếu được Trung ương thảo luận và quyết nghị tại hội nghị lần này, nhất là những điểm mới về biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã được Trung ương chỉ ra. Đó vừa là cơ sở, vừa là điều kiện để cấp ủy các cấp tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung và hệ thống giải pháp cơ bản của Hội nghị Trung ương để cấp ủy các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp và thiết thực.

Trước hết, tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Phải khẳng định đây là giải pháp không mới nhưng đó là giải pháp cơ bản luôn được Đảng ta nhấn mạnh suốt hơn 86 năm qua. Trong tình hình hiện nay, cần phải có những cách làm mới hơn, thiết thực hơn.

Những vụ việc gần đây, như vụ của Trịnh Xuân Thanh lộ ra nhiều vấn đề trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tại sao trong một tổ chức Đảng có người đứng đầu luôn mẫu mực, đi chiếc xe ô tô không thuộc hạng sang và không cần mua sắm xe mới thì một cán bộ cấp tỉnh lại chạy siêu xe tư nhân gắn biển xanh mà đồng chí, đồng đội xung quanh không thấy phản cảm, không phê phán, đấu tranh? Ngoài kẽ hở về quản lý kê khai tài sản thì dường như trong Đảng ta, trực tiếp từ cấp chi bộ lâu nay dường như đã buông lỏng, xem nhẹ giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu như những biểu hiện “lệch chuẩn”, những dấu hiệu bất thường về đạo đức, lối sống sớm được phát hiện, chấn chỉnh ngay từ chi bộ đảng, từ nơi đảng viên công tác, thì có lẽ sự tha hóa, trượt dài trên những vũng bùn tội lỗi sẽ được ngăn chặn.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong 10 nội dung xây dựng Đảng của Đại hội XII, nội dung “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” được nhấn mạnh, là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mới được đưa vào nghị quyết Đại hội XII, là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”. Giải pháp để thực hiện không dừng ở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát, phản biện của nhân dân.

Hai là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về thực hiện nguyên tắc lãnh đạo của Đảng để vận dụng thực hiện hiệu quả, không chệch hướng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cần gắn với việc đổi mới phong cách lãnh đạo; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ giữa tập thể với cá nhân; phát huy cao nhất bổn phận trước nhân dân, trước dân tộc, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân.  Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội, nhất là kỷ luật phát ngôn. Tập trung làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và kiểm điểm về đạo đức, lối sống; nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, trước khi kiểm điểm có những hình thức phù hợp để lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm, kể cả trong tập thể và cá nhân từng đảng viên. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ tư tưởng cơ hội, thực dụng, tình trạng thoái hóa biến chất trong Đảng, lối sống thực dụng trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, những hình ảnh xấu về người cán bộ cách mạng trong nhân dân, tác động tiêu cực đến sự đồng thuận về tư tưởng trong xã hội, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Ba là, tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng các thiết chế tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phát triển sản xuất, tổ chức đời sống, tham gia xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, biểu dương những tổ chức Đảng, những địa phương, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện chưa đúng, thiếu hiệu quả, hình thức cũng là điều cần được quan tâm, coi trọng trong triển khai thực hiện nghị quyết lần này. Giáo dục, quán triệt, tổ chức thực hiện gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát không chỉ là phương châm lãnh đạo của Đảng, mà còn là bài học giá trị giúp tạo dựng nên những thành công trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không có kiểm tra là không có lãnh đạo. 

Chủ động có các phương án ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc” để gây rối chính trị, xuyên tạc lịch sử, nói xấu các cán bộ lãnh đạo Đảng. Củng cố, mở rộng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên, thực sự phát huy vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là nơi phối hợp hành động của các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia với Đảng và Nhà nước thực hiện quyền dân chủ, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện giám sát của nhân dân đối với hoạt động, lối sống của cán bộ, đảng viên và các cơ quan nhà nước; giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Bốn là, tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm; làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Đảng ta chỉ rõ: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”[2]. Cụ thể cần tập trung vào mấy điểm sau:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải coi trọng, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, đổi mới hình thức giáo dục cho phù hợp. Nội dung giáo dục phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc.

2. Gắn xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải gương mẫu, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, nói đi đôi với làm, cũng chính là nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước khó khăn, thử thách, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

3. Cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, làm cho bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh toàn diện thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; nâng cao được hiệu lực quản lý của Nhà nước, thì sẽ được lòng dân. Đảng vì dân, dân tin ở Đảng, ra sức góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Đó là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.                                                       


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG. H. 2016, tr.18-19.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG-ST. H. 2016, tr. 211.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực