Nhìn lại kết quả Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ sáu, 04/12/2015 11:51
Bài 4: Công tác luân chuyển cán bộ

Nhìn lại kết quả Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 (Bài 3)

Nhìn lại kết quả Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 (Bài 1)

Nhìn lại kết quả Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 (Bài 2)

(ĐCSVN) - Kết quả Đại hội đảng các cấp vừa qua cho thấy, công tác luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng. Sự chủ động trong tạo nguồn cán bộ chuẩn bị nhân sự đã từng bước khắc phục sự thiếu hụt cán bộ, góp phần vào thành công Đại hội đảng các cấp.

 

Thành ủy Hà Nội công bố các quyết định luân chuyển, điều động cán bộ năm 2012. Ảnh: HH

 Tình hình thực hiện luân chuyển cán bộ

 Luân chuyển cán bộ, xét về bản chất, cũng là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí và sắp xếp cán bộ có khoảng thời gian đủ dài để cọ xát thực tiễn. Luân chuyển là để giúp cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn. Việc luân chuyển cán bộ vừa giúp cán bộ có triển vọng được rèn luyện, trưởng thành, vừa tạo điều kiện để cán bộ tại chỗ phát triển.

 Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã tích cực triển khai công tác luân chuyển, góp phần đào tạo, thử thách cán bộ qua thực tiễn và tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát hơn.

 Theo Ban Tổ chức Trung ương, rút kinh nghiệm các khóa trước, công tác luân chuyển nhiệm kỳ này được chuẩn bị khá sớm cùng với công tác quy hoạch được xây dựng và lập kế hoạch cụ thể trên cơ sở đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; xác định nhu cầu đào tạo cán bộ ở cả nơi đến và nơi đi; làm rõ mục đích luân chuyển và chức danh cần luân chuyển, không nhất thiết phải luân chuyển đến những nơi mà địa phương có nguồn cán bộ phù hợp và cũng tương tự như vậy, không khiên cưỡng đưa đi luân chuyển những trường hợp cán bộ mà các cơ quan hữu quan còn có ý kiến khác nhau.

 Điểm khác biệt đáng lưu ý trong công tác luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ này là luân chuyển bắt buộc phải dựa trên quy hoạch và luân chuyển gắn chặt chẽ với đào tạo dự nguồn, nhất là đối với các đồng chí quy hoạch cấp chiến lược. Trên thực tế, đã thực hiện được một đợt luân chuyển 54 đồng chí quy hoạch cấp chiến lược từ các cơ quan trung ương về địa phương.

 Theo đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương: “Đây là các đồng chí có tín nhiệm được luân chuyển với mục đích trước hết là rèn luyện thử thách..."

 Hầu hết các đồng chí này đã phát huy được năng lực, sở trường công tác, đa số trúng cử cấp ủy, tham gia ban thường vụ và lãnh đạo chủ chốt của các địa phương. Đặc biệt, có 6 đồng chí luân chuyển thuộc diện Trung ương quản lý đắc cử Bí thư Tỉnh ủy, chức danh cao hơn chức danh trước khi luân chuyển. Nhiều đồng chí đã được địa phương giới thiệu tham gia ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với số phiếu khá cao. Đây cũng là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện tính thực chất và có hiệu quả của công tác luân chuyển cán bộ trong điều kiện mới.

 Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, hầu hết các đồng chí luân chuyển đều có cơ hội trưởng thành. Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ trước đại hội các cấp vừa qua cũng cho thấy, vẫn còn cán bộ không đạt kết quả như mong muốn. Đây là bài học quan trọng cho kỳ luân chuyển tới.

 Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Luân chuyển cán bộ chính là đào tạo cán bộ mà Trung ương đã thực hiện nhiều năm nay…Theo đó, nhiệm kỳ vừa qua, từ cơ sở đến trung ương đã thực hiện tốt chủ trương này. Đây là môi trường mà hàng vạn cán bộ các cấp, hầu hết các đồng chí có cơ hội trưởng thành và qua đại hội vừa rồi là bước thử nghiệm quan trọng. Công tác luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng chưa có tổng kết đánh giá một cách đầy đủ về thành tựu và rút ra bài học.

 Là địa phương luôn chú trọng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, trong 5 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã luân chuyển, điều động 145 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ. Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, bây giờ đi luân chuyển không còn là nghĩa vụ nữa mà đã trở thành quyền lợi. Rất nhiều cán bộ mong muốn được luân chuyển. Nhiều cán bộ sau khi luân chuyển đã không muốn quay về nơi làm cũ nữa vì thấy công việc mới hợp với mình hơn, cống hiến được nhiều hơn. Đây cũng là cơ sở để chuẩn bị tốt nhân sự cho cấp ủy khóa mới. Tại Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội, những đồng chí mới tham gia cấp ủy lần đầu đều nằm trong quy hoạch. Nhiều cấp ủy xây dựng số dư nhân sự đưa ra bầu tới 20%. Tỷ lệ cán bộ đổi mới (tham gia lần đầu) đều đạt trên 30%, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 17% vượt so quy định của Trung ương (15%), thậm chí có quận, huyện đạt 30-40% cán bộ nữ như: quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân, quận Hà Đông. Rõ ràng, cán bộ luân chuyển đã được khẳng định và cấp ủy địa phương ghi nhận nên tỷ lệ trúng cử mới được cao như vậy.

 Là cán bộ được Thành uỷ Hải Phòng luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Kiến Thuỵ, đồng chí Lê Văn Quý - Thành uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Kiến Thuỵ cho biết: Luân chuyển chính là khâu đột phá trong công tác đào tạo cán bộ. Được rèn luyện ở cơ sở một huyện thuần nông, khó khăn nhất của Hải Phòng buộc bản thân mình phải tư duy, hành động, không hành động không phát triển được. Kết quả Đại hội Đảng bộ huyện, đồng chí được tín nhiệm bầu đạt 98% số phiếu vào Ban Chấp hành đảng bộ huyện. Đại hội Đảng bộ thành phố, đồng chí được tín nhiệm bầu đạt 86% số phiếu vào Ban Chấp hành đảng bộ Thành phố. “Từ ngày được luân chuyển về huyện, tôi đã trưởng thành rất nhiều. Từ chỗ chỉ làm công tác Ngoại vụ, nay phải chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng trong huyện nên buộc mình phải tìm hiểu, học hỏi và phải quyết liệt triển khai trong thực tiễn”  - đồng chí Lê Văn Quý chia sẻ.

 Vẫn còn tồn tại một số hạn chế

 Theo đồng chí Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, công tác luân chuyển vẫn còn bộc một số hạn chế như: Có một số đồng chí đi do có động cơ này hay động cơ khác, cán bộ luân chuyển đến cơ quan, địa phương chưa tương thích với công việc chuyên môn. Bản thân người cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cấp trên quyết định điều động cán bộ “cử”, địa phương bầu cử “bầu” cho nên vẫn còn có cán bộ luân chuyển không trúng cử vào bí thư, cấp uỷ bởi tâm lý địa phương cục bộ khép kín, có hiện tượng không bầu cho cán bộ luân chuyển. Có trường hợp cán bộ ngại đi luân chuyển, nhất là đi rèn luyện xa gia đình và miền núi khó khăn.

 “Luân chuyển đạt hiệu quả là phải chống được khuynh hướng: Chạy để được đi luân chuyển sau 3 đến 4 năm lên chức. Bố trí luân chuyển không theo qui hoạch; không khách quan, công khai, minh bạch; luân chuyển hiệu quả phải chống được tiêu cực” -  đồng chí Lê Quang Thưởng nói.

 Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương, 80% cấp uỷ viên được hỏi khẳng định luân chuyển là chủ trương cần được thực hiện; 10% cán bộ địa phương không muốn có cán bộ luân chuyển đến vì họ cho rằng, sẽ ảnh hưởng đến tổ chức nhân sự tại địa phương; gần 50% không muốn có cán bộ nơi khác đến giữ chức danh chủ chốt, vị trí đó để cho người địa phương; gần 80% cán bộ đang luân chuyển muốn về trước thời hạn.

 

Phóng viên trao đổi với cán bộ luân chuyển -  đồng chí Lê Văn Quý (trái) 

Thành uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: HH

 Đồng chí Bùi Mạnh Cường – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hoà Bình cho rằng: “Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống, tạo bức tranh rõ nét ở địa phương, 11 huyện, thành phố đã có cán bộ luân chuyển, tâm lý được đi luân chuyển khá phấn khởi. Hầu hết cán bộ luân chuyển đều trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có cán bộ không đáp ứng được yêu cầu như: Bầu bí thư nhưng không trúng cử vào ban chấp hành, mặc dù trước đại hội được chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và là Bí thư huyện uỷ. Đây là bài học cần được rút kinh nghiệm cho luân chuyển cán bộ đợt sau”.

 Tại Đại hội của 68 Đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ vẫn còn 34 cán bộ có đủ tiêu chuẩn tái cử nhưng bầu không trúng; bầu Ban Thường vụ so với đề án nhân sự ban đầu còn thiếu 39 do không bầu để bổ sung hoặc không trúng cử do tín nhiệm thấp.

 Giải pháp chủ yếu công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian tới

Theo Ban Tổ chức Trung ương, bên cạnh những định hướng, giải pháp và giải pháp lớn, cấp ủy các cấp cần phải thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ, nắm vững thực trạng công tác luân chuyển cán bộ để có sự phân tích, đánh giá chính xác những kết quả và hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Xác định rõ lộ trình đào tạo, luân chuyển cán bộ theo quy hoạch; ưu tiên xem xét, lựa chọn nguồn đưa vào quy hoạch và chú trọng luân chuyển đối với cán bộ, công chức trẻ tuổi, ưu tú, có triển vọng phát triển về năng lực lãnh đạo, quản lý. Tiến hành nhận xét, đánh giá, động viên làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ luân chuyển. Cân nhắc, bố trí nhiệm vụ mới cho cán bộ sau khi kết thúc việc luân chuyển; xác định rõ thời gian luân chuyển theo từng đối tượng một cách hợp lý nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách khoa học hơn. Cần phải khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, khép kín, công khai, minh bạch, chống các biểu hiện tiêu cực./.

Văn Minh - Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực