Nhớ về câu chuyện ông Vương Chí Sình trở thành đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên

Thứ năm, 07/01/2016 20:49
(ĐCSVN) – Nhân 70 năm Quốc hội Việt Nam, từ vùng cao cực bắc Cao nguyên đá - Đồng Văn (Hà Giang) của Tổ quốc nhớ về câu chuyện ông Vương Chí Sình là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên.


Vương Chí Sình (1886 - 1962), Đại biểu Quốc hội khóa I và II.

Người con của Cao nguyên đá

Trong chuyến trở lại Dinh thự nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã gợi cho tôi nhớ về một câu chuyện ông “Vua Mèo” một thời đầy biến động.

Vương Chí Sình (tên thật là Vàng Seo Lử, được Bác Hồ đặt tên là Vương Chí Thành), sinh năm 1886 tại Sà Phìn, giữa cao nguyên đá Đồng Văn. Theo người dân nơi đây kể lại, Vương Chí Sình dáng người thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, được thừa hưởng đức tính cần cù, chịu khó của bố là cụ Vương Chính Đức. Thời đó, cuộc sống của người Mông còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu sinh sống trên núi đá, nương ngô và cây anh túc chênh vênh bên sườn núi, mọi giao thương gần như không có. Trước cách mạng, từ thị xã Hà Giang lên thị trấn Đồng Văn dài khoảng 120 km nhưng chỉ có đường đi ngựa. 

Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cháu nội của Vương Chí Sình cho biết: "Khi Nhật - Pháp xâm lược nước ta, định xâm chiếm vùng đất Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang, Vương Chí Sình lúc đó đã đứng lên tập hợp đồng bào dân tộc Mông trong vùng để chống lại Nhật – Pháp. Người dân địa phương khi đó đã tôn ông làm thủ lĩnh "vua" của vùng đất này chứ thực ra ông Vướng Chí Sình không xưng vua. Tên gọi “Vua Mèo” xuất phát từ sự tôn kính của người dân dành cho ông, chứ cuộc sống thường nhật của ông hiền lành, đức độ, giản dị, dễ gần”.


Lối dẫn vào Dinh thự  nhà Vương là hai hàng cây sa mộc đứng uy nghiêm, rắn chắc  như những người lính gác bảo vệ. ( Ảnh: Vân Ánh)

 

Chính sách đại đoàn kết toàn dân

Trước năm 1945, vùng Đồng Văn (Hà Giang) đầy biến động, tuy bị sức ép từ nhiều phía, các bên ép làm thân nhưng Vương Chí Sình muốn xây dựng Đồng Văn thành một Vương quốc tự trị của người Mông, không theo Pháp cũng không theo Quốc Dân Đảng. Vương Chí Sình cai quản vùng này như một lãnh chúa cát cứ nên người ta gọi ông là “Vua Mèo”. Các phe đối lập cũng không dám lật đổ ông, bởi chỉ có Vương Chí Sình mới quy phục được cư dân ở vùng này.

Thấy được vai trò của Vương Chí Sình trong việc giành chính quyền giải phóng một vùng rộng lớn (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), đại diện Mặt trận Việt Minh là đồng chí Mai Trung Lâm đã có cuộc gặp gỡ chính thức với Vương Chí Sình tại nhà riêng của ông. Sau khi nghe Mai Trung Lâm giải thích rõ chủ trương, đường lối, chính sách của cách mạng, vào tháng 11/1945 Vương Chí Sình đã quyết định về Hà Nội gặp Bác Hồ, mặc cho các thế lực phản cách mạng tìm mọi cách ngăn cản. Khi về đến Hà Nội, Vương Chí Sình đã gặp và nói chuyện với Bác Hồ nhiều lần. Qua tiếp xúc, Bác Hồ đã nhận biết được vai trò ảnh hưởng cũng như sức mạnh của Thổ ty Vương Chí Sình ở vùng biên cương rộng lớn có nhiều dân tộc ít người sinh sống, có tình hình phức tạp, nên Bác Hồ đã giao cho Vương Chí Sình làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Đồng Văn, đồng thời cử cán bộ cùng Vương Chí Sình quay trở lại Đồng Văn, mời thêm đại diện các dân tộc để thành lập chính quyền huyện Đồng Văn.

Ngày 06 tháng 01 năm 1946, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu cử đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với cuộc bầu cử này, nhân dân các dân tộc vùng biên cương cực bắc của Tổ quốc lần đầu tiên được thực hiện quyền dân chủ của mình, được tự tay bỏ lá phiếu bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, nhân dân các dân tộc Đồng Văn phấn khởi tự hào khi ông Vương Chí Sình - người con của dân tộc mình được bầu là đại biểu tỉnh Hà Giang trong Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Vinh dự, tự hào và đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà nhân dân giao cho Vương Chí Sình giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc, góp phần quan trọng vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Như vậy, ở Đồng Văn chưa có việc cướp chính quyền như các nơi khác mà ta tạm thời thừa nhận thực tế chính quyền của Thổ ty và biến nó thành “Uỷ ban Hành chính” để từng bước cải tạo. Quá trình biến đổi cách mạng của Đồng Văn trong những năm sau cách mạng tháng Tám (1945) thật là khó khăn nhưng cuối cùng đã thành công.

Năm 1960 bầu cử Quốc hội khoá II, ông Vương Chí Sình vẫn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang đề cử và ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá II của tỉnh Hà Giang. Trước khi về hưu, Vương Chí Sình còn giữ chức Chủ tịch huyện Đồng Văn.

 

Dinh thự nhà Vương có tuổi đời gần 100 năm do Vương Chính Đức thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây dựng trong 9 năm, diện tích gần 3.000 m2, bắt đầu được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành vào năm 1928. Dinh thự có 3 cung là Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Dinh thự có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Kinh phí xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ VND. Năm 1993, dinh thự nhà Vương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia 

 

Văn Minh

------------------------------

Viết theo tài liệu

1. Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Văn (1944 – 1975) Tập I, xuất bản năm 2004;

2. Hà Giang 110 năm đổi mới và phát triển, Nxb. Chính trị Quốc gia , năm 2010.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực