1. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Đại hội Đảng cấp tỉnh đã đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ trong nửa đầu nhiệm kỳ, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nửa nhiệm kỳ còn lại.
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; chỉ đạo tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trung ương đã kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo quy định.
2. Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị
|
Đảng đoàn Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 61 chức danh. |
Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Theo quy định trên, lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ; cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Việc ban hành Quy định 96 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi," "tự sửa," tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo quy định này và các văn bản liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Điều này là động lực để người được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa”, phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm để tiếp tục hoàn thiện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao phó.
3. Thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng
Tại Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 08/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết nghị thông qua nội dung cơ bản một số văn kiện, trong đó có việc quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban Văn kiện và tiểu ban Nhân sự.
4. Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam
|
Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 01 - 03/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với 1.095 đại biểu chính thức. |
Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 01 - 03/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với 1.095 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII gồm 168 ủy viên. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII Nguyễn Đình Khang tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII.
Đại hội xác định 03 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ: Cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.
5. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
|
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII diễn ra từ ngày 25 đến 27/12. |
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 25 đến 27/12 với sự tham dự của 995 đại biểu, là những cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân trong cả nước.
Đại hội đã đề ra 5 mục tiêu chung, 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ 2023 -2028. Cùng với đó, các đại biểu nông dân đã biểu quyết thông qua 17 chỉ tiêu chủ yếu để làm cơ sở phấn đấu và đánh giá hiệu quả hoạt động của nhiệm kỳ mới…
Đại hội Hội Nông dân toàn quốc quyết định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VIII (nhiệm kỳ 2023 – 2028) là 119 ủy viên; tại Đại hội đã bầu 111 ủy viên (khuyết 8 ủy viên sẽ kiện toàn sau đại hội). Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ nhất đã họp ngày 26/12/2023, bầu 18 ủy viên Thường vụ, (khuyết 3 ủy viên sẽ bổ sung sau); bầu Chủ tịch, và 4 Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII (khuyết 1 Phó Chủ tịch sẽ bầu bổ sung sau); Hội nghị đã bầu Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Hội gồm 11 ủy viên.
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VIII với 100% số phiếu. Cùng với đó, 4 Phó Chủ tịch tái đắc cử: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định.
6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội Sinh viên Việt Nam
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội Sinh viên Việt Nam diễn ra từ 18-20/12. |
Gần 700 đại biểu đại diện cho 1,7 triệu hội viên, 2,1 triệu sinh viên trong và ngoài nước đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội Sinh viên Việt Nam diễn ra từ 18-20/12.
Với tinh thần “Sinh viên Việt Nam Vững bản sắc - Giàu khát vọng - Kiến tạo tương lai - Dựng xây đất nước”, Đại hội thống nhất tiếp tục triển khai 01 phong trào, 02 chương trình, gồm: phong trào “Sinh viên 5 tốt”, chương trình Tư vấn, hỗ trợ sinh viên và chương trình Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị; 03 đề án: Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên, Đề án Chuyển đổi số các hoạt động Hội Sinh viên Việt Nam, Đề án Nâng cao năng lực cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam.
Đại hội cũng đã tiến hành hiệp thương bầu Ban Chấp hành gồm 103 ủy viên. Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khoá X Nguyễn Minh Triết tiếp tục giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khoá XI.
7. Đối ngoại của Đảng mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”
|
Hình ảnh tại Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. |
Trên cơ sở chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được đề ra tại Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã cụ thể hóa vai trò của mỗi trụ cột. Trong đó, đối ngoại đảng đóng vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược chủ trương, đường lối đối ngoại; phát triển quan hệ tốt đẹp với các chính đảng, góp phần xây dựng, củng cố nền tảng chính trị, tạo thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với các nước và các đối tác.
Công tác đối ngoại đảng đã phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, đạt nhiều kết quả thực chất, góp phần tăng cường nền tảng chính trị cho quan hệ song phương với các nước, nâng cao vị thế của Đảng ta và đất nước ta trên trường quốc tế.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã tiến hành hơn 180 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương quan trọng, trong đó có gần 50 chuyến thăm và chủ trì đón gần 50 đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam và khoảng 90 hoạt động đối ngoại trực tiếp, trực tuyến khác, tham dự gần 30 hội nghị quốc tế trực tuyến. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp thực hiện gần 100 hoạt động đối ngoại, trong đó có những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng quan trọng và định hướng lâu dài trong quan hệ Việt Nam với các nước như: Chuyến thăm chính thức Trung Quốc (tháng 10/2022), đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam (tháng 9/2023), đón Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev…
8. Khởi tố mới 12 vụ án tham nhũng, tiêu cực
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo tháng 11/2023. |
Từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 01/2023 đến phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, cuối tháng 11/2023), Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo.
Từ sau Phiên họp 24 đến nay, đã khởi tố mới 03 vụ án/09 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án; kết luận điều tra 07 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 03 vụ án/21 bị can; truy tố 05 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 02 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc thẩm 05 vụ án/11 bị cáo.
Hoàn thành xét xử sơ thẩm 05 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: (1) Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; (2) Vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; (3) Vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; (4) Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn II); (5) Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và đơn vị có liên quan.
Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành 09 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Đến nay, đã hoàn thành 03 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 26 tổ chức đảng, 57 đảng viên, trong đó có 07 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
9. Kiểm tra và xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm
|
Hình ảnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra giám sát năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. |
Năm 2023, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 57.486 tổ chức đảng và 323.979 đảng viên; qua kiểm tra, kết luận có 55.717 tổ chức đảng, 317.183 đảng viên thực hiện tốt các nội dung kiểm tra; 1.769 tổ chức đảng và 6.796 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; đã thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng và 312 đảng viên… Đồng thời, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 355 tổ chức đảng và 2.388 đảng viên, có 729 cấp ủy viên; qua kiểm tra kết luận 213 tổ chức đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 87, đã thi hành kỷ luật 58 tổ chức đảng; có 1.814 đảng viên vi phạm, phải thi thành kỷ luật 1.287, đã thi hành kỷ luật 1.169 đảng viên.
UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.537 tổ chức đảng và 9.246 đảng viên; trong đó, có 5.187 cấp ủy viên các cấp (chiếm 56,1%); kết luận có 2.315 tổ chức đảng và 7.395 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 284 tổ chức đảng và 3.052 đảng viên. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 34.039 tổ chức đảng; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 16.635 tổ chức đảng. Kiểm tra tài chính đảng đối với 2.135 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách, sản xuất kinh doanh và kiểm tra 34.766 tổ chức đảng và 301.190 đảng viên về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí.
Về thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 423 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 18.130 đảng viên. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 183 tổ chức đảng và 6.302 đảng viên, có 1.975 cấp uỷ viên…/.