Những điểm mới của Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Tuyên giáo

Thứ hai, 30/03/2020 16:50
(ĐCSVN) - Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” vừa kết thúc tuần đầu tiên với sự tham gia nhiệt tình của thí sinh khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Nội dung Cuộc thi về những điểm mới của Cuộc thi

Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Nội dung Cuộc thi 

PV: Thưa đồng chí, Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh năm 2020 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước?

Đ/c Trần Doãn Tiến: Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; kỷ niệm năm tròn ngày sinh một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống các Ban của Đảng; các ngày lễ quốc tế; kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng…

Cùng với các hình thức tuyên truyền khác theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc, qua đó góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thông qua cuộc thi và các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng VCNET. Cuộc thi đã thu hút trên 3,2 triệu lượt người tham gia và hàng chục triệu người tìm hiểu tư liệu về lịch sử 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tiếp nối sự thành công đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch tổ chức và Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”. Cuộc thi nhằm tuyên truyền về lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020). Qua đó, nâng cao nhận thức và phát huy những kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Thông qua Cuộc thi góp phần tuyên truyền, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội; qua đó, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cuộc thi bắt đầu từ 10h, ngày 23/3/2020, kết thúc vào ngày 13/7/2020.

Hình ảnh tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi "Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”  

PV: Thưa đồng chí, Cuộc thi lần này có những điểm mới gì so với các cuộc thi trước về ngành Tuyên giáo?

Đ/c Trần Doãn TiếnTrước hết về nội dung, ngoài những vấn đề lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo của Đảng, cuộc thi lần này nhấn mạnh đến những kết quả công tác Tuyên giáo đã đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đất nước. Kiên định, lấy chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đường lối chính trị của Đảng đúng đắn phù hợp qui luật và xu thế thời đại. Giữ vững lập trường gia cấp, đấu tranh không khoan nhượng đối với các quan điểm sai trái, phản động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tham gia tổng kết lý luận thực tiễn của Đảng trong lĩnh vực Tuyên giáo và những bài học, kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác Tuyên giáo.

Điểm mới thứ hai là hình thức tổ chức thi: Trước kia cuộc thi được tổ chức theo lối truyền thống đó là thi viết, tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là khi chúng ta đang bước vào Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0) thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, trong các cuộc thi là hình thức mới và thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi tham gia. Qua kết quả cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam, cho thấy rõ hiệu quả của việc ứng dụng mạng VCNET khi tổ chức thi. Trước cuộc thi có 18.405 tài khoản sau cuộc thi hiện có hơn 700.000 tài khoản và tăng lên hằng tuần, hằng tháng. Tính ưu việt của thi trên mạng VCNET thao tác đơn giản nhanh, hiệu quả, minh bạch, chính xác, khách quan, thuận tiện; người tham gia chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính có đăng ký tài khoản VCNET là có thể thi ở mọi lúc mọi nơi. Người dự thi có thể thực hiện nhiều lượt thi trong 1 ngày, tuần thi.

Điểm mới thứ ba, đó là việc ra câu hỏi ngắn gọn dễ hiểu, đảm bảo kiến thức tổng hợp, để trả lời được chính xác câu hỏi đòi hỏi người tham gia phải tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, hiểu lắm nội dung về ngành Tuyên giáo. Chứng minh cho nhận định này tại cuộc thi về lịch sử 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hàng chục triệu người tìm hiểu tư liệu về Đảng. 

Điểm mới thứ tư: Do đây là cuộc thi về ngành Tuyên giáo nên cũng có nhiều nét đặc thù, đó là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ các nội dung về lịch sử, truyền thống, kinh nghiệm của ngành Tuyên giáo. Trên cơ sở kinh nghiệm, thực tiễn đó, có những kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo.

Đối tượng dự thi lần này chỉ có người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không có người nước ngoài như các cuộc thi khác. Yêu cầu về độ tuổi dự thi từ đủ 14 tuổi trở lên.

Thí sinh thực hiện phần thi tìm hiểu 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo 

PV: Thưa đồng chí, vậy người dự thi cần quan tâm nghiên cứu những nội dung trọng tâm nào để đạt kết quả thi tốt nhất?

Đ/c Trần Doãn Tiến: Ngành Tuyên giáo có bề dày truyền thống 90 năm cùng lịch sử đất nước, do đó, việc bố trí kết cấu bộ câu hỏi cũng yêu cầu thể hiện được tầm bao quát về những thành tựu chung đó. Như vậy, để đạt kết quả cao trong từng  tuần thi, người dự thi vừa phải tâm huyết nghiên cứu lịch sử để có phông kiến thức về ngành, vừa phải có kỹ năng, đọc tham khảo kỹ các tư liệu tham khảo hằng tuần mà Ban Tổ chức Cuộc thi đã gợi ý trên Báo điện tử ĐCSVN và mạng VCNet. Và quan trọng hơn lại phải có kỹ năng trả lời câu hỏi. Vì thế cũng xảy ra nghịch lý trong quá trình thi. Thực tế tuần qua, đúng là có chuyện một số người dự thi không trả lời đúng 1-2 câu trong10 câu hỏi thi, trong khi dự đoán số người trả lời đúng lại đúng. Nhưng ngược lại có những người lại trả lời đúng đủ 10 câu hỏi, song lại trả lời sai số người trả lời đúng. Trong đó, rất đáng tiếc là có những  câu hỏi dễ nhưng vẫn có những người trả lời sai. Vì vậy, để đạt kết quả thi tốt nhất, đoạt các giải thưởng của Ban Tổ chức Cuộc thi, người dự thi cần chú trọng quan  tâm các nội dung sau:

Một là, phần câu hỏi liên quan đến lịch sử thành lập Ngành, sẽ tập trung trọng tâm vào quá trình ra đời, xây dựng và phát triển và những mốc son ý nghĩa của Ngành.

Công tác Tuyên giáo là mặt trận tư tưởng, lý luận, văn hoá, khoa học, giáo dục hết sức quan trọng của Đảng. Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này phát hành đã tạo dư luận sâu rộng trong xã hội lúc đó. Kể từ 1/8/1930 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã diễn ra hàng trăm cuộc biểu tình của Nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc; ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của Nhân dân. Từ đó, ngày 01 tháng 8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Xuất phát từ ý nghĩa chính trị to lớn trên, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đã trình Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII và được Thường vụ Bộ Chính trị chuẩn y lấy ngày 01 tháng 8 hàng năm là Ngày Truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Đến năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hàng năm là Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Tuy nhiên, thực tế lịch sử ra đời của Ngành Tuyên giáo đã hình thành từ trước đó. Lịch sử đã chứng minh, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc được của Lênin đăng toàn văn trên báo ngày 16 và 17/7/1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ…

Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như đội ngũ những người làm công tác lý luận, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sĩ… Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Điển hình như: Ngày 20/12/1929, Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng ra Nghị quyết về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có vấn đề tuyên truyền.Nghị quyết đánh giá một cách ngắn gọn những thành tựu và hạn chế của công tác tuyên truyền, xuất bản báo chí của Đảng trong thời gian qua, lấy đó làm cơ sở cho việc tiến hành công tác tuyên truyền trong thời gian trước mắt. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị về công tác tuyên truyền, từ ngày 6 tháng 1 đến đầu tháng 2/1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc) Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Dự hội nghị có đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương (Đông Dương Cộng sản Đảng) và An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị thảo luận và tán thành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Về công tác tuyên truyền, về công tác báo chí….

Sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.

Như vậy, Ngày 1/8/1930 được coi là Ngày thành lập hay còn gọi là Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

Hai làphần câu hỏi về các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng về ngành Tuyên giáo sẽ tập trung tìm hiểu các các  nội dung trọng tâm các văn kiện quan trọng có tính chất chuyên đề của ngành Tuyên giáo nói riêng.

Điển hình như “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố năm 1943. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân. Trong bối cảnh “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” của xã hội Việt Nam lúc đó, thì sự xuất hiện của bản Đề cương văn hóa 1943 đã thức tỉnh, lôi cuốn và tập hợp đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung, giới trí thức và những người hoạt động văn hóa nói riêng tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa, sự áp bức về chính trị và sự bóc lột về kinh tế của chủ nghĩa thực dân.

Các thao tác đơn giản trên điện thoại chính là một phần thu hút thí sinh dự thi đông 

Thực tiễn cách mạng đã chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ chính là Đề cương về văn hóa Việt Nam. Từ gốc rễ đó, Đảng cộng sản Việt Nam trong những năm qua đã luôn kiên trì lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta theo ba nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, để từ đó phát triển và cụ thể hóa thành các tư tưởng về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tháng 7 năm1998), tư tưởng về “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người” (Nghị quyết số 33 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, năm 2014).

Cùng với đó, Đảng ta đã chỉ đạo tổng kết lý luận thực tiễn về công tác Tuyên giáo; ban hành nhiều nghị quyết về công tác Báo chí – Xuất bản; về Văn học nghệ thuật… Những chủ trương, đường lối đó là kim chỉ nam để tạo đà phát triển các lĩnh vực của ngành Tuyên giáo trong những năm qua.

Ba là, phần câu hỏi về những chỉ dẫn, di huấn về Ngành Tuyên giáo của các lãnh tụ và lãnh đạo Đảng sẽ tập trung tìm hiểu những lời dạy, phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ lịch sử.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng và là người đầu tiên nghiên cứu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, mở các lớp huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Trong suốt hành trình từ “người đi tìm đường” trở thành “người dẫn đường” cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?.

Người cũng khẳng định huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người cho rằng, công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng tiên phong phải đạt trình độ tiên phong: Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bên cạnh đó, giáo dục lý luận chính trị cần phải định hướng cho nhận thức tư tưởng, mục tiêu và con đường đi lên của các dân tộc. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng mới làm nổi cách mệnh tiên phong”… Và còn nhiều nhiều chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến lĩnh vực Tuyên giáo của Đảng.

Đồng chí Lê Duẩn từng nói: “Muốn làm tốt công tác tư tưởng phải nắm vững quy luật của tư tưởng. Vì sao? Vì tự nhiên có quy luật của tự nhiên, xã hội có quy luật riêng của xã hội, tư tưởng có quy luật riêng của tư tưởng, cho nên, khi làm cách mạng tư tưởng và văn hóa, phải nắm vững và vận dụng cho được những quy luật riêng của tư tưởng…”.

Đặc biệt, sẽ dành những câu hỏi tìm hiểu về vai trò của công  tác Tuyên giáo với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó, trọng tâm là tìm hiểu những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Bốn là, phần lớn câu hỏi sẽ tập trung vào vị trí, vai trò, thành tựu, kinh nghiệm, những điển hình, mô hình, cách làm sáng trong công tác tuyên giáo, trong học và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong Văn kiện Đại hội từ ngày thành lập tới nay đều nhấn mạnh đến vai trò của công tác tư tưởng, lý luận, công tác tuyên tuyên truyền, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Đại hội XII của Đảng đánh giá: Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Văn kiện Hội nghị lần thứ 11 khóa XII mới đây cũng có cùng nhận định như vậy, và còn nêu thêm: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nêu gương đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh nội dung: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đáng chú ý là trong ba nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Di chúc của Người.

Năm là, phần câu hỏi về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng sẽ là điểm nhấn được dành nhiều thời lượng trong các câu hỏi thi ở

  Kết quả tuần thi đầu tiên:

Đã có 41.488 người tham gia thi với 136.271 lượt dự thi, 14.835 người trả lời đúng cả 10 câu hỏi.

Người tham gia thi chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị; giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học; độ tuổi từ 25-55  chiếm trên 60%.

Các tỉnh có số người và lượt người dự thi đông nhất gồm: Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tp Hồ Chí Minh,  Hà Nội, Nghệ An, Bình Thuận, Lào Cai, Đồng Tháp, Bình Dương...                           

các tuần cuối.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nhằm bảo vệ đường lối, Cương lĩnh lãnh đạo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thời gian gần đây, nhất là khi chúng ta đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã đẩy mạnh tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, bằng mọi âm mưu, thủ đoạn. Do đó, cần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có các cơ quan trong ngành Tuyên giáo.

Nghị quyết 35-NQ/TW nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trọng tâm là tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

PV: Về cơ cấu, giá trị giải thưởng lần này có gì  mới thưa đồng chí?

Đ/c Trần Doãn TiếnCơ cấu, giá trị giải thưởng Cuộc thi trắc nghiệm hàng tuần như sau:

Mỗi tuần có 04 giải thưởng, bao gồm:01 giải Nhất: trị giá 4.000.000 đồng; 02 giải Nhì: mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng; 05 giải Ba: mỗi giải trị giá 1.500.000 đồng; 08 giải Khuyến khích: mỗi giải 1.000.000 đồng.

Kết quả thi trắc nghiệm hằng tuần sẽ được công bố, cập nhật ngay sau khi có kết quả thi tuần (chậm nhất là 12h00 thứ hai hằng tuần) trên mạng VCNET, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, các báo điện tử thuộc cơ quan báo chí phối hợp tổ chức Cuộc thi và các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ tặng Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi cho những người đoạt giải Nhất trong các cuộc thi tuần. Tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Ban Tuyên giáo tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương có số lượng người dự thi nhiều nhất. Tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích trong tổ chức Cuộc thi.Tùy tình hình thực tế, Ban Tổ chức, Ban Thư ký Cuộc thi có thể tổ chức 02 đợt trả thưởng cho những người đoạt giải trong các cuộc thi trắc nghiệm tuần (người đoạt giải không có điều kiện trực tiếp nhận giải, có thể nhận tiền thưởng qua bưu điện hoặc qua tài khoản cá nhân).

Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin” và Lễ Tổng kết Cuộc thi. Dự kiến vào cuối tháng 7 năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (01/8/1930 - 01/8/2020). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam; trực tuyến trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp sóng trên một số đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương.

PV: Xin cảm ơn đồng chí./.

 
Mời bạn đọc click vào đây tìm hiểu thêm nội dung liên quan
PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực