Ninh Giang (Hải Dương): Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV

Thứ sáu, 26/06/2020 09:05
(ĐCSVN) – Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ tạo động lực thúc đẩy để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Giang (Hải Dương) tiếp tục đoàn kết phấn đấu, xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV.
Diện mạo nông thôn mới huyện Ninh Giang đã có nhiều khởi sắc (Ảnh: Thành Chung). 

Là huyện thuần nông với phần lớn người dân vẫn làm nông nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Giang lần thứ XXIV đã tập trung xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện dựa trên những lợi thế sẵn có. Huyện ủy đã xây dựng 16 đề án, 4 dự án và công trình trọng điểm để thực hiện xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là kết quả triển khai thực hiện nghị quyết khá tích cực, các chỉ tiêu theo nghị quyết đại hội cơ bản đều đạt, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế phát triển, tăng trưởng khá và ổn định. Sản xuất nông nghiệp được quy hoạch và tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị cao. Sản xuất công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư tăng mạnh; hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét; an sinh, xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng - quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực…

Tổng giá trị sản xuất (theo giá thực tế) trong 5 năm 2016 - 2020  là 46.837 tỷ đồng, tăng 3,18 lần so với giai đoạn 2010 - 2015 và tăng 1,8 lần so với mục tiêu đại hội; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,2%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 18%/năm (mục tiêu tăng 5% trở lên).

Huyện Ninh Giang đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các địa phương đã đưa nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao được mở rộng; đã có một số mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao được hình thành. Hệ thống giao thông, thủy lợi tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bảo đảm tốt việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển. Đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 1.361,82 ha, sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 8.700 tấn/năm, tăng bình quân 7% /năm. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình về kinh tế trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 5 năm ước đạt 10.715 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 3,5%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 ước đạt 145,3 triệu đồng/ha, tăng 21,3 triệu đồng/ha so với năm 2015. 

Sản xuất công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư tăng mạnh. (Ảnh: Thành Chung) 

Phong trào xây dựng nông thôn mới được huyện tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã huy động được 1.056,17 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 505,57 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 119,4 tỷ đồng, vốn huy động xã hội hóa và các nguồn vốn khác 431,2 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2019, số tiêu chí trung bình toàn huyện đạt 18,5 tiêu chí/xã, tăng 4,8 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015. Đến năm 2020, 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định công tác xây dựng Đảng là khâu then chốt, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã có nhiều đổi mới phương thức lãnh đạo. Công tác xây dựng tổ chức đảng được cấp ủy các cấp chú trọng thực hiện, trọng tâm là việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Việc kiện toàn, củng cố tổ chức đảng được thực hiện đúng quy định. Đảng bộ đã chỉ đạo triển khai thực hiện cơ bản xong mô hình chi bộ có đông đảng viên và thôn, khu dân cư có nhiều chi bộ. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên được tiến hành nghiêm túc, hằng năm có từ 85- 90% tổ chức cơ sở (TCCS) đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có TCCS đảng yếu kém; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Công tác phát triển đảng viên mới được chú trọng làm tốt; công tác sàng lọc đảng viên được thực hiện thường xuyên; trong 5 năm kết nạp được 911 đảng viên, bình quân 182 đảng viên/năm (chỉ tiêu đại hội 180); đã sàng lọc, đưa ra khỏi đảng 140 đảng viên.

Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Đề án của Tỉnh ủy, của Huyện ủy về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020”; thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp, sáp nhập các thôn, khu dân cư; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp theo các nghị quyết của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy được thực hiện quyết liệt, đạt kết quả tích cực; kết quả đã sắp xếp, sáp nhập 18 thôn, khu dân cư thành 9 thôn, khu dân cư (giảm 9 thôn, khu dân cư); sắp xếp 14 đơn vị hành chính cấp xã, thành 6 đơn vị (giảm 8 đơn vị). Ninh Giang là địa phương có số xã được sáp nhập nhiều nhất tỉnh, với 6 xã mới được thành lập. Điều vui mừng là, kết quả đại hội cấp cơ sở đều bầu đủ số lượng và cơ cấu.

Công tác tổ chức cán bộ được quan tâm thực hiện đồng bộ ở các khâu, các bước theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đã tập trung xây dựng và rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cả cấp huyện và cơ sở; kiện toàn công tác cán bộ ở cả hai cấp huyện, xã bảo đảm kịp thời, đúng quy trình, quy định; nhận xét đánh giá, bố trí, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc.

Khu tượng đài Bác Hồ tại xã Hiệp Lực đón nhiều đoàn khách đến thăm quan hơn sau khi công trình cải tạo, nâng cấp đường vào khu được hoàn thành. (Ảnh: Thành Chung) 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thường xuyên quan tâm, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Chính sách đối với cán bộ được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công  tác bảo vệ chính trị nội bộ, việc thẩm định về tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác kết nạp đảng, công tác bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Thực hiện tốt Quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; trong nhiệm kỳ đã tổ chức 176 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. 

Hoạt động của Hội đồng nhân dân hai cấp huyện, xã có nhiều đổi mới, từng bước khẳng định được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Vai trò giám sát trong hoạt động của HĐND hai cấp ngày càng được nâng lên, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành pháp. Trong nhiệm kỳ, HĐND hai cấp huyện, xã đã tổ chức 743 cuộc giám sát trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và cải cách hành chính. Các kỳ họp của HĐND được đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung, công tác chuẩn bị, tổ chức và điều hành, công tác thẩm tra, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, công tác ra nghị quyết… Vai trò đại diện của đại biểu HĐND hai cấp được thực hiện tốt hơn.

Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân hai cấp huyện, xã đã quan tâm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, điều hành; có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Ninh Giang xác định tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát triển toàn diện, bền vững kinh tế, văn hóa - xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng, củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng huyện Ninh Giang phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Ninh Giang cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV./.

Phạm Văn Khảnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực