Nỗ lực vượt khó, vươn mình khẳng định vị trí Thủ đô

Thứ hai, 28/12/2020 19:25
(ĐCSVN) - Năm 2020, tăng trưởng GRDP của Hà Nội ước đạt 3,98%, tuy không đạt kế hoạch (7,5%) nhưng là mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô lập tức bắt tay ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch của năm 2021 đã đề ra.
Kinh tế Thủ đô phục hồi và tăng trưởng, GRDP quý IV năm 2020 tăng 5,77%, cả năm tăng 3,98%.

Đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2020, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, với tinh thần quán triệt chung, khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba, Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát, “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế với các kết quả quan trọng, toàn diện; trong đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Cụ thể, năm 2020, tăng trưởng GRDP của Hà Nội ước đạt 3,98%, tuy không đạt kế hoạch (7,5%) nhưng là mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Đáng chú ý, Hà Nội đã thúc đẩy và phục hồi mạnh mẽ trong quý IV với mức tăng 5,77%; quy mô nền kinh tế thành phố đã ở mức 44 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn vì hết quý II/2020, thành phố có khả năng hụt thu 57 - 58 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt 280,5 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019 - năm thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế thành phố quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố có thể đạt trên 340 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công thành phố cũng đạt 93% với quy mô 45.000 tỷ đồng trên địa bàn thành phố. Năm 2020, thành phố còn đạt được tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đến 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên tiếp tục dành cho đầu tư phát triển. Thành phố cũng giải quyết trên 180.600 việc làm, đạt 116% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3%.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì. Cung ứng hàng hóa được đảm bảo ổn định ngay cả dịp tết và hai đợt dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, ước trung bình cả năm tăng khoảng 2,73 - 2,79%. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tổng lượng khách ước đạt 8,65 triệu lượt khách, trong đó có 1,11 triệu lượt khách quốc tế.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019. Dự kiến thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước trên 26,4 nghìn, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên khoảng 303,6 nghìn doanh nghiệp.

Hà Nội đã thúc đẩy rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật chung và môi trường, xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc, tồn đọng kéo dài nhiều năm, tạo được chuyển biến tích cực trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2020, nhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố (Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên…) đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả. Các vấn đề dân sinh bức xúc, được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều năm: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; công trình 8B Lê Trực; Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn… đã được thành phố tập trung chỉ đạo, có kết quả cụ thể, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục triển khai tích cực, có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ huyện đạt NTM là 72,2%, xã NTM là 96,3%. Thành phố có 1.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tương đương 35,5% số sản phẩm OCOP trên cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, giáo dục được duy trì, thành phố đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII và các ngày lễ, kỷ niệm lớn. Đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều giải pháp tổng hợp để phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện. Đã hoàn thành 02 đợt hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 số tiền trên 600 tỷ đồng…

Khẩn trương bắt tay ngay vào triển khai các nhiệm vụ đã đề ra

Đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2020, Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Có thể nói, TP Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề thu hút đầu tư. Do vậy, khi đại dịch được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức nổi bật. Cụ thể, tại hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020, TP Hà Nội đã thu hút được 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là đóng góp hết sức tích cực vào quá trình thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của TP.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kiểm tra dự án tại Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn  

Nói về nhiệm vụ trong thu hút đầu thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP sẽ tập trung vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn TP; lập các danh mục để thu hút đầu tư cho các địa bàn, cho các lĩnh vực và các sản phẩm. Thành phố chọn lọc các dự án có sử dụng các công nghệ cao. Từ đó, ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút được các dự án đầu tư nói chung và đặc biệt nhất là các dự án đầu tư vào TP… Còn về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND TP sẽ tiếp tục có chỉ đạo cùng các sở, ngành, các quận, huyện đẩy mạnh các thủ tục về cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách, có chiến lược về xúc tiến đầu tư hỗ trợ nhà đầu tư từ vấn đề gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp cho đến tiếp cận các dự án đầu tư trên địa bàn TP, để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư.

Đề cập đến lĩnh vực thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho rằng, năm 2021 sẽ có những khó khăn kéo dài của năm 2020. Do đó, Cục Thuế Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND TP, Tổng cục Thuế. Trước hết là kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt, có dòng tiền thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

“Cơ quan thuế cùng các quận, huyện, thị xã bám sát nguồn thu, trong đó phối hợp hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn; tháo gỡ vướng mắc về mặt chính sách cho những doanh nghiệp có xu hướng phát triển. Qua dịch bệnh, có nhiều loại hình kinh doanh phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử. Qua đó cũng cho thấy có chính sách cần bổ sung để bảo đảm công tác quản lý cũng như hỗ trợ phát triển và để người nộp thuế hiểu về nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước. Cục Thuế cũng tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý thuế, triển khai đầy đủ, có hiệu quả, các giải pháp mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn cơ sở thuế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng điều kiện hoạt động của mình để có dòng tiền tiếp tục đóng góp ngân sách nhà nước” - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn nói.

Bám sát Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ, Hà Nội thực hiện chủ đề năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP 7,5% so với năm 2020; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt NTM…

Với khí thế phơi phới niềm tin sau thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội và thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Sở, ngành cùng toàn thể Nhân dân Thủ đô lập tức đã bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Và ngay những ngày đầu tháng 1/2021 tới đây, đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố sẽ họp với 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành toàn thành phố để triển khai các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội bằng chương trình hành động trên địa bàn thành phố…

Chúng ta hy vọng, với tinh thần đoàn kết, khí thế phấn đấu của cán bộ và Nhân dân Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn nữa, đạt và vượt được những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2021./.

Bài và ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực