Phải giám sát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn

Thứ bảy, 28/11/2020 19:08
(ĐCSVN) - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, phải tăng cường kiểm soát, giám sát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, phải được ràng buộc trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban
Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo .

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội thảo khoa học "Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020".

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển đất nước; luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức tổng kết thực tiễn.

GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, riêng trong 2 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, Trung ương đã tổ chức nhiều đợt tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng quy mô lớn. Nổi bật là Hội nghị tổng kết toàn quốc năm 2014, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) năm 2016… Qua các lần sơ kết, tổng kết, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được đúc kết, từ đó giúp Trung ương tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quan điểm, chủ trương, phương châm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra được những giải pháp thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị (năm 2013) đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức tổng kết từ cấp cơ sở đến Trung ương. Ban Nội chính Trung ương đã giúp Ban chỉ đạo xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết với các nội dung chính gồm: phần mở đầu; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; những vấn đề có tính lý luận rút ra và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, để nội dung của Báo cáo tổng kết đảm bảo khách quan, toàn diện, sâu sắc, đáp ứng được yêu cầu đề ra, Ban Chỉ đạo tổ chức Hội thảo khoa học để tranh thủ ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, là những người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập đến nay; đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của tình trạng tham nhũng trong thời gian qua.

Các đại biểu đã phân tích, đánh giá, rút ra những vấn đề mang tính lý luận và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp vừa có tính đột phá, vừa toàn diện, căn bản, lâu dài không chỉ cho nhiệm kỳ Đại hội 13 mà còn cho cả chặng đường dài cam go quyết liệt của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Hội thảo khoa học "Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020" 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, tham nhũng tồn tại ở hầu hết các quốc gia chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, phòng chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách lâu dài, phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp và phải thực hiện kiên quyết, kiên trì có trọng tâm, trọng điểm và không ngoại lệ.

Đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, phải gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Phải tăng cường kiểm soát, giám sát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Với yêu cầu mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, phải được ràng buộc trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng nhấn mạnh, qua thảo luận, một số ý kiến đã khẳng định, bổ sung, làm rõ hơn nữa kết quả, hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013 đến nay; làm rõ hơn tính hiệu quả của các giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam, phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam…

Đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết./.

Tin, ảnh: PC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực