Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Ninh Bình, thành phố ( TP ) Tam Điệp được xác định là đô thị công nghiệp với những thế mạnh trong phát triển công nghiệp, dịch vụ nhất là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu, du lịch và phát triển đô thị. Tam Điệp còn là đầu mối giao thông, cửa ngõ của vùng Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng.
Trung tâm thể thao TP Tam Điệp được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu người dân.( Ảnh: Minh Châu)
Hiện TP có 3.500 tổ chức kinh tế và hộ kinh doanh cá thể; khu công nghiệp nằm trên địa bàn đã thu hút trên 15 nghìn lao động làm việc với nhiều nhà máy lớn như nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là 1 trong 6 trung tâm chế biến rau quả xuất khẩu lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó là xi măng Tam Điệp, xi măng Hướng Dương, giày Audoza, may Phoenix, thép Kyoei…
Phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thời gian qua, kinh tế của TP tăng trưởng ở mức cao, bình quân trên 11%/năm, thu ngân sách trên địa bàn hơn 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, công tác quy hoạch, xây dựng đô thị được chú trọng đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, các công trình trọng điểm được triển khai đồng bộ… Đây chính là nền tảng để Tam Điệp được công nhận là đô thị loại III vào tháng 12/2012 và là TP trực thuộc tỉnh vào tháng 4/2015.
Tại Đại hội Đảng bộ TP khóa IX nhiệm kỳ 2015-2020, đã thống nhất “…tập trung các nguồn lực để xây dựng thành phố sớm trở thành đô thị loại II” nhằm xây dựng Tam Điệp phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Để mục tiêu ấy sớm thành hiện thực, Đảng bộ TP đã xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị. Phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở danh mục đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 nhằm chỉnh trang đô thị, TP sẽ bố trí vốn cho phù hợp theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có nhu cầu sử dụng cao và có khả năng hoàn thành sớm, không để nợ đọng xây dựng cơ bản; trong đó, tập trung xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng cho lĩnh vực giáo dục – y tế, các công trình giao thông thiết yếu và xây dựng nông thôn mới như xây dựng quảng trường và tượng đài Hoàng đế Quang Trung; đường Đồng Giao, đường du lịch ven hồ Yên Thắng; xây dựng tuyến đường vành đai cấp bách chống lũ quét khu vực thượng nguồn; xây dựng sân vận động trung tâm TP giai đoạn II; khu công viên nghĩa trang và đài hóa thân hoàn vũ…
Tam Điệp cũng xác định thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý cảnh quan đô thị, công tác quản lý quy hoạch xây dựng TP giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với chức năng và tính chất đô thị. Hằng năm, bố trí ngân sách cho công tác cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa, xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu, đồng thời xây dựng trên 40% tuyến phố trục chính đạt tuyến phố văn minh đô thị…
Khu đô thị mới được xây dựng trong lòng TP.( Ảnh: Minh Châu)
TP cũng ưu tiên để hoàn thành sớm các dự án thoát nước và xử lý nước thải, đảm bảo nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, phát huy hiệu quả hoạt động của nhà máy xử lý chất thải rắn, di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp không đảm bảo, ảnh hưởng đến môi trường tới các khu quy hoạch vùng ngoại thành…
TP cũng thực hiện rà soát, sắp xếp lại trụ sở các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo hướng tập trung, dành những khu đất trong quy hoạch có ưu thế về thương mại, dịch vụ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tăng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị…
Đáng chú ý, quan điểm của tập thể lãnh đạo TP Tam Điệp là khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tự cải thiện môi trường sống trong khu dân cư theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân tự nguyện hiến đất, Nhà nước đầu tư để xây dựng đường xá, hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng…
Với những giải pháp nêu trên, mục tiêu sớm đưa Tam Điệp trở thành đô thị loại II như Nghị quyết Đảng bộ TP đề ra chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực trong nhiệm kỳ, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.