Tọa đàm khoa học về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ tổ chức tại Nghệ An ngày 24/11/2017.
Ảnh: nghean.gov.vn
Là nhân vật chủ chốt nhất, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị không chỉ giữ vai trò quan trọng đối nội mà còn giữ vai trò đối ngoại nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với các cơ quan, đơn vị, các mối liên hệ trong cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu cấp ủy phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, tấm gương về phẩm chất, năng lực để đảng viên noi theo. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị theo nghị quyết của đảng bộ, chi bộ. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu rất lớn, có tác dụng quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cấp ủy cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, nguyên tắc tổ chức cũng như mọi chế độ sinh hoạt, hoạt động của Đảng đều dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, công tác cán bộ cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Trong công tác cán bộ, thực hiện nguyên tắc này bảo đảm cho chúng ta chống được tệ độc đoán, chuyên quyền của cá nhân, phát huy dân chủ, sức mạnh và trí tuệ của tập thể.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đánh giá: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược chưa được tập trung xây dựng”. Nguyên nhân của những yếu kém này không chỉ thuộc về cấp uỷ mà người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế rất ít trường hợp quy trách nhiệm này cho người đứng đầu.
Có người đứng đầu phạm phải chủ nghĩa cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, gia trưởng lấn át quyền của tập thể, tự ý quyết định công tác cán bộ, bắt tập thể phải phục tùng ý chí cá nhân. Hoặc do sự móc ngoặc, thoả thuận ngầm “có đi có lại” giữa người đứng đầu với các thành viên khác nên công tác cán bộ thường phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong thời gian gần đây, ở không ít địa phương, đơn vị người đứng đầu mắc phải một số biểu hiện cơ hội thực dụng, vụ lợi trong công tác cán bộ như: Chỉ vì địa vị, lợi ích các nhân mà không tuyển dụng những người có đủ đức, đủ tài kế cận, không quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng người có năng lực. Người đứng đầu không đủ dũng cảm để nghe những ý kiến trung thực, thẳng thắn, mà tìm cách cô lập, trù dập, đe doạ những người trái ngược ý kiến của mình trong công tác cán bộ. Coi chức quyền như một thứ để trục lợi, mua bán, tuyển chọn, đề bạt cán bộ theo ý mình. Dân chủ hình thức để hợp lý hóa các quyết định mang tính độc đoán, chuyên quyền phục vụ cho lợi ích cá nhân. Dùng quyền lực để tạo ê-kíp, đưa những người thân quen, họ hàng, cùng "vây cánh" vào các vị trí, chức vụ quan trọng. Nâng đỡ, "ô dù" cho cấp dưới, phe cánh và lo “chạy” cho bản thân, đồng thời cường điệu khiếm khuyết của người khác để vùi dập họ. Lợi dụng dân chủ, công khai phê bình và tự phê bình để chỉ trích, lôi kéo người ít hiểu biết, phục vụ mưu đồ cá nhân. Kéo bè, kéo cánh, cục bộ địa phương, gây mất đoàn kết để “đục nước béo cò”, tạo cơ hội gạt bỏ những người trung thực để tiếm quyền, lũng đoạn cơ quan, tổ chức. Tuy lạm quyền như vậy nhưng họ không bao giờ dám nhận trách nhiệm các nhân về công tác cán bộ mà luôn đổ lỗi cho những quyết định của tập thể(?!).
Bên cạnh những người đứng đầu lạm quyền thì lại có những người đứng đầu khi mới được bổ nhiệm, điều động về công tác chưa phát huy được vai trò của mình. Có người ngại va chạm, hoặc có những người không có đủ uy tín cần thiết. Trong khi đó, có những người không phải là người đứng đầu nhưng họ lại có “quyền lực mềm”, ảnh hưởng lớn nên họ có thể chi phối toàn bộ công tác cán bộ. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải khắc phục những khuynh hướng trên, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ ấy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng đặc biệt. Để người đứng đầu phát huy hết vai trò tích cực cũng như trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ, thiết nghĩ cần phải triển khai những biện pháp sau:
Trước hết, người đứng đầu phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ cũng như vai trò, trách nhiệm bản thân mình trong công tác quan trọng này, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện để có những phẩm chất, năng lực và uy tín cần thiết phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; tự mình phải chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định, chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Phải có khả năng thuyết phục, thu phục các thành viên khác ủng hộ các quan điểm của mình, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định trong công tác cán bộ.
Hai là, cần phân công, phân cấp mạnh hơn về công tác cán bộ, tạo điều kiện cho người đứng đầu có vai trò, quyền hạn và trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công tác cán bộ. Xây dựng các luật, văn bản quy phạm pháp luật về quyền và trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác cán bộ. Đặc biệt là quyền giới thiệu, tiến cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, đồng thời xác định rõ khi có cán bộ dưới quyền phạm sai lầm, khuyết điểm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.
Ba là, trong công tác cán bộ, người đứng đầu phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, qua đó giữ vững sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ trong công tác cán bộ; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn khi bổ nhiệm vào vị trí công tác. Đồng thời phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cơ quan tham mưu, cũng như của mọi người về cán bộ và công tác cán bộ. Tuân thủ nghiêm túc các quy định trong các khâu các bước của công tác cán bộ như tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ, không để những kẽ hở để cho những kẻ cơ hội lợi dụng để trục lợi. Bên cạnh đó, cần giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong cấp uỷ, Ban thường vụ.
Bốn là, cùng tập thể cấp uỷ xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Phát huy vai trò của cơ quan này trong viêc đề xuất, giải quyết những khâu yếu của công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong cấp uỷ, Ban Thường vụ. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện cơ hội, thực dụng trong công tác cán bộ.
Năm là, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ những người đứng đầu cả về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý, tổ chức thực tiễn. Việc sắp xếp, bổ nhiệm người đứng đầu được căn cứ vào trình độ đào tạo chuyên môn, vào năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của mỗi người. Tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ những người đứng đầu thực sự vững vàng, trong sáng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, là tấm gương tiêu biểu ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, nói đi đôi với làm, sự gương mẫu, kiên quyết của người đứng đầu chính là một yếu tố cơ bản, trực tiếp quyết định kết quả của công tác cán bộ.
Sáu là, cấp uỷ, người đứng đầu cấp trên cần thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp uỷ, người đứng đầu cấp dưới trong thực hiện công tác cán bộ.;tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cũng như kịp thời khắc phục những lệch lạc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.