Phát huy vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị

Thứ hai, 26/10/2020 18:22
(ĐCSVN) - Với chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam”, Hội nghị nhằm tập hợp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ công đoàn trong nghiên cứu, đề xuất, bổ sung vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Ngày 26/10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương khu vực miền Bắc vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. 

Nhằm tập hợp trí tuệ của đoàn viên, người lao động cả nước góp ý vào văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 64 yêu cầu các cấp Công đoàn tổ chức quán triệt, giới thiệu sâu rộng nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tích cực tham gia đóng góp ý kiến; tổng hợp, phản ánh đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời các nguyện vọng tâm huyết, xác đáng của người lao động. Góp ý văn kiện đại hội phải trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tiếng nói, vai trò của người lao động trong tham gia với Đảng về những vấn đề xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị

Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tổ chức thảo luận, góp ý vào những nhóm vấn đề cụ thể, quan trọng, liên quan trực tiếp đến xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn để nhận thức toàn diện, đóng góp thêm ý kiến đúc kết từ thực tiễn vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Được sự nhất trí của Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức 03 hội nghị góp ý gồm: Hội nghị cán bộ chủ chốt LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương khu vực phía Nam, phía Bắc và Hội nghị các ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên chủ tịch TLĐ, các nhà khoa học. 

Hội nghị hôm nay với chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam” nhằm nhận diện rõ những thời cơ, thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới; tập hợp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ công đoàn trong nghiên cứu, đề xuất, bổ sung vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị nước ta, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nói. 

Nêu ý kiến đầu tiên tại Hội nghị, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang Nguyễn Thị Như Huệ cho rằng sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được với yêu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế. Chất lượng đội ngũ công nhân có những bất cập. Tỉ lệ lao động qua đào tạo (có bằng hoặc chứng chỉ nghề từ 3 tháng trở lên) chỉ chiếm 22% lực lượng lao động. Tác phong, kỉ luật lao động của công nhân còn nhiều hạn chế, chậm thích nghi với cơ chế thị trường…

 Cán bộ chủ chốt LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương khu vực miền Bắc góp ý vào dự thảo văn kiện

Cùng với đó, đời sống của đội ngũ công nhân trong các thành phần kinh tế tuy có được cải thiện nhưng vấn đề bảo đảm việc làm của công nhân còn nhiều khó khăn, cường độ làm việc cao nhưng tiền lương, thu nhập chưa tương xứng. Công nhân, lao động phổ thông làm việc chỉ với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng thì không đủ sống nên phải làm thêm đủ thứ. Nhiều công nhân còn không có thời gian để quan tâm đến đời sống tinh thần, chính trị - xã hội. 

“Đảng, nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân thành cơ chế chính sách cụ thể, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, những đóng góp của giai cấp công nhân. Trước mắt cần giải quyết các vấn đề bức xúc như nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội…”, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Công đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, ngành dệt may đông lao động nhưng trình độ người lao động lại thấp, điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế, tiền lương, thu nhập chưa cao… Đảng cần tiếp tục chỉ đaọ việc xây dựng các chính sách về lao động, việc làm từ tiền lương tối thiểu đến các chính sách về nhà ở, khám chữa bệnh, các thiết chế cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Bắc đề cập, sắp tới, Công đoàn Việt Nam không phải là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, mà ở cấp cơ sở sẽ có thể xuất hiện tổ chức đại diện khác của người lao động. Nguồn lực cho Công đoàn hoạt động sẽ bị chia sẻ và giảm sút dẫn đến hệ lụy Công đoàn dễ xa rời công nhân lao động. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần có nhóm giải pháp về định hướng và quản lí sự ra đời của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, có nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn để thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ khi có tổ chức đại diện người lao động khác.

 Có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị

Phó chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu quan điểm, Công đoàn cần khẳng định vai trò, vị trí, ưu thế của mình trong tổ chức và hoạt động qua việc đổi mới ở các cấp Công đoàn theo hướng gọn nhẹ hơn về tổ chức và đơn giản hơn về các mối quan hệ giữa các cấp Công đoàn. Hiện nay đại bộ phận cán bộ Công đoàn cấp cơ sở là kiêm nhiệm, cán bộ Công đoàn cũng là người lao động, được chủ sử dụng lao động trả lương nên trong khi thực hiện nhiệm vụ nếu bảo vệ người lao động thì sẽ nhận những phản ứng tiêu cực từ phía chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân. Vì vậy cần tăng cường cán bộ Công đoàn cơ sở chuyên trách cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước và tạo cơ chế để bảo vệ cán bộ công đoàn không chuyên trách…

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, Đảng xác định giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt của Đảng; Đảng hình thành trên nền tảng giai cấp công nhân, giờ mở rộng ra là người lao động.

“Tổ chức Công đoàn gắn bó máu thịt với Đảng, do đó xây dựng Đảng phải xuất phát từ nền tảng xây dựng tổ chức công đoàn của người lao động. Bên cạnh đó, cần nhìn vào thực trạng giai cấp công nhân hiện nay để xác định công việc sắp tới phải làm, nhằm xây dựng một giai cấp công nhân tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Ban Tổ chức nhận được 37 tham luận góp ý về dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nhận thức sâu sắc của các đại biểu; làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nội dung của dự thảo văn kiện. Các ý kiến góp ý đều thống nhất đánh giá các dự thảo đã phản ánh khát vọng chung của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ CNVCLĐ; các dự thảo đã đánh giá khách quan, trung thực kết quả đạt được, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đặt ra các giải pháp khắc phục.

Các ý kiến đóng góp cũng liên quan trực tiếp đến chủ đề hội nghị, đó là vấn đề đổi mới tổ chức hoạt động, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn; nêu lên những thách thức tổ chức Công đoàn phải đối mặt trong thời gian tới…

Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời, sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị góp ý và tiếp nhận những ý kiến đóng góp về dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, sau đó sẽ có báo cáo với Ban Chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực