Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội

Thứ năm, 28/01/2021 18:12
(ĐCSVN) - Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi... ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương; không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng

5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Với tốc độ kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 5 năm đạt 10,7%. Quy mô nền kinh tế tăng lên rõ rệt, đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015.

Riêng trong năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng tốc độ tăng trưởng Quảng Ninh đạt 10,05%, đứng thứ ba cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 49.500 tỷ đồng. Nổi bật, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước...

Từ thực tiễn, đồng chí Nguyễn Xuân Ký khẳng định, những thành tựu đáng trân trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân, đó là thành quả của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh qua nhiều thế hệ.

Những thành tựu đó là kết quả của việc Quảng Ninh nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh làm căn cứ hoạch định chiến lược phát triển. Đó là việc nhận thức đầy đủ các khó khăn, mâu thuẫn, thách thức đan xen để lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển. Cùng với đó, lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư...

Đặc biệt, trong quá trình phát triển, với quan điểm “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã huy động được tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 đạt trên 123.000 tỷ đồng, trung bình cứ 01 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách. Trong cải cách hành chính, vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp theo nguyên tắc “5 tại chỗ”; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến 100% các xã, phường, thị trấn, xóa rào cản về khoảng cách, tăng hiệu quả tiếp cận thông tin, chỉ đạo, điều hành...

Đại biểu dự phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII tại hội trường, sáng 28/1 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đạt được những kết quả toàn diện, Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương; không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội, bằng hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo… Cụ thể, Quảng Ninh đã đưa điện lưới quốc gia, nước sạch đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống… Nổi bật, từ khi có điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô từ một huyện nghèo đã trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên của cả nước, đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo, GRDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD.

Trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, ưu tiên nguồn lực, xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu theo hướng người dân. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ phát triển du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.

Quảng Ninh chú trọng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho y tế; tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nhất là cho người nghèo, đối tượng khó khăn. Trong giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, xem đó là yếu tố cần thiết mang tính chiến lược để tăng cường năng lực nội sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký thăm hỏi nhân dân khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu - Ảnh: Hồng Nhung 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Quảng Ninh thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch lại và xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai... Từ đó, góp phần làm cho diện mạo của tỉnh thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, từ thực tiễn, bước đầu, Quảng Ninh đã rút ra một số kinh nghiệm quan trọng. Một là, tỉnh bám sát, nắm chắc, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu.

Hai là, xác định tầm nhìn chiến lược, dài hạn; thực hiện phương châm “Quy hoạch tổng thể; xây dựng từng phần”; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả...

Ba là, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; tạo sự đồng thuận xã hội. Lấy “dân làm gốc”, Nhân dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, động lực và mục tiêu của sự phát triển; bảo đảm tính bền vững, hài hòa ngay trong từng bước đi.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền chủ động về quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị, tổ chức bộ máy, biên chế... Ngoài ra, tiếp tục rà soát, sửa đổi, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực