Ngày 9/11, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045)" (KX.02/21-25) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đối mới".
Dự và chủ trì Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25; đại diện Ban Giám đốc Học viện; Ban Chủ nhiệm các đề tài thuộc Chương trình và một số chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
|
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25 phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25 khẳng định, qua gần 2 năm triển khai, Chương trình KX.02 và 37 đề tài trong Chương trình đã có nhiều đóng góp rất quan trọng, tạo sự lan tỏa về mặt tri thức, khoa học và lý luận chính trị, góp phần đổi mới tư duy, nhận thức lý luận, hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng và nhất là trực tiếp xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIV.
Chương trình đã khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc lý luận từ kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, trên hành trình tìm đường cứu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, soi rọi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
Phương pháp luận khoa học cũng như những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng, quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: phát triển kinh tế để nâng cao đời sống nhân dân; giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy sức mạnh của nhân dân Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị; xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh; xây dựng đội ngũ cán bộ "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"... cùng với những nguyên tắc như "độc lập, tự chủ", "dĩ công vi thượng", "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "dân là gốc", "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, thành công, đại thành công", v.v... là kim chỉ nam cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo mang lại với những bước chuyển mạnh mẽ của đất nước ta qua gần 40 năm đổi mới.
Đặc biệt, sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét, được minh chứng sinh động từ thực tiễn và trong các chủ trương, đường lối của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội thời gian qua.
Với gần 60 bản báo cáo, tham luận của các nhà khoa học đến từ các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.02/21-25 đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ hơn, phân tích sâu hơn những nội hàm mới, kiến nghị những định hướng, giải pháp mới đối với những vấn đề hệ trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra trong các phát biểu gần đây.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Đó là: Nội hàm của "kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" gắn với việc hiện thực hóa ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đi đôi với phát triển xã hội; ưu tiên đặc biệt cho phát triển hạ tầng văn hoá, y tế, giáo dục, nhà ở cho hộ nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, vùng quê hương cách mạng, thể hiện rõ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội hướng tới việc kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng.
Từ những tư tưởng của Bác về phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, liên hệ, làm rõ ý nghĩa đối với yêu cầu phải tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới, gắn liền với hoàn thiện quan hệ sản xuất hiện nay, nhất là trong bối cảnh mới mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa thể chứng kiến như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...
Từ tư tưởng của Bác về "ích nước, lợi dân"; "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh", làm sâu sắc hơn luận cứ cho yêu cầu phải tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển, nhất là về thể chế, về bộ máy của hệ thống chính trị, tạo tiền đề quan trọng cho việc đẩy mạnh hơn nữa đột phá về thể chế để huy động, giải phóng, khơi thông các nguồn lực phát triển bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân.
Cùng với đó, từ tư tưởng của Bác về chống lãng phí, vai trò của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tăng cường nguồn lực cho đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm, đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học phân tích các hình thức, biểu hiện, làm rõ hơn yêu cầu của cuộc đấu tranh chống lãng phí hiện nay, những định hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, từ tư tưởng của Bác về công tác cán bộ, làm rõ hơn nội hàm, tính cấp thiết của đột phá về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.