|
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Giấy chứng nhận Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020 cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. (Ảnh:TA)
|
Đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày
Xác định phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng là nhiệm vụ quan trọng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trách nhiệm vận động thực hiện của MTTQ Việt Nam, trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, chủ động và có nhiều sáng kiến tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nối tiếp nhau, đa dạng và phong phú.
MTTQ đã tạo ra môi trường thi đua rộng rãi, vận động đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Trong quá trình triển khai, Mặt trận luôn coi trọng tính thiết thực và hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước vừa nhằm vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra, đồng thời thực hiện nhiệm vụ tập hợp các tầng lớp Nhân dân, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
MTTQ Việt Nam đã vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như: phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”... Và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”...
Đáng chú ý, trước bối cảnh, nhiệm vụ chính trị đặt ra và những yêu cầu đột xuất, Mặt trận đã phối hợp với Nhà nước chủ động ra lời kêu gọi toàn dân tham gia các cuộc vận động lớn vào từng thời điểm cụ thể như: Toàn dân ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ; Toàn dân hiến máu tình nguyện; Toàn dân tham gia ủng hộ khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn… và được các giai tầng xã hội, các tôn giáo, đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào rộng lớn và có hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, trước tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã chủ động, tích cực cùng các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch và hỗ trợ nhân dân đồng bộ ở 3 lĩnh vực: Tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phòng, chống dịch; phát động, vận động các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch; giám sát phòng, chống dịch COVID-19 và giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Từ khi phát động đến nay, hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá trên 2.105 tỷ đồng, trong đó Mặt trận Trung ương tiếp nhận hơn 964 tỷ đồng, Mặt trận các tỉnh, thành phố tiếp nhận hơn 1.140 tỷ đồng…
Nét mới trong tổ chức phong trào thi đua của MTTQ Việt Nam là việc xây dựng các mô hình giải pháp thi đua phù hợp với tình hình thực tế của Mặt trận mỗi cấp. Ở Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập 16 cụm thi đua (trong đó có 10 cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 6 cụm thi đua các tổ chức thành viên). Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên cơ sở thực tế của từng địa phương cũng tổ chức các cụm thi đua. Các cụm thi đua hoạt động tích cực, có nhiều đổi mới, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Cán bộ Mặt trận “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Từ các phong trào thi đua, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng điển hình của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Cụ thể, thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ Việt Nam đã vận động tăng cường đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, đồng bào dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở ngoài nước phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Nhiều cán bộ Mặt trận đã tâm huyết, nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội; thông tin về những chính sách pháp luật của Nhà nước đối với phát triển kinh tế, xã hội, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, giới thiệu các cách làm có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh giỏi; đặc biệt là việc giúp đỡ, tạo vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, nâng cao đời sống.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã trực tiếp vận động xây dựng được 160 mô hình đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã vận động tổ chức nhiều mô hình như may gia công, chằm nón lá, mô hình nuôi cá, nuôi bò, nuôi dê, trồng lúa ứng dụng công nghệcao, chất lượng cao, trồng hoa kiểng, giúp đỡ bà con nông dân có việc làm và tăng thu nhập. Hay ông Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn tuyên truyền, động viên nhân dân đầu tư xây dựng được 6,3 ha diện tích nhà kính, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, cho thu nhập từ 700 triệu đến 01 tỷ đồng/ha.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh:TA) |
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam đã vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng “Phong trào toàn dân chăm lo cho công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; xây dựng nhân rộng các mô hình “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Quỹ khuyến học, khuyến tài”; phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề. Hiện nay, cả nước hiện có hơn 11 nghìn Trung tâm học tâp cộng đồng được xây dựng ở các xã, phường, thị trấn; 1.998 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các tổ chức tôn giáo, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” được Mặt trận các cấp triển khai đến từng địa bàn khu dân cư với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Một số mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả đã được nhân rộng ở 63 tỉnh, thành phố như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư thực hiện hài hoà xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Một số mô hình bảo vệ môi trường được lồng ghép thực hiện hiệu quả với các phong trào khác như: Phong trào “Tiết kiệm điện nước sinh hoạt”, xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, mô hình trồng hoa, trồng cây xanh quanh tường rào tạo nét đẹp cho cảnh quan nông thôn. Đến nay, cả nước có 5.177 xã đạt tiêu chí về môi trường (chiếm tỷ lệ 58,2%), 72.194 khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường; có 40 tổ chức tôn giáo hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng được 322 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, MTTQ Việt Nam đã tích cực triển khai các nội dung, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như: tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hiến công để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát xã hội, nhất là giám sát thông qua đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng thông thôn mới, giám sát các nguồn lực xây dựng nông thôn.... Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động Nhân dân tự nguyện hiến hơn 65 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Nhiều cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã huy động được hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và công trình an sinh xã hội ở nông thôn. Tiểu biểu như ông Huỳnh Công Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tân An, tỉnh Long An vận động xây dựng cây cầu liên xã trị giá 200 triệu đồng, 20 km đường bê tông trị giá 13 tỷ đồng, đóng góp trên 23 tỷ đồng, 15.336m2 đất, 1.350 ngày công. Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã vận động nhân dân trong xã đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng chục tỷ đồng, hiến hàng trăm m² đất để xây hàng chục km đường giao thôn xóm, các công trình phúc lợi địa phương và đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Đó còn là bà Hà Thị Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã vận động hiến trên 23.149 m² đất đóng góp 93.651 ngày công xây dựng nông thôn mới...
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã có nhiều lần phát biểu rằng, trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” vai trò của Mặt trận ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Các vùng quê được khoác “áo mới” nhờ hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, bưu điện, trụ sở uỷ ban xã, chợ… ngày càng đáp ứng nhu cầu người dân; hệ thống kênh mương đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hoá tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương hàng hoá và sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân; các thiết chế văn hoá được cải tạo, nâng cấp trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân...Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp và Nhân dân đã góp phần quan trọng vào kết quả chung trong xây dựng nông thôn mới…
Trong các phong trào thi đua của Mặt trận thì phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng là một điểm nhấn rất nổi bật. Trong 5 năm, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động số tiền 5.887 tỷ đồng; an sinh xã hội gần 17.000 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa trên 181.133 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ sinh kế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người nghèo với 667.525 lượt người. Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” từ khi phát động đến nay được 190.863 tỷ đồng, góp phần xây mới 343.897 căn nhà, sửa chữa 172.246 nhà, tặng 772.666 sổ tiết kiệm để chăm lo cho các hộ gia đình chính sách… Kết quả đó đạt được chính là sự chung tay góp sức của rất nhiều tập thể, cá nhân. Trong đó phải kể đến bà Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trực tiếp vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 694.212.000 đồng, hỗ trợ xây mới 05 căn và sửa chữa 23 căn nhà Đại đoàn kết, vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc, miền Trung bị thiên tai 283.771.000 đồng. Đó còn là ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã trực tiếp vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên 71,8 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 2.432 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ 5.297 học sinh nghèo…
Xây dựng hệ thống Mặt trận ngày càng vững mạnh
Nói đến phong trào thi đua của Mặt trận thì không thể không nói đến vai trò của Mặt trận trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Từ đó đã tạo môi trường để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp. Mặt trận cũng đã tổ chức góp ý, tập hợp ý kiến của Nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong dịp Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận, sức mạnh của Nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp thực hiện dân chủ, công tác hòa giải ở cơ sở... Giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…
|
Mặt trận các cấp đã tổ chức hơn 81 ngàn cuộc phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân. (Ảnh:TA) |
Có thể nói, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã trở thành hoạt động thường xuyên, tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước. Trong 5 năm qua Mặt trận cấp tỉnh đã chủ trì, tham gia giám sát 4.556 cuộc, Mặt trận cấp huyện đã chủ trì, tham gia giám sát 25.402 cuộc, Mặt trận cấp xã đã chủ trì, tham gia giám sát 410.599 cuộc, xử lý 25.773 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của Nhân dân. Mặt trận các cấp đã tổ chức hơn 81 ngàn cuộc phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân như các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội… Nhiều ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao…
Mặt trận đã tổng hợp được 45.051 ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội được cử tri và Nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Nhiều cán bộ Mặt trận đã luôn kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở để tham mưu nhiều ý kiến trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước; vai trò, vị thế của MTTQ ngày càng được khẳng định. Điển hình như ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã tham gia góp ý, phản biện xã hội nhiều dự án Luật, pháp lệnh, các văn bản có ảnh hướng lớn tới quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân; ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, đã tổ chức giám sát trực tiếp 1.196 cuộc, kiến nghị 3.049 ý kiến, phản biện 742 dự thảo văn bản, kiến nghị 1.557 ý kiến, giám sát 26.093 cuộc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, kiến nghị 740 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân trên 1,6 tỷ đồng, 8.487 m2 đất...
Từ các phong trào thi đua góp phần xây dựng hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp vững mạnh. Từ đó, kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vừa bảo đảm tính đại diện, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Đến nay, có 63 Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, trên 700 Ủy ban MTTQ cấp huyện, trên 10 ngàn Ủy ban Mặt trận cấp xã, trên 100 nghìn Ban công tác Mặt trận ở cơ sở được kiện toàn với số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp tỉnh là 5.406 người; cấp huyện là 38.765 người và cấp xã là 358.485 người...
Từ những kết quả đã đạt được, MTTQ Việt Nam tiếp tục xác định, thời gian tới, phong trào thi đua tiếp tục phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn của toàn dân tộc, hướng phong trào thi đua nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước./.
Đại hội Thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ được diễn ra vào ngày mai 18/9. Đại hội được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu, trong đó có nhiều người là đại diện ưu tú của các tầng lớp Nhân dân, tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, đội ngũ trí thức, nhân sỹ và điển hình tiên tiến của MTTQ Việt Nam các cấp. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015- 2020; biểu dương, tôn vinh các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc, gương người tốt, việc tốt tiêu biểu.... |